Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: ACB kỳ vọng lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, VietinBank chưa có ý định bán vốn

(VNF) - SHB dự kiến chia 20,5% cổ tức; ABC kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 vượt 10.000 tỷ đồng; HDBank AMC bất ngờ lên kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng; Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của 15 ngân hàng Việt Nam… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: ACB kỳ vọng lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, VietinBank chưa có ý định bán vốn

VietinBank chưa có ý định bán vốn là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

SHB dự kiến chia 20,5% cổ tức, 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020

ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã thông qua phương án chia cổ tức từ lợi nhuận của ngân hàng năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%.

Với kết quả hoạt động đã đạt được năm 2020, SHB đang lên kế hoạch trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia cổ tức từ lợi nhuận 2020 với tỷ lệ 10,5%. Như vậy, cổ đông SHB có thể được nhận cổ tức lên tới 20,5% trong năm 2021.

Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng (tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại).

Việc tăng vốn điều lệ nằm trong lộ trình phát triển của SHB nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III.

Lịch sử chi trả cổ tức của SHB như sau: giai đoạn 2013-2016: 7-8%/năm; giai đoạn 2017-2020: hơn 10%/năm. Trong đó, 2017 và 2018 đã chi trả tỷ lệ cổ tức là 20,9%. Năm 2019 và 2020 dự kiến chi 20,5% (chi vào năm 2021).

>>> Xem thêm: SHB dự kiến chia 20,5% cổ tức, 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020

ACB kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 vượt 10.000 tỷ

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), ban lãnh đạo ngân hàng này đặt kế hoạch hoạt động năm 2021 với lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với lợi nhuận năm 2020.

Tổng tài sản dự kiến tăng 10% lên hơn 488.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng dự kiến tăng 9%. Tín dụng kỳ vọng tăng 9% (điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp), tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 2%.

Ban lãnh đạo ACB lên kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

Bên cạnh kế hoạch hoạt động năm 2021, ACB cũng trình ĐHCĐ phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020.

Cụ thể, ngân hàng này muốn phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 25%. Sau phát hành, tổng số cổ phiếu lưu hành của ACB dự kiến tăng lên hơn 2,7 tỷ đơn vị, tương đương với mức vốn điều lệ là hơn 27.019 tỷ đồng.

Số tiền huy động được theo mệnh giá là hơn 5.400 tỷ đồng, dự kiến được bổ sung vào nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ của ACB, ngoài ra cũng được sử dụng để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư vào các dự án chiến lược giai đoạn 2019-2024 của ngân hàng này.

>>> Xem thêm: ACB kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 vượt 10.000 tỷ

HDBank AMC bất ngờ lên kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, HDBank chỉ nắm giữ 2%

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) vừa thông qua phương án về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank AMC) từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần.

Vốn điều lệ mới của HDBank AMC dự kiến là 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp của HDBank là 20 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 2%.

98% vốn điều lệ còn lại sẽ dành cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu góp vốn thành lập công ty, phù hợp theo định hướng phát triển.

Được biết, HDBank AMC tiền thân là công ty con thuộc sở hữu của Ngân hàng TMCP Đại Á, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 13/1/2011 với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2011, vốn điều lệ của HDBank AMC tăng lên thành 150 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á từ tháng 11/2013, HDBank AMC trở thành công ty con do HDBank nắm giữ 100% vốn, chuyển trụ sở từ Biên Hòa, Đồng Nai về TP. HCM.

>>> Xem thêm: HDBank AMC bất ngờ lên kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, HDBank chỉ nắm giữ 2%

Bán xong hơn 95 triệu cổ phiếu ACB, Dragon Capital lại muốn mua vào lượng ‘khủng’

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) mới đây đã thông báo về giao dịch cổ phiếu của cổ đông ngoại là nhóm quỹ Dragon Capital.

Theo đó, 2 quỹ thành viên của Dragon Capital là Norges Bank và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust lần lượt đăng ký mua vào 10 triệu và 500.000 cổ phiếu ACB trong thời gian từ ngày 19/3 đến ngày 16/4.

