Ngày Quốc khánh nghĩ về những 'Doanh nhân dân tộc' của chúng ta!

Nguyễn Thành Phong - 01/09/2018 08:08 (GMT+7)

(VNF) - Những người giàu đóng vai trò là những người sáng nghiệp, dẫn dắt, là trụ cột của phát triển. Người giàu nêu tấm gương chính trực, làm ăn đàng hoàng, đặt Tổ quốc, đặt mục tiêu thịnh vượng quốc gia lên hàng đầu là tấm gương sáng cho xã hội noi theo.

VNF
Một quốc gia hùng cường không thể thiếu một đội ngũ "doanh nhân dân tộc" tài năng, là trụ cột cho nền kinh tế.

Trong tháng 8/2018, có một bài báo khá dài, được đưa trên nhiều tờ điện tử, làm tôi chú ý và bật ra cái cảm giác rất vui mừng. Bài báo thuật lại cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với nội dung phân tích, bình luận xung quanh câu chuyện tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện nay và Tập đoàn Vingroup nhân 25 năm thành lập.

Ông Trần Đình Thiên là một chuyên gia, một nhà phân tích kinh tế có uy tín, từng tham gia vào nhiều tổ chức và nhóm tham mưu cho việc hoạch định, dự thảo nhiều chính sách phát triển kinh tế của đất nước. Ông là thành viên tư vấn kinh tế của Thủ tướng từ năm 2011 và hiện vẫn đang là một trong 15 thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đương nhiệm. Với vị thế và trải nghiệm, những ý kiến phân tích và đánh giá của vị Tiến sỹ này thường là “nặng đồng cân”, thuyết phục và chí lý.

Trong cuộc trò chuyện, ông Thiên nói về nhiều vấn đề, từ sự biến chuyển của hình thái kinh tế đất nước, tâm lý xã hội Việt Nam, đến con đường hình thành và nhận định về tương lai của nhiều tỷ phú ở nước ta hiện nay. Ông phân tích về căn bệnh ghét người giàu và tâm lý "giấu giàu" ở Việt Nam và nhận định rằng, thái độ xã hội và của bộ phận đông đảo người còn nghèo ở nước ta đối với sự giàu có và đối với người giàu đang tích cực dần lên. Từ chỗ thù ghét, đối địch, "xúc đất đổ đi", coi những người giàu là con buôn, con phe, dần chuyển sang thái độ tôn trọng và tôn vinh, đang ngày càng mạnh lên.

Những người giàu đóng vai trò là những người sáng nghiệp, dẫn dắt, là trụ cột của phát triển. Người giàu nêu tấm gương chính trực, làm ăn đàng hoàng, đặt Tổ quốc, đặt mục tiêu thịnh vượng quốc gia lên hàng đầu là tấm gương sáng cho xã hội noi theo.

TS Trần Đình Thiên

Điều đặc biệt, trong cuộc trò chuyện này, Tiến sỹ Trần Đình Thiên đã đưa ra nhận định: “Phạm Nhật Vượng có những phẩm chất và năng lực nền tảng của một doanh nhân dân tộc đích thực!”
Đây là một nhận định kèm theo danh xưng hết sức mới mẻ trong lịch sử đất nước thời hiện đại hơn 70 năm qua.

Nội hàm danh từ “Doanh nhân” để gọi những chủ doanh nghiệp mới xuất hiện ở nước ta chừng hơn mười năm nay. “Ngày Doanh nhân Việt Nam” là mới có, bắt đầu từ 13/10/2004, cách đây 14 năm. Tôi không biết mình có chủ quan không nhưng từ đánh giá về một trong những tỷ phú hàng đầu Việt Nam hiện nay, kèm theo việc nêu lên danh xưng “Doanh nhân dân tộc” thì ông Trần Đình Thiên là người đầu tiên. Tôi vui mừng là vì điều này…

Cách đây hơn một thế kỷ, những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở nước ta, đã xuất hiện một lớp người giàu có với sản nghiệp được bồi đắp nên từ các hoạt động giao thương, buôn bán, tổ chức sản xuất công nghiệp… Trong số những người giàu có ấy, có một số người được người dân kính trọng, gọi là những “Nhà tư sản dân tộc”, những “Đại doanh gia”.

Câu chuyện về công cuộc kinh doanh của những con người này đầy ắp những yếu tố phi thường, những cạnh tranh, sóng gió khốc liệt thương trường… Họ đã khẳng định được khát vọng làm giàu và tính cách độc lập, tự chủ của cộng đồng dân tộc Việt. Ở miền Bắc, những “Nhà tư sản dân tộc” như: “Vua tàu thủy đất Bắc” Bạch Thái Bưởi, chủ hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi Trịnh Văn Bô, nhà đại tư sản quý tộc Đỗ Đình Thiện, thương gia, người đã khai sinh ra nghề sản xuất sơn dầu, ông chủ Hãng sơn Gecko Nguyễn Sơn Hà, nhà tư sản dân tộc, chủ nhà in số một Đông Dương Ngô Tử Hạ…

