Nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni: 'Bẫy luôn rình rập nhà đầu tư ở khắp nơi'

Bích Thủy - 06/06/2021 09:47 (GMT+7)

(VNF) - Vừa ra mắt kênh tư vấn pháp luật miễn phí cho Risk Free Law trên Youtube, nhà báo, luật sư Hàn Ni nhấn mạnh “tiền và pháp luật là 2 thứ cần thiết trong cuộc sống con người".

VNF
Nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni

Theo nhà báo Hàn Ni, tiền nuôi sống con người, không có tiền thì cuộc sống túng quẫn; còn pháp luật là môi trường sống, không hiểu biết dễ bị sa chân hoặc bị lừa đảo. Kiến thức pháp luật giúp cho mọi người ứng biến được trăm chiều, nếu chỉ lo tích góp tiền, đến khi ra thương trường kinh doanh, không hiểu luật, bị lừa một phát là trắng tay”

Nhà báo Hàn Ni đã chia sẻ với VietnamFinance về câu chuyện này trong cuộc phỏng vấn riêng.

- Với kinh nghiệm và thực tiễn hàng chục năm qua, cô nhận thấy những vấn đề nào mà cá nhân (hoặc các chủ đầu tư nhỏ) thường gặp phải khi mang tiền đi đầu tư bất động sản, hoặc hùn vốn làm ăn...?

Đặng Thị Hàn Ni: Những case vướng vào pháp lý nguyên nhân chủ yếu là nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, đối tượng đầu tư. Nhà đầu tư thường cảm tính, nghe theo lời quảng cáo và sự kích thích của môi giới, rồi sợ mất cơ hội, nên vội “xuống tiền”. Trong khi đó, họ không hiểu rằng, “cơm chưa ăn thì gạo còn đó”, giữ tiền trong tay là quyền lực để đón nhiều cơ hội khác, còn một khi đã xuống tiền mà không đảm bảo pháp lý thì mất cơ hội khác, lại vướng vào mệt mỏi kiện tụng.

Nhà báo, luật sư Hàn Ni trong 1 chương trình tư vấn pháp lý

Một lý do khác khiến nhiều người mất tiền là do họ bị khoản lợi nhuận khổng lồ che mất lý trí. Thường những kẻ lừa đảo đánh vào lòng tham của con mồi. Họ sẽ đưa ra mức lợi nhuận khủng