Trước giao dịch, 2 quỹ này đều không sở hữu cổ phiếu ACB. Nếu gom thành công số lượng cổ phiếu đã đăng ký mua, Norges Bank và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust sẽ lần lượt sở hữu 0,462% và 0,023% vốn tại ACB.

Tạm tính theo thị giá của ACB, 2 quỹ ngoại này sẽ phải chi ra khoảng 351 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Hiện Dragon Capital đang thông qua 4 quỹ thành viên, nắm giữ tổng cộng hơn 165 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ là 7,6%. Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital sẽ tăng lên 8,1% nếu 2 giao dịch trên thành công.

Được biết, Dragon Capital mới đây đã thông qua 2 quỹ thành viên là Asia Reach Investments Limited và First Burns Investments Limited, bán hơn 95 triệu cổ phiếu ACB trong phiên 10/3. Ngược lại, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company thuộc Dragon Capital trong cùng ngày lại mua vào 5 triệu cổ phiếu ACB.

>>> Xem thêm: Bán xong hơn 95 triệu cổ phiếu ACB, Dragon Capital lại muốn mua vào lượng ‘khủng’

Lãi 'khủng' 7.000 - 8.000 tỷ trong quý I, VietinBank chưa có ý định bán vốn

Theo tường thuật của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) cho biết ngân hàng đã chính thức tuân thủ tiêu chuẩn Basel II theo Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2021.

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 6%-12%. Kế hoạch tăng trưởng huy động vào khoảng 8-12%.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 hiện chưa được phía VietinBank công bố. VietinBank sẽ đề xuất kế hoạch này để cổ đông thông qua tại đại hội cổ đông thường niên sắp tới sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt.

Đáng chú ý, phía VietinBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý I/2021 có thể đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, tăng trên 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo ngân hàng cho biết lợi nhuận này chưa bao gồm các đóng góp từ thương vụ bancassurance mà chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

VietinBank kỳ vọng sẽ bán các sản phẩm bảo hiểm của Manulife từ tháng 4/2021 khi hoàn thành thương vụ bancassurance độc quyền.

Cổ tức năm 2021 dự kiến là trên 12%, một phần sẽ bằng cổ tức tiền mặt và phần còn lại là cổ tức cổ phiếu.

Lãnh đạo VietinBank cũng cho hay ngân hàng chưa có ý định phát hành cổ phiếu mới hoặc tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược trong tương lai gần.

>>> Xem thêm: Lãi 'khủng' 7.000 - 8.000 tỷ trong quý I, VietinBank chưa có ý định bán vốn

BIDV sắp bán khoản nợ 473 tỷ đồng, 3 triệu cổ phần của Thời trang NEM là tài sản bảo đảm

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng Archplus tại BIDV.

Theo đó, tổng dư nợ của Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus tại BIDV tính đến ngày 31/8/2020 là hơn 473 tỷ đồng, phát sinh từ việc đầu tư trái phiếu của công ty. Dư nợ gốc là 257 tỷ đồng, lãi và phí phạt quá hạn là hơn 216 tỷ đồng.

Khoản nợ này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội, thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/5/2005.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo của khoản nợ còn có 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty Cổ phần Thời trang NEM cùng bảo lãnh thanh toán của công ty này.

Được biết, ông Trương Việt Bình hiện đang là người đại diện theo pháp luật của cả 2 đơn vị là Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus và Công ty Thời trang NEM, trong đó tại NEM, ông Bình kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (dữ liệu đến cuối năm 2019).

>>> Xem thêm: BIDV sắp bán khoản nợ 473 tỷ đồng, 3 triệu cổ phần của Thời trang NEM là tài sản bảo đảm

Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của 15 ngân hàng Việt Nam

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây đã xác nhận nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ & ngoài tệ dài hạn, và theo đó có thể áp dụng với xếp hạng nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo được ưu tiên trả nợ, đối với 15 ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, Moody's đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực", 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" và 6 ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Ổn định".

Động thái này của Moody's diễn ra ngày sau khi cơ quan này xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời, nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực".

15 ngân hàng trong diện điều chỉnh bao gồm: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Cùng với đó là Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

>>> Xem thêm: Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của 15 ngân hàng Việt Nam

Tin mới lên