Nguồn vốn nào cho đầu tư hạ tầng hàng không trong 10 năm tới?

Tạ Quang Toàn - 31/12/2020 07:25 (GMT+7)

Cục Hàng không Việt Nam vừa hoàn tất dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến 2050.

VNF
(Ảnh minh họa)

Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa.

Theo ước tính của Cục Hàng không Việt Nam, chi phí đầu tư giai đoạn 2020-2030 khoảng 365.100 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD), chi phí đầu tư giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỷ đồng (hơn 39 tỷ USD).

Dự kiến nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, với số vốn trên sẽ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, ODA góp đối ứng vào các dự án xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không trọng điểm, liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Cùng với đó, Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai...) đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động trong việc bố trí và huy động nguồn vốn hợp pháp, đặc biệt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ, liên kết trong việc đầu tư ngoài ngành để triển khai đầu tư.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất sử dụng nguồn vốn huy động của địa phương nơi có cảng hàng không, sân bay mới như vốn đã được áp dụng khá hiệu quả với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tại Quảng Ninh.

Về chi tiết dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến 2050, Cục Hàng không Việt Nam phân loại, phân cấp các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam chia ra làm 3 loại cơ bản.

Theo đó, sẽ gồm cảng hàng không quốc tế cửa ngõ (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành); cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương) và cảng nội địa (Điện Biên, Sapa, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo).

Như vậy, so với mạng cảng hàng không toàn quốc theo Quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, số cảng hàng không đã giảm từ 28 xuống còn 26.

Trong đó, 2 cảng hàng không Nà Sản, Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.

Giai đoạn 2030-2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đầu tư thêm 4 cảng hàng không mới; trong đó, có sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô và 3 sân bay mới khác gồm Lai Châu, Nà Sản (tỉnh Sơn La) và Cao Bằng.

Cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.

Các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 gồm xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm; từng bước triển khai giai đoạn 2 công suất 50 triệu khách/năm; xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách/năm; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài xây dựng nhà ga T3 và khu bay phía Nam để đạt công suất 60 triệu khách/năm và cuối cùng là dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đạt công suất lên 25 triệu khách/năm.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác