Ngân hàng trực tiếp bán vàng, lộ ra ai làm giá trên thị trường vàng?

Khánh Tú - 02/06/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Tại thời điểm giá vàng phá đỉnh 92 triệu đồng/lượng, nhiều nhà vàng liên tục báo “hết hàng” và “chỉ nhận khách bán vàng, không nhận khách mua vàng”. Điều này dấy lên nhiều nghi vấn rằng các cửa hàng vàng cố tình “ém hàng” nhằm làm giá.

Chỉ bán, không mua

Ngay sau khi NHNN công bố thông tin 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia bán vàng, các ngân hàng có trong danh sách cũng đã có thông báo hướng dẫn người dân.

Cụ thể, tại Vietcombank, người dân có thể mua vàng miếng SJC bắt đầu từ ngày 3/6 tới, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp mua vàng với khối lượng lớn, khách hàng cần chuẩn bị sẵn thông tin để khai báo hoặc mở tài khoản tại Vietcombank trước khi giao dịch nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền.

Tương tự, người mua vàng tại Agribank cũng cần phải lưu ý các thủ tục liên quan đến định danh cá nhân và tuân thủ một số quy định giao dịch, thanh toán hợp pháp về hóa đơn và phòng chống rửa tiền.

Tại VietinBank, ngân hàng đã sẵn sàng nguồn lực và đang phối hợp chặt chẽ cùng NHNN để hoàn thiện đồng bộ các giải pháp nhằm phục vụ KH một cách tốt nhất với chủ trương 3 "không": Không vì mục đích lợi nhuận, không giới hạn khách hàng cá nhân và không giới hạn số lượng mua.

Các ngân hàng đã sẵn sàng bán vàng cho người dân.

Tại BIDV, ngân hàng sẽ thiết lập mạng lưới phân phối vàng cho người dân, trước mắt là ở TP.HCM và Hà Nội.

Theo thông tin từ các ngân hàng, giá bán và danh sách các địa điểm bán vàng miếng sẽ được công khai trên website của ngân hàng. Các ngân hàng cũng khẳng định không đặt mục tiêu lợi nhuận khi bán vàng cho dân.

Ngoài ra, cả 4 ngân hàng đều chỉ bán vàng mà không mua vàng từ phía người dân. Lý giải về điều này, lãnh đạo Agribank nhấn mạnh, việc các ngân hàng bán vàng nhằm mục đích bình ổn thị trường, tức chỉ can thiệp một chiều, chứ không phải hoạt động kinh doanh.

“Cần hiểu rõ những địa điểm bán vàng của Agribank và các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ là điểm cung ứng vàng miếng chứ không phải địa điểm kinh doanh – mua bán”, đại diện Agribank cho hay.

Trong lúc các ngân hàng đang chạy nước rút để chuẩn bị cho đợt bán vàng đầu tiên trong tháng 6 tới, nhiều người dân cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này.

Chị Hà Vy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nhìn chung thủ tục mua vàng tại các ngân hàng cũng không quá khác biệt so với việc mua vàng tại các cửa hàng lâu nay, chỉ khác ở việc phải mang theo căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân. Nếu mức giá mà ngân hàng đưa ra hợp lý, tôi nghĩ ai cũng sẽ sẵn sàng để mua”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc các ngân hàng chỉ bán vàng ra mà không mua vàng vào sẽ gây bất tiện cho người dân.

“Lúc mua thì mua của các ngân hàng, đến lúc bán thì người dân lại phải giao dịch bán vàng tại các cửa hàng vàng. Nếu các cửa hàng vàng từ chối nhận mua, hoặc mua theo kiểu ép giá thì khi đó, người dân lại là người chịu thiệt”, anh Nguyễn Hoàng (Hà Nội), một người đã có nhiều năm đầu tư vàng quan ngại.

Liên quan đến lo ngại này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, người dân hoàn toàn có thể mua vàng SJC từ các ngân hàng và bán lại cho các cửa hàng vàng trên toàn quốc.

"Lợi thế vàng miếng thương hiệu SJC là như vậy, được đảm bảo bởi thương hiệu và chất lượng, có thanh khoản tốt nhất thị trường. Còn nếu cửa hàng nào không mua với lý do nào đó thì người dân có thể báo cáo lên các cơ quan kiểm tra", ông nói.