Ở miền Nam, những “Đại doanh gia” như: “Tứ đại phú hộ": Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” với những tên tuổi: Lê Phát Đạt (còn có tên là Sỹ), Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương), Lý Tường Quan (Bá hộ Xường), Trần Hữu Định. Rồi Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa), Trần Trinh Trạch, Quách Đàm, Trương Văn Bền, Trần Chánh Chiếu…

Đa số các nhà tư sản nổi tiếng kể trên ở miền Nam đều đã kết thúc sự nghiệp trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ duy nhất ông Trương Văn Bền còn duy trì sự nghiệp đến năm 1956 với nhãn hiệu “Xà bông Cô Ba” nổi tiếng. Ở miền Bắc, trừ Bạch Thái Bưởi mất năm 1932, các nhà tư sản dân tộc đã thành những người tham gia cách mạng, tận hiến sản nghiệp của mình cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi - "vua tàu thủy đất bắc" một thời

“Doanh nhân dân tộc” là một khái niệm đồng nghĩa hoặc tích hợp các khái niệm “Nhà tư sản dân tộc”, “Đại doanh gia” của cách đây hơn một thế kỷ, mặc dù bây giờ mới xuất hiện. Khái niệm “dân tộc” được gắn với “doanh nhân” như một phẩm tính, một hàm nghĩa thật đáng tự hào! Những “Doanh nhân dân tộc” là những doanh nhân chính trực, tài trí cao, mang lại cảm hứng lớn, là trụ cột mạnh mẽ và là tấm gương dẫn dắt dân tộc làm giàu, hướng đến cộng đồng phát triển thịnh vượng, nâng tầm dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước trên bình diện khu vực và quốc tế. Và như thế, dân tộc sẽ yêu kính, biết ơn và tự hào về họ.
Họ sẽ là những “Doanh nhân dân tộc” của chúng ta!

Lịch sử hơn 70 năm của nước Việt Nam mới là một hành trình gian nan, nhiều máu xương và nước mắt. Bây giờ chúng ta mới có tương đối đủ điều kiện để mở ra một kỷ nguyên phát triển. Bây giờ mới là giai đoạn để những doanh nhân có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão lớn vì đất nước và cộng đồng, phấn đấu trở thành những doanh nhân dân tộc đích thực của thời đại chúng ta.

Chỉ trong vòng hai thập niên vừa qua, đất nước đã phát triển và thay đổi rất nhiều với sự đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân. Đằng sau sự thay đổi lớn lao ấy, có thể còn tồn tại nhiều vấn đề phải bàn định và điều chỉnh, nhưng dấu ấn và xu thế phát triển hiện đại là không thể phủ nhận. Những thay đổi ấy làm cho chúng ta vững tin vào chính nội lực phát triển của đất nước.

Nhiều doanh nhân hàng đầu của Việt Nam đã lọt vào bảng xếp hạng những tỷ phú của thế giới. Và càng vui hơn khi những tên tuổi hàng đầu ấy lại là những doanh nhân có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão, kiên định việc dốc hết vốn liếng của mình để đầu tư phát triển ở ngay tại đất nước của mình. Họ đang trở thành những doanh nhân dân tộc.

Một VINGROUP mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, cân bằng, hài hòa giữa lợi ích thương mại và phát triển xã hội một cách bền vững. Vingroup đã có những thành tựu lớn trong phát triển du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, bây giờ đang tiếp tục phát triển nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp song song với phát triển công nghiệp và tiếp cận công nghệ cao.

Một THACO Trường Hải mang công nghiệp nặng về làm thành thế mạnh cho một vùng đất nghèo nàn. Thaco mới đây đã liên kết với Hoàng Anh Gia Lai để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong kinh doanh đa lĩnh vực.

Một TH TRUE MILK đi đầu trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, biến những vùng đất sỏi đá cỗi cằn thành đầm ấm trù phú.

Một SUNGROUP làm những công trình đồ sộ và tinh xảo, đầu tư chiều sâu để phát triển văn hóa đỉnh cao.

Một VIETJET AIR làm hàng không giá rẻ để mọi người cùng được bay…

Đứng đầu những tập đoàn này là những doanh nhân, dù vẫn còn “rơi rớt” cái cảm xúc “ghét người giàu”, thì ta vẫn phải công nhận, ta đã bắt đầu quý trọng và nhiều cảm mến đối với họ. Đó là Phạm Nhật Vượng, là Trần Bá Dương, là Thái Hương, là Lê Viết Lam, là Nguyễn Thị Phương Thảo, là Trần Đình Long, là Nguyễn Trần Bạt, là nhiều doanh nhân khác nữa…

Và tôi tin là, từ những tên tuổi doanh nhân này, sẽ hình thành một đội ngũ doanh nhân dân tộc đích thực trong thời gian không xa nữa…

Một đội ngũ doanh nhân dân tộc để sáng nghiệp, dẫn dắt, làm trụ cột phát triển, mang lại thịnh vượng cho quốc gia, tạo nền văn minh và dân chủ cho xã hội. Đây sẽ là thành tựu lớn nhất, kỳ vỹ nhất trong lịch sử nước Việt Nam của chúng ta.

Cùng chuyên mục
Tin khác