Nghị quyết 02: Quyền chủ động và cơ hội của các Bộ trưởng

Hà Chính - 05/01/2019 08:47 (GMT+7)

Ý kiến chuyên gia nhận định bằng cách tiếp cận mới, Nghị quyết 02 đã trao toàn quyền cho các Bộ trưởng với trách nhiệm rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang, “lúc này đây, tính chủ động, sáng tạo của từng Bộ trưởng sẽ được nhận diện và đánh giá”.

VNF
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng Nghị quyết - cho biết: Thay thế cho các Nghị quyết 19 trước đây, Nghị quyết 02 nhằm tiếp tục thực thi những giải pháp Chính phủ tập trung chỉ đạo để triển khai một trong những đột phá chiến lược là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Các Nghị quyết 19 đã xác định một cách tiếp cận mới và luôn được cập nhật qua các năm để phù hợp hơn với tình hình. Nghị quyết 02 của năm nay thì sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Cũng như các Nghị quyết 19 trước đây, Nghị quyết 02 sử dụng các xếp hạng của quốc tế về Việt Nam và lấy những thứ hạng đó làm thước đo, đồng thời cũng căn cứ vào nội dung các xếp hạng để tìm kiếm các giải pháp và mục tiêu tương ứng.

Tuy nhiên, Nghị quyết 02 cũng có nhiều điểm mới.

Trước hết, Nghị quyết đặt mục tiêu cho giai đoạn 2019-2021 là đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 ở tất cả các bảng xếp hạng. Trong đó, có những xếp hạng đã được sử dụng từ các năm trước như: Xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của WEF, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của WIPO, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.

Năm nay chúng ta sử dụng thêm một xếp hạng nữa về mức độ sẵn sàng của các quốc gia cho nền sản xuất tương lai, vừa được WEF thực hiện từ 2018. Tiếp đó là hai xếp hạng chuyên ngành về dịch vụ hậu cần logistics và năng lực cạnh tranh du lịch.

Như vậy, thế giới có xếp hạng nào đo lường về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chúng ta đều sử dụng và áp dụng vào Nghị quyết 02.

Về mức độ cải thiện, chúng ta căn cứ vào vị trí của nước đang đứng thứ 4 trong ASEAN ở từng chỉ số để đặt mục tiêu. Có chỉ số ta phải tiến vài chục bậc, nhưng cũng có chỉ số chỉ cần tiến 2 bậc, 5 bậc...

‘Trao quyền cho các Bộ trưởng’

- Vậy Nghị quyết đưa ra các giải pháp gì mới, thưa ông?

Nghị quyết năm nay đưa ra 5 nhóm giải pháp với 4 lĩnh vực trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng lựa chọn để ưu tiên chỉ đạo và nếu cải thiện được thì chắc chắn sẽ có bước tiến mạnh về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Nhóm giải pháp thứ nhất, Nghị quyết xác định cơ quan chịu trách nhiệm với từng chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Nếu các Nghị quyết 19 trước đây đưa ra mấy trăm giải pháp cụ thể, mỗi bộ có thể có hàng chục giải pháp do Chính phủ chỉ định thì có thể nói năm nay Chính phủ giao mục tiêu cho các bộ, không giao giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với từng chỉ số.

Tại sao lại như thế? Đó là vì qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, nhìn chung các bộ, cơ quan, địa phương đã bắt đầu làm quen được với cách tiếp cận trong xây dựng Nghị quyết, cách xếp hạng, cách tính toán các chỉ số… Nghị quyết 02 muốn đề cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, đề cao tính chủ động, sáng tạo của Bộ trưởng trong thực hiện nhiệm vụ. Họ có toàn quyền chủ động thực hiện các giải pháp cần thiết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp cần thiết để đạt mục tiêu đề ra.

Điều này cũng từ kinh nghiệm các năm trước, ví dụ chỉ số tiếp cận điện năng do EVN toàn quyền nghiên cứu, chủ động thực hiện các giải pháp thì các giải pháp lại đầy đủ, sát thực hơn các nhiệm vụ được liệt kê. Họ thấy trách nhiệm của mình cao hơn và khi có thành tích thì họ xứng đáng được khen ngợi.