Từng bước thanh lọc thị trường vàng

Theo một nghiên cứu của VNDirect, Việt Nam hiện có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý. Trong đó, dẫn dắt thị trường là một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Kim Tín,…

Theo lý thuyết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn hoàn toàn có động cơ và khả năng bắt tay để thao túng giá vàng bởi họ là những người nắm giữ khối lượng vàng lớn trên thị trường.

Tại thời điểm giá vàng phá đỉnh 92 triệu đồng/lượng, nhiều nhà vàng liên tục báo “hết vàng” và “chỉ nhận khách bán vàng, không nhận khách mua vàng”. Điều này cũng dấy lên nhiều nghi vấn rằng các cửa hàng vàng cố tình “ém hàng” nhằm làm giá.

Trong một chia sẻ với VietnamFinance, một chuyên gia kinh tế cũng từng khẳng định: “Dù có thừa nhận hay không thì vấn đề “làm giá” vẫn luôn hiện hữu trên thị trường vàng”.

Việc các ngân hàng tham gia bán vàng sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường vàng.

Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi khi các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia bán vàng. Với sự tham gia của các ngân hàng, tình trạng làm giá trên thị trường có thể sẽ sớm bị xóa bỏ. Bởi khi đó, các nhà vàng buộc phải điều chỉnh theo giá bán của các ngân hàng nếu không muốn mất khách. Nếu vẫn giữ “một mình một giá”, thay vì cửa hàng vàng, người mua khi đó sẽ lựa chọn các ngân hàng với giá bán thấp hơn.

Chưa kể, khi các thông tin mua - bán vàng được công khai, giao dịch mua bán vàng có hóa đơn điện tử..., đầu ra của vàng miếng SJC cũng sẽ được minh bạch hóa. Từ đó, sẽ góp phần hạn chế việc đầu cơ, tạo cơn “sốt ảo” trên thị trường vàng.

Đường dài cần ngựa hay

Ngay sau thông tin 4 ngân hàng thương mại được cấp quyền bán vàng, giá vàng SJC liên tục “đổ đèo”, giảm tới vài triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày. Tính đến sáng 1/6, giá vàng SJC chỉ cởn mức 81 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 84 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Thế nhưng, đà sụt giảm của giá vàng SJC có thể kéo dài trong bao lâu là điều khó nói trước.

Trước đó, sau tin NHNN đấu thầu vàng trở lại, thị trường cũng có phản ứng tương tự. Giá vàng SJC giảm mạnh ở cả hai chiều mua vào, bán ra. Thị trường khi đó cũng tràn ngập niềm tin vàng sẽ sớm rẻ và mức chênh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng sẽ được thu hẹp.

Thực tế sau đó đã chỉ ra đây chỉ là “tín hiệu ảo”. Sau 9 phiên đấu thầu với một lượng vàng lớn được bơm ra thị trường, giá vàng SJC vẫn “lên đồng”, thậm chí thiết lập một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử khi chinh phục mốc 92,4 triệu đồng/lượng.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, mặc dù giải pháp để Big4 bán vàng sẽ có tác dụng nhưng vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Nếu muốn giá vàng bình ổn trong thời gian dài hơn, điều kiện tiên quyết vẫn là sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng.

TS Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch hiệp hội kinh doanh vàng, nhận định, sửa Nghị định 24 là nhiệm vụ cấp bách và nên làm ngay và luôn. “Đã đến lúc chúng ta nên trả lại vàng cho thị trường”, ông nói.

“Việc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và NHNN là đơn vị quản lý, trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Các ngân hàng trung ương trên thế giới chỉ điều tiết về chính sách tiền tệ và dự trữ ngoại khối chứ không trực tiếp tham gia vào kinh doanh vàng. Ngoài ra, cũng không có quốc gia nào trên thế giới chỉ công nhận một thương hiệu vàng miếng duy nhất.

Vai trò lịch sử của Nghị định 24 đã hoàn thành. Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiên cứu lại và sửa đổi sao cho phù hợp. Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, tiền đồng ổn định, lạm phát hạn chế, đầu tư sản xuất đang cần nguồn vốn lớn thì phải làm sao dòng tiền phải chảy vào sản xuất chứ không chảy vào vàng nữa”, TS Nguyễn Thế Hùng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác