Ngân hàng xoay xở ra sao trong vòng xoáy nợ xấu?

Minh Tâm - 11/11/2020 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong số 27 ngân hàng thương mại, có tới 8 ngân hàng lựa chọn cùng một phương án mang tính đánh đổi: "lỏng tay" hơn trong xử lý và dự phòng nợ xấu để chạy theo tăng trưởng lợi nhuận.

VNF
Ngân hàng xoay xở ra sao trong vòng xoáy nợ xấu?

Chu kỳ nợ xấu mới đang bắt đầu, gối đầu với hồi kết của chu kỳ nợ xấu cũ.

Số liệu nợ xấu 9 tháng năm 2020 đang minh chứng cho điều này khi tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng thương mại (*) tăng tới 31%, tương đương tăng gần 25.100 tỷ; nợ tái cơ cấu theo Thông tư Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày càng tăng, đến ngày 28/9/2020 đã chiếm tới 3,8% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trái ngược, tổng giá trị trái phiếu đặc biệt tại VAMC của 27 ngân hàng giảm 22%, tương đương giảm gần 23.800 tỷ (xem thêm: Thực hư chuyện nợ xấu ngân hàng tăng mạnh).

Chu kỳ nợ xấu mới kéo theo mối lo về lợi nhuận ngân hàng, bởi khi phát sinh nợ xấu, ngân hàng phải trích lập dự phòng theo quy định và nghiệp vụ này làm bào mòn lợi nhuận. Mức độ trích lập dự phòng sẽ tùy thuộc vào nhóm nợ (nợ nhóm 3, nợ nhóm 4 hoặc nợ nhóm 5) và giá trị tài sản bảo đảm của khoản nợ.

Mặc dù quy định về hạch toán nợ xấu cũng như trích lập dự phòng đã khá chặt chẽ nhưng không tránh khỏi những "lỗ hổng" giúp ngân hàng có không gian để "điều tiết" mức độ trích lập dự phòng, điển hình là việc xác định giá trị tài sản bảo đảm. Đối với một khoản nợ xấu đã xác định nhóm nợ, giá trị tài sản bảo đảm càng thấp thì mức độ trích lập dự phòng càng cao, nhờ vậy mà ngân hàng có thể "điều tiết" lượng trích lập dự phòng thông qua việc "điều tiết" giá trị tài sản bảo đảm, bởi việc xác định giá trị tài sản bảo đảm phụ thuộc không ít vào các yếu tố định tính.

Ngân hàng có thể "điều tiết" trích lập dự phòng, cũng nghĩa là có thể "điều tiết" lợi nhuận. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu thì khó "điều tiết" hơn do quy định hiện hành khá rõ ràng và phần đông các ngân hàng đã sử dụng hệ thống phân loại nhóm nợ tự động.

Việc theo dõi sự biến động của 3 yếu tố lợi nhuận - dự phòng - nợ xấu có thể giúp hình dung được những sự "điều tiết", xoay xở khác nhau của các ngân hàng, chẳng hạn ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận hay xử lý nợ xấu. Tương ứng với 3 yếu tố này là 3 chỉ tiêu: biến động lợi nhuận trước thuế - biến động tỷ lệ bao phủ nợ xấu - biến động tỷ lệ nợ xấu.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu = số dư dự phòng/quy mô nợ xấu, được ví như chỉ tiêu phản ánh "bộ đệm" rủi ro nợ xấu. Tỷ lệ này càng cao thì mỗi đồng nợ xấu càng được dự phòng nhiều, đồng nghĩa mức độ an toàn càng cao. Ví dụ, tỷ lệ này là 50% thì mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bởi 0,5 đồng dự phòng; tỷ lệ này là 200% thì mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bởi 2 đồng dự phòng.

Quan sát cho thấy, trong số 27 ngân hàng thương mại trong diện thống kê, có tới 8 ngân hàng lựa chọn cùng một phương án mang tính đánh đổi: chấp nhận tăng tỷ lệ nợ xấu, giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu để gia tăng lợi nhuận (trong đó, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu đặc biệt tại VAMC). Nói cách khác, các ngân hàng này "lỏng tay" hơn trong xử lý và dự phòng nợ xấu để chạy theo tăng trưởng lợi nhuận.

