Ngân hàng

Ngân hàng tăng lãi suất lên 11%/năm: Chọn khách thừa tiền, có trăm tỷ gửi tiết kiệm

(VNF) - Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm xuống mức thấp kỷ lục, nhiều ngân hàng vẫn triển khai các gói gửi tiết kiệm với lãi suất lên tới 11%.

Mới đây, ngân hàng Wooribank đã giới thiệu gói gửi tiết kiệm với mức lãi suất lên tới 11%/năm. Tuy nhiên, khách hàng của gói gửi tiết kiệm này phải gửi định kỳ hàng tháng trong vòng 2 năm với số tiền tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 5 triệu đồng.

Mức lãi suất 11%/năm này bao gồm lãi suất cơ bản 7%/năm, 1%/năm đối với khách hàng mới, 1%/năm khi mở thẻ visa, 1%/năm khi mở tài khoản online của Wooribank và 1%/năm khi tham gia chương trình không tất toán tiết kiệm trước 6 tháng.

Trong khi đó, đối với các gói gửi có kỳ hạn thông thường, Wooribank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,6%/năm cho các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 - 24 tháng. Đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, lãi suất huy động là 5,5%/năm.

Nhiều ngân hàng triển khai gói tiết kiệm với lãi suất lên tới hơn 10%/năm.

PVComBank cũng triển khai chương trình gửi tiết kiệm với mức lãi suất cao nhất lên tới 10%/năm đối với kỳ hạn 12 và 13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là số tiền gửi phải lớn hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mức lãi suất huy động cao nhất với khách hàng phổ thông tại PVComBank cao nhất chỉ là 5,4%/năm đối với kỳ hạn 15 tháng trở lên.

Tại Nam A Bank, khách hàng có khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên được hưởng lãi suất 10%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Tại Techcombank, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 9,5%/năm nếu có số tiền gửi lên tới trên 999 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng mức lãi suất lên tới 11%/năm không dành cho đa số khách hàng phổ thông mà chỉ dành cho giới siêu giàu. Trong khi đó, ngoài những chương trình lãi suất huy động cao dành cho giới siêu giàu, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất huy động rất thấp.

Kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay, đã có 23 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Thậm chí, nhiều ngân hàng như OCB, KienLongBank, NCB, Viet A Bank, GPBank, SHB, VIB đã có lần thứ hai giảm lãi suất kể từ đầu tháng đến nay.

4 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV cũng đưa lãi suất huy động về mức thấp chưa từng có. Hiện tại, Vietcombank đang là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống, ở mức 1%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 2%/năm với kỳ hạn 3 tháng, 3%/năm với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, 4,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 4,7% với kỳ hạn 18 tháng.

Người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm dù lãi suất huy động liên tục giảm.

Theo Chứng khoán MB, việc lãi suất đầu vào giảm sâu cũng xuất phát từ nguyên nhân cầu tín dụng vẫn còn thấp. Trong khi đó, theo VCBS, ở giai đoạn nền kinh tế trong quá trình phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là mục tiêu được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp trong thời gian đủ lâu là cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn chưa giảm đủ nhiều đối với các hoạt động của nền kinh tế.

Mặc dù lãi suất huy động luôn dò đáy trong nhiều tháng qua nhưng số lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao kỷ lục. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Tổng số tiền được gửi vào ngân hàng tháng sau luôn cao hơn tháng trước dù lãi suất huy động liên tục giảm theo từng tháng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc kênh gửi tiết kiệm vẫn được ưu tiên dù lãi suất huy động chạm đáy cho thấy dòng tiền còn đang thận trọng, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn lấy lại niềm tin sau hàng loạt vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán.

Tin mới lên