Cách làm như vậy có điểm lợi là trách nhiệm của Bộ trưởng rất nặng nề nhưng họ cũng rất vinh quang khi tính tính chủ động, sáng tạo của từng Bộ trưởng sẽ được nhận diện và đánh giá. Họ sẽ chịu áp lực khi kiểm điểm nếu họ không làm hoặc làm không đạt mục tiêu.

- Cách làm như vậy liệu có “mạo hiểm” nếu như các bộ không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, thưa ông?

Cũng có khả năng không thuận như vậy, nhưng khả năng không thuận trong nhóm giải pháp số 1 có thể được bù lại trong 4 nhóm giải pháp tiếp theo, đây là những nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ lựa chọn để ưu tiên chỉ đạo quyết liệt.

Đầu tiên, Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh một cách thực chất, mang lại lợi ích thực chất cho cộng đồng doanh nghiệp. Ở địa phương, các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách cũng phải nắm được cái gì bãi bỏ, cái gì bổ sung sửa đổi để chỉ đạo các giám đốc sở, các công chức dưới quyền thực hiện đúng.

Ngoài việc chỉ đạo các giám đốc sở, lãnh đạo tỉnh cũng phải theo sát quá trình triển khai và thay thế ngay những cán bộ, công chức gây phiền hà, lợi dụng vị thế của mình để tư lợi. Đây là cội nguồn của tham nhũng vặt. Tôi hi vọng năm nay sẽ là một năm thực sự bứt phá trong chuyển đổi thái độ làm việc để “trên nóng, dưới nóng, giữa nóng, cả bộ máy vận hành thông suốt”.

Nhiệm vụ thứ hai cũng kế thừa của mấy năm qua, đó là tiếp tục cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành. Nếu cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, cắt giảm rủi ro, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong thị trường nội địa, thì việc cải cách kiểm tra chuyên ngành hỗ trợ các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu. Gần như doanh nghiệp nào cũng chịu tác động bởi các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.

Không can thiệp hành chính vào đổi mới sáng tạo

- Đó là hai nhóm giải pháp cho hai lĩnh vực đã được xác định là trọng tâm cải cách từ năm 2014 đến nay. Hai nhóm giải pháp còn lại thì sao, thưa ông?

Hai nhóm giải pháp còn lại rất mới. Trước hết là tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với các mục tiêu cụ thể và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công cấp độ 4 với mục tiêu 30% dịch vụ công được cung cấp ở cấp độ 4. Điều này vừa thúc đẩy áp dụng công nghệ thông tin, tạo ra phương thức quản lý mới, vừa là cơ sở để thực hiện các cải cách về điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện thanh toán điện tử cũng nhằm tạo điều kiện cho cung ứng dịch vụ công cấp độ 4, tăng cường minh bạch quản lý nhà nước, thu hẹp dư địa tham nhũng vặt.

Nhóm nhiệm vụ thứ tư là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với nhiều quan điểm mới, như lấy doanh nghiệp làm trung tâm, không sử dụng các biện pháp hành chính can thiệp vào công việc đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và thay đổi chính sách thuế để tạo ra động lực cho các doanh nghiệp tự chủ, chủ động sử dụng các quỹ đổi mới sáng tạo trích lập từ lợi nhuận. Doanh nghiệp sẽ tự quyết định nghiên cứu cái gì, nghiên cứu như thế nào, ví dụ một doanh nghiệp bất động sản có thể sử dụng quỹ này để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…

Nếu nhóm nhiệm vụ thứ 3 hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức quản lý nhà nước, thì nhóm nhiệm vụ thứ 4 nhằm nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái mới thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, không để tái diễn việc có nhiều người phải ra nước ngoài khởi nghiệp nữa. Tôi hi vọng nhóm nhiệm vụ này sẽ thúc đẩy được phong trào khởi nghiệp, tự do sáng tạo, tự do nghiên cứu phát triển các loại công nghệ mới.