Các ngân hàng có xu hướng chạy theo tăng trưởng lợi nhuận này bao gồm ACB, VPBank, HDBank, VIB, TPBank, OCB, ABBank. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 9 tháng năm nay của 8 ngân hàng này lên đến 24% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Lựa chọn ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận hơn là xử lý nợ xấu không phải là lựa chọn tồi nếu như quy mô nợ xấu của ngân hàng ở mức thấp hoặc/và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, đồng nghĩa có đủ dư địa để tiếp nhận thêm nợ xấu nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được mức độ an toàn. Nếu không có các điều kiện trên, lựa chọn này có phần mạo hiểm.

Một số ngân hàng thì thận trọng hơn khi chỉ giữ lợi nhuận đi ngang hoặc tăng nhẹ, thay vào đó, ưu tiên giảm tỷ lệ nợ xấu (như Eximbank và LienVietPostBank) hoặc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (như MB), hoặc tích cực hơn là đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (như BIDV).

Thận trọng hơn nữa thì có Vietcombank và BacABank. Đây là 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất cao, nghĩa là có nhiều dư địa để chạy theo tăng trưởng lợi nhuận mà vẫn kiểm soát tốt mức độ an toàn. Tuy nhiên, 2 ngân hàng này lại chọn cách hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng hơn nữa tỷ lệ bao phủ nợ xấu, nhằm tăng cường "bộ đệm" an toàn cho nợ xấu. Lựa chọn này cho phép Vietcombank và BacABank có thể nhanh chóng tái cân bằng sau khi lượng nợ xấu tái cơ cấu theo Thông tư 01 dần dần được ghi nhận vào báo cáo tài chính.

Không phải ngân hàng nào cũng có nhiều sự lựa chọn, điển hình là các ngân hàng như Kienlongbank, Saigonbank, VietBank... 9 tháng năm nay, không những lợi nhuận giảm mà tỷ lệ nợ xấu của 4 ngân hàng này còn tăng, thêm vào đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Các tín hiệu kém khả quan này phần nào phản ánh vấn đề về sức khỏe tài chính và sức mạnh cạnh tranh của 4 ngân hàng trên.

Có phần tương tự là câu chuyện ở SCB, Sacombank, PGBank. Tỷ lệ nợ xấu quá cao khiến các ngân hàng này buộc phải hy sinh lợi nhuận để mạnh tay giảm nợ xấu. Nhờ giảm mạnh quy mô nợ xấu nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng được cải thiện dù mức độ cải thiện khá khiêm tốn, tuy vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức rất thấp, từ 25 - 50%, cho thấy "bộ đệm" an toàn vẫn mỏng.

Trong số 27 ngân hàng thương mại, số ít ngân hàng gồm SeABank, VietCapitalBank, MSB và Techcombank đồng loạt ghi nhận 3 tín hiệu tốt: lợi nhuận tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng. Kết quả này càng đặc biệt hơn trong bối cảnh ngành ngân hàng đang chịu tác động tiêu cực rõ rệt của dịch Covid-19.

Về nguyên nhân, SeABank, VietCapitalBank và MSB là 3 trường hợp đã sạch nợ VAMC trong năm nay, vì vậy gánh nặng nợ xấu đã nhẹ hơn nhiều, cùng với đó, mức nền lợi nhuận thấp của năm ngoái (do phải dành nguồn lực xử lý nợ xấu VAMC) cũng tạo điều kiện ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay.

Riêng với Techcombank, các tín hiệu tích cực trên cho thấy sức khỏe tài chính và sức mạnh cạnh tranh của ngân hàng này là vượt trội so với mặt bằng chung.

(*) 27 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietCapitalBank, VietBank, Vietcombank, VietinBank, VPBank; trong đó, riêng HDBank và VPBank là số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ (do tỷ lệ nợ xấu hợp nhất chịu tác động lớn của công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc), còn lại là số liệu báo cáo tài chính hợp nhất.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Hà Nội kêu gọi đầu tư 6 khu đô thị hơn 34.000 tỷ tại Đông Anh

Hà Nội kêu gọi đầu tư 6 khu đô thị hơn 34.000 tỷ tại Đông Anh

(VNF) - Hà Nội kêu gọi đầu tư 6 khu đô thị tại huyện Đông Anh bằng hình thức đấu thầu rộng rãi. Tổng mức đầu tư của 6 dự án là 34.585 tỷ đồng.

