‘Ngân hàng thường có tư tưởng ‘ông lớn’ khiến công ty fintech lép vế khi hợp tác’

Hải Đường - 08/10/2021 07:31 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) cho biết khi hợp tác với công ty fintech, các ngân hàng thường có tư tưởng “ông lớn”, có lợi thế về tài chính nên đưa ra các thỏa thuận “sát ván” làm các công ty fintech bị lép vế.

VNF
Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình.

Hợp tác giữa công ty fintech và ngân hàng cần sòng phẳng hơn

Tại Hội thảo Future Banking & Financial Services Forum 2021 diễn ra mới đây, trên cương vị người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NextTech, Shark Bình cho biết NextTech đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng từ rất sớm và có được nhiều kinh nghiệm.

Theo Shark Bình, trong giai đoạn năm 2009 khi NextTech mới thành lập, việc hợp tác giữa công ty fintech và ngân hàng là rất khó khăn, phải thuyết phục và lôi kéo bằng nhiều nỗ lực khác nhau nhưng hầu như nhận lại đều là những cái lắc đầu và sự im lặng. Các trường hợp được hợp tác cũng phải chờ rất lâu.

Shark Bình cho biết các ngân hàng đi đầu trong việc hợp tác với công ty fintech thường được hưởng lợi rất nhiều. Đơn cử khi NextTech hợp tác lần đầu với Vietcombank vào năm 2009 trong việc đưa tài khoản internet banking của người dùng có thể thanh toán được qua mạng, số liệu trong giai đoạn đó cho thấy khoảng 60% các giao dịch trực tuyến đều thông qua tài khoản của Vietcombank.   

Shark Bình cho rằng việc ngân hàng cởi mở trong hợp tác với fintech, biến fintech thành cánh tay nối dài có thể đem lại nhiều lợi ích. Theo ông, mỗi nhân viên của ngân hàng đều có rất nhiều chỉ tiêu nhưng fintech chỉ có một mục tiêu duy nhất là tăng doanh số. 

Tuy nhiên, Chủ tịch NextTech cũng cho biết trong các thỏa thuận hợp tác giữa ngân hàng và công ty fintech cần có sự sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng các ngân hàng thường có tư tưởng “ông lớn”, có lợi thế về tài chính nên đưa ra các thỏa thuận “sát ván” làm công ty fintech bị lép vế, dù hiện tại cũng đã có nhiều ngân hàng cởi mở hơn.

Về phía các công ty fintech, Shark Bình cho rằng nhóm công ty này cần phải xác định thế mạnh và năng lực riêng biệt vì bản chất việc hợp tác với ngân hàng là đứng trên vai người khổng lồ. Nếu không có thế mạnh thì có thể bị người khổng lồ "nuốt chửng".

Cũng đứng trên góc nhìn của công ty fintech trong chuyển đổi số ngành ngân hàng, đại diện của Mambu Việt Nam -  ông Phạm Quang Minh cho rằng ngân hàng phải thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra sân chơi để giữ khách hàng ở lại trong hệ sinh thái của mình. Các công ty fintech chính là đơn vị thứ 3 cung cấp các dịch vụ để tạo ra sân chơi đó.

Tại hội thảo, ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc ngân hàng VIB, nêu lên bất cập về quy định liên quan đến việc hợp tác giữa ngân hàng với công ty fintech.   

Cụ thể, ông Trần Nhất Minh cho biết khi các ngân hàng hợp tác với công ty fintech thì theo quy định, thường yêu cầu các đơn vị này phải có khoảng 5 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin, trong đó 2 năm cuối trong giai đoạn đó phải có lợi nhuận dương.

Tuy nhiên, số lượng các công ty fintech trong ngành có thời gian hoạt động trên 5 năm theo đánh giá của ông là không nhiều và hầu hết đều kinh doanh thua lỗ. 

Có cần lo ngại cạnh tranh giữa công ty fintech và ngân hàng?

Cũng tại Hội thảo Future Banking & Financial Services Forum 2021, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã chỉ ra 5 thách thức trong việc chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Đầu tiên và quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, là vấn đề hành lang pháp lý. Ông cho rằng hiện nay việc chuyển đổi số ngành ngân hàng mới chỉ đang ở những bước đi đầu và hành lang pháp lý cho vấn đề này vẫn chưa được đồng bộ.

Thách thức thứ hai là việc hợp tác chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng hiện vẫn chưa được hình thành.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giao dịch offline, giao dịch tiền mặt, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vẫn còn rất cao.

Tổng thư ký VNBA chỉ ra thêm 2 thách thức liên quan đến fintech. Theo ông, Việt Nam hiện có quá nhiều hệ sinh thái fintech trong khi mức độ liên thông và cách kiểm soát hệ sinh thái này vẫn đang là câu hỏi cần được giải đáp.

Cùng với đó, sự cạnh tranh giữa các công ty fintech và ngân hàng cũng như định hướng của ngân hàng trong sự cạnh tranh này là vấn đề cần lưu ý trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Trên thực tế, không phải tất cả công ty fintech đều có sự cạnh tranh với ngân hàng. Nêu ví dụ về ví điện tử MoMo, ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc VIB, nhận định phân khúc khách hàng của đơn vị fintech này có sự khác biệt so với phân khúc khách hàng ngân hàng nên sẽ không có sự cạnh tranh.  

Dù không thể phủ nhận việc vẫn tồn tại sự cạnh tranh giữa công ty fintech và ngân hàng, ông Trần Nhất Minh cho rằng với những ưu điểm riêng biệt thì 2 đơn vị này hoàn toàn có thể hợp tác với nhau. 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.