Tuy nhiên, để thực hiện nhóm nhiệm vụ này, một lần nữa tính sáng tạo, chủ động của các Bộ trưởng rất quan trọng. Ví dụ có một start-up huy động vốn nước ngoài, nếu coi đó là việc huy động vốn bình thường như Luật Doanh nghiệp thì sẽ thực hiện được ngay, nhưng nếu coi đó là khoản đầu tư nước ngoài thì phải qua rất nhiều thủ tục, mất thời gian, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội và có thể không được cấp giấy chứng nhận, tạo ra tính không dự đoán trước được, điều rất kị với huy động vốn đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Nghị quyết đã đề ra những giải pháp có thể nói là toàn diện, nhưng trên thực tế qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, vẫn có những lĩnh vực hầu như không chuyển biến?

Đúng là 5 năm qua, có những chỉ số của Việt Nam không chuyển biến, tụt hạng. Thậm chí có chỉ số tụt hạng khá nhiều là chỉ số đăng ký tài sản, chỉ số rất quan trọng với nhà đầu tư để xác lập tài sản là của họ. Chỉ số này có nhiều cơ quan liên quan, nhưng cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ chưa thật tích cực.

Chỉ số phá sản doanh nghiệp cũng tụt tạng, còn chỉ số thực thi hợp đồng không tăng hạng. Đây là những chỉ số cực kỳ quan trọng với nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến huy động và phân bổ nguồn lực, nếu không được cải thiện sẽ cản trở việc chuyển nguồn lực từ người làm ăn kém hiệu quả sang người làm ăn có hiệu quả hơn, từ tài sản không được sử dụng sang tài sản được sử dụng để sinh lời.

Theo tôi, Bộ Tư pháp với sự ủy quyền của Chính phủ cần tích cực hơn nữa để đón nhận sự vào cuộc của ngành tòa án nhằm cải thiện 2 chỉ số trên. Vừa qua, lãnh đạo TAND Tối cao đã trực tiếp tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương, chắc chắn sẽ hiểu được tầm quan trọng của hai chỉ số này với môi trường kinh doanh và tôi kỳ vọng lãnh đạo ngành tòa án sẽ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp một cách tích cực, cùng với Chính phủ để cải thiện.

Để người dân tự do sáng tạo

Gần đây có ý kiến nói rằng những nỗ lực cải cách ở Việt Nam đang chạm ngưỡng, đang đụng đến phần khó nhất là vấn đề động cơ và cách hành xử của cán bộ công chức. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gần đây cũng đã đề cập đến yêu cầu chống tham nhũng vặt. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không nghĩ là cải cách đã chạm ngưỡng. Vấn đề là những lĩnh vực lâu nay chưa cải cách thì chúng ta phải cải cách, tuy hết sức khó khăn. Đầu tiên là nhận diện lại vai trò, mối quan hệ giữa thị trường và Nhà nước, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề tại cuộc làm việc gần đây với Tổ tư vấn kinh tế.

Thứ hai là thay đổi phương thức quản lý nhà nước. Chúng ta đang ưu tiên phương thức quản lý tiền kiểm với hơn 240 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hàng nghìn điều kiện kinh doanh, cùng với hệ thống thanh tra kiểm tra doanh nghiệp theo tiền kiểm, với mục đích tìm kiếm cho được vi phạm của doanh nghiệp để xử phạt - thay vì hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ luật pháp.

Như tôi đã nói ở trên, cách thức quản lý đó tạo ra khả năng tùy nghi giải thích pháp luật của công chức, đây là cội nguồn sâu xa của tham nhũng vặt, của nhũng nhiều phiền hà và kể cả của việc thiết kế chính sách theo hướng tạo cơ hội cho nhũng nhiễu.

Do đó, Nghị quyết 02 hướng tới một phần mục tiêu thay đổi phương thức quản lý nhà nước. Nếu cải cách mà vẫn dựa trên phương thức quản lý cũ thì mọi việc sẽ quay trở lại, như cắt các điều kiện kinh doanh mà không thay đổi phương thức quản lý thì vài năm sau các điều kiện sẽ trở lại, thậm chí nhiều hơn, tinh vi hơn.