Bán lẩu thu về 680 triệu USD, chủ sở hữu Haidilao chính thức IPO tại Mỹ

Bán lẩu thu về 680 triệu USD, chủ sở hữu Haidilao chính thức IPO tại Mỹ

(VNF) - Super Hi International, công ty điều hành chuỗi nhà hàng lẩu Trung Quốc Haidilao trên thị trường quốc tế, đã phát hành cổ phiếu công khai lần đầu tại Mỹ vào ngày 16/5.

EVNFinance ký kết thành công gói vay hợp vốn với 6 ngân hàng lớn của Đài Loan

EVNFinance ký kết thành công gói vay hợp vốn với 6 ngân hàng lớn của Đài Loan

(VNF) - EVNFinance ký kết thành công gói vay hợp vốn trị giá 65 triệu USD từ 6 ngân hàng lớn của Đài Loan, bao gồm E.Sun Bank, Mega Bank, Shanghai Bank, Firstbank, Hua Nan Bank, Taichung Bank. Khoản vay này được đầu mối và thu xếp bởi E.Sun Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Đài Loan với tổng tài sản 118 tỷ USD.

Bắc Giang đưa khu công nghiệp Huyền Sơn 150ha ra khỏi quy hoạch

Bắc Giang đưa khu công nghiệp Huyền Sơn 150ha ra khỏi quy hoạch

(VNF) - Khu công nghiệp Huyền Sơn với quy mô 150ha tại huyện Lục Nam vừa được tỉnh Bắc Giang đưa ra khỏi quy hoạch.

Vincom Retail lập công ty con 3.620 tỷ, thoả thuận chuyển nhượng với VHM, VIC, Vinwonders

Vincom Retail lập công ty con 3.620 tỷ, thoả thuận chuyển nhượng với VHM, VIC, Vinwonders

(VNF) - Vincom Retail hiện ghi nhận 4 công ty con tại báo cáo tài chính với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối.

Phát Đạt bán cổ phiếu huy động hơn 1.300 tỷ, chủ tịch và DN liên quan mua 1 nửa

Phát Đạt bán cổ phiếu huy động hơn 1.300 tỷ, chủ tịch và DN liên quan mua 1 nửa

(VNF) - Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt cùng Phát Đạt Holdings sẽ mua toàn bộ 63,8 triệu cổ phiếu được phép trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu của Phát Đạt.

'Bom nợ' trái phiếu lớn nhất 3 năm, bất động sản tiếp tục phát hành thêm

'Bom nợ' trái phiếu lớn nhất 3 năm, bất động sản tiếp tục phát hành thêm

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể trả nợ gốc/lãi trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cho các trái chủ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có không ít doanh nghiệp đã trở lại đường đua phát hành TPDN trong 4 tháng năm 2024.

Tonkin Land: Thua lỗ nhiều năm, nợ trên 1.000 tỷ đồng

Tonkin Land: Thua lỗ nhiều năm, nợ trên 1.000 tỷ đồng

(VNF) - Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty cổ phần Tonkin Land, doanh nghiệp này trong năm không ghi nhận doanh thu bán hàng, trong khi đó cùng kỳ năm trước là 1,6 tỷ đồng.

OCB được VIS Rating đánh giá xếp hạng ở mức A+ về độ tín nhiệm

OCB được VIS Rating đánh giá xếp hạng ở mức A+ về độ tín nhiệm

(VNF) - Ngày 15/5/2024, Ngân hàng Phương Đông (HoSE: OCB) được Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) công bố đánh giá triển vọng đối với xếp hạng tổ chức phát hành ở mức A+ của OCB là ổn định.

Ngân sách trung ương rót thêm 3.220 tỷ vào Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ngân sách trung ương rót thêm 3.220 tỷ vào Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

(VNF) - Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được bổ sung thêm 3.220 tỷ đồng tiền vốn từ ngân sách trung ương. Dự kiến dự án sẽ hoàn vốn 22 năm 5 tháng, sớm hơn nửa năm so với phương án trước đó.

Ảnh đẹp về những sân golf bên biển nổi tiếng Việt Nam

Ảnh đẹp về những sân golf bên biển nổi tiếng Việt Nam

(VNF) - Golf đã không còn là môn thể thao xa lạ, xa xỉ như nó đã từng; golf đã và đang hiện hữu trong đời sống của người Việt như là một trong những môn thể thao – giải trí quan trọng, thu hút đông đảo người chơi với gần 80 sân đang hoạt động trên toàn quốc. Dưới đây là hình ảnh đẹp về những sân golf sát biển nổi tiếng Việt Nam.