Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Triều Tiên được cho là đang xây dựng lại một trạm phóng vệ tinh mà nước này từng cam kết dỡ bỏ hoàn toàn và tăng cường hoạt động tại một nhà máy tên lửa lớn. Cả hai động thái này của Bình Nhưỡng đều được xem là tín hiệu đáng báo động đối với Mỹ và Hàn Quốc.
Tình báo Hàn Quốc và các nhà phân tích có uy tín tuần này đã tiết lộ những hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại cho thấy Triều Tiên đã khởi động lại việc xây dựng một bệ thử nghiệm động cơ và một bệ phóng tại trạm phóng vệ tinh ở Sohae, ít nhất là từ ngày 16/2. Các hình ảnh cho thấy khu vực này dường như đã quay trở lại hoạt động bình thường.
Đây được cho là vấn đề lớn vì Triều Tiên hồi tháng 9 năm ngoái từng cam kết với Hàn Quốc rằng sẽ “dỡ bỏ vĩnh viễn” trạm phóng Sohae.
“Họ về cơ bản đã lắp đặt lại những gì mà họ từng tháo dỡ sau khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore năm ngoái”, Victor Cha, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định hôm 7/3 sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh.
Trước đó, truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin về các hoạt động diễn ra tại một nhà máy tên lửa có tên gọi Sanumdong. Đây là nơi đầu tiên tại Triều Tiên chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm phóng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Lãnh đạo cơ quan tình báo Hàn Quốc Suh Hoon cho rằng các hoạt động tăng cường của Triều Tiên tại nhà máy Sanumdong có liên quan tới chương trình tên lửa.
Những thông tin trên làm dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận sau hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia hoài nghi rằng các hoạt động của Triều Tiên tại trạm phóng vệ tinh và nhà máy tên lửa là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã quay trở lại con đường phát triển vũ khí gây tranh cãi trước đây. Điều này có thể “chọc giận” ông Trump và đẩy Mỹ - Triều trước nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Theo hãng tin Vox, cộng đồng quốc tế không nên quá lo ngại về các hoạt động gần đây liên quan tới chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Thứ nhất, Triều Tiên vẫn đang trong quá trình cải thiện các chương trình tên lửa và hạt nhân. Thực tế này vẫn diễn ra trong lúc Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tiến hành cuộc gặp ngoại giao hồi tháng trước.
Nói cách khác, những diễn biến tại các cơ sở hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên không mới. Đó chỉ là sự tiếp diễn và nối dài những nỗ lực gần đây của Triều Tiên.
Thứ hai, Sohae có thể chỉ là trạm phóng vệ tinh và không phải một phần trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng chưa bao giờ phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa nào từ Sohae, mặc dù từng phóng một số vệ tinh từ khu vực này.
Hãng tin Yonhap ngày 7/3 dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết trạm phóng vệ tinh Sohae không phải là một phần trọng yếu trong hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên. Do vậy, cộng đồng quốc tế không nên “thổi phồng” quá mức các hoạt động diễn ra tại cơ sở này.
Vox nhận định Triều Tiên có thể tiến hành một vụ phóng vệ tinh nữa trong vài tuần tới tại Sohae. Điều này có thể bị coi là hành động khiêu khích trong bối cảnh nhiều nước nghi ngờ rằng việc phóng vệ tinh của Triều Tiên thực chất chỉ là vỏ bọc cho các vụ thử tên lửa.
Tuy vậy, ngay cả khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh tại Sohae, mức độ nghiêm trọng của động thái này cũng không thể so sánh với một vụ phóng thử tên lửa hủy diệt có khả năng tấn công Mỹ hay các đồng minh của Washington.
Thứ ba, Triều Tiên có thể muốn gửi đi một thông điệp chính trị hơn là một thông điệp quân sự tới Mỹ. Bình Nhưỡng từng nhiều lần thể hiện sự thất vọng khi Washington không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên.
Theo chuyên gia Jenny Town tại Trung tâm Stimson, bằng việc tăng cường hoạt động tại trạm phóng Sohae và nhà máy Sanumdong, ông Kim Jong-un có thể đang tìm cách gây sức ép với ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đồng thời hồi sinh lại kế hoạch phát triển kinh tế chung liên Triều.
Một số chuyên gia lạc quan cho rằng Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lý do để tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán trong tương lai mặc dù hai bên không đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp mới nhất.
Theo NK News, phía Triều Tiên cần thúc đẩy các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra vì điều này sẽ cho phép Bình Nhưỡng kéo dài thời gian và giảm thiểu nguy cơ giới “diều hâu” trong chính quyền Mỹ tác động chính sách về Triều Tiên của Tổng thống Trump. Một khi những tiếng nói cứng rắn tại Washington chiếm ưu thế, Bình Nhưỡng có thể đối mặt với những lời công kích, sự đối đầu, thậm chí cả phương án tấn công quân sự.
Về lâu dài, Triều Tiên vẫn cần đàm phán với Mỹ, đồng thời nhất trí đóng băng hoặc giảm bớt chương trình tên lửa và hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt của Mỹ, Hàn Quốc và các bên liên quan.
Đối với Tổng thống Trump, Triều Tiên vẫn là vấn đề quan trọng, gắn liền với nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng và chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020. Kể từ đầu năm 2018, ông Trump đã tuyên bố rằng ông thành công trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong khi các chính quyền tiền nhiệm không làm được.
Tổng thống Trump dường như coi vấn đề Triều Tiên là một phần quan trọng trong chiến dịch xây dựng hình ảnh. Việc đạt được thành công hay kết quả tích cực trong vấn đề Triều Tiên là điều Tổng thống Trump thực sự “khao khát”, góp phần củng cố vị thế của ông như một nhà lãnh đạo kiến tạo hòa bình và một nhà ngoại giao xuất chúng.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nga cũng mong muốn các cuộc đàm phán Mỹ - Triều tiếp tục diễn ra. Không nước nào kỳ vọng mối quan hệ Washington - Bình Nhưỡng quay lại thời điểm năm 2017 khi hai bên liên tục hăm dọa, thậm chí để ngỏ khả năng tuyên chiến với nhau.
Xem thêm >> Nói Huawei bị Mỹ ‘đàn áp’, Trung Quốc tuyên bố sẽ không là ‘con cừu câm lặng’
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.