Tôi xin lấy một ví dụ, dự thảo Luật Thư viện đang được xây dựng có quy định muốn thành lập thư viện cũng phải có các điều kiện, phải có phương án tài chính. Tại sao lại phải có phương án tài chính? Cần để tất cả mọi người được lập thư viện mà không cần điều kiện nào cả. Thư viện là tri thức, hãy để cho người dân tự do sáng tạo. Câu hỏi đầu tiên của quản lý nhà nước là có làm hay không làm, mà thường là người ta đặt không làm lên trước, nếu phải làm thì tìm phương án cách thức làm tốt nhất, hiệu quả tốt. Tôi xin nhấn mạnh, việc thay đổi phương thức quản lý nhà nước là cực kỳ quan trọng để tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo VGP
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bất động sản nghỉ dưỡng sắp hồi sinh?

Bất động sản nghỉ dưỡng sắp hồi sinh?

(VNF) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian tới đây, thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi hệ thống pháp luật đã được tháo gỡ.

FPT và Nhựa Tiền Phong lọt danh sách thoái vốn của SCIC

FPT và Nhựa Tiền Phong lọt danh sách thoái vốn của SCIC

(VNF) - Ở danh sách bán vốn đợt 2, SCIC đã bổ sung loạt doanh nghiệp lớn đáng chú ý như FPT, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong,..., thêm tổng cộng 31 doanh nghiệp so với danh sách trước.

Ba ngân hàng 0 đồng đã được định giá, chuyển giao trong năm 2024

Ba ngân hàng 0 đồng đã được định giá, chuyển giao trong năm 2024

(VNF) - Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5.

KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro

KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro

(VNF) - Vừa qua, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã tổ chức lễ triển khai dự án Basel III nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro với sự tư vấn của KPMG.

Vạn Hương Investoco: Lỗ chồng lỗ, nợ gấp 8 lần vốn chủ

Vạn Hương Investoco: Lỗ chồng lỗ, nợ gấp 8 lần vốn chủ

(VNF) - Kết thúc năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco)- chủ đầu tư dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Hải Phòng) báo lỗ gần 62 tỷ đồng.

Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi: Không còn người sống sót

Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi: Không còn người sống sót

(VNF) - Theo truyền thông nhà nước Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi được cho là đã tử vong sau vụ rơi máy bay trực thăng.

Thị trường chuyển đổi số Việt Nam: Tiềm năng lớn, lợi nhuận cao nhưng ngại pháp lý

Thị trường chuyển đổi số Việt Nam: Tiềm năng lớn, lợi nhuận cao nhưng ngại pháp lý

(VNF) - “Việt Nam là quốc gia ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vì các bạn có tiềm năng và nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số”, đại diện công ty phần mềm TPIsoftware của Đài Loan nói và cho biết, thị trường chuyển đổi số Việt Nam có tiềm năng mang lại lợi tức đầu tư cao.

Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn: 'Quốc hội quyết định công tác nhân sự, lập pháp'

Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn: 'Quốc hội quyết định công tác nhân sự, lập pháp'

(VNF) - Sáng 20/5, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Khoanh, xóa nợ thuế cho hơn 700 nghìn người

Khoanh, xóa nợ thuế cho hơn 700 nghìn người

(VNF) - Ngành thuế và hải quan đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng, sau 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 94.

Trung Quốc ra đòn trả đũa Mỹ và EU

Trung Quốc ra đòn trả đũa Mỹ và EU

(VNF) - Trung Quốc đã phát tín hiệu sẽ trả đũa các rào cản thương mại do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khi nước này tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hóa chất nhập khẩu.

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

(VNF) - Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km đi qua 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ lâu, nơi đây được coi là đệ nhất danh đèo của Việt Nam, là một trong "tứ đại đỉnh đèo" bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin. Cùng ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của tuyến đường đèo này qua ống kính của nhiếp ảnh gia Thanh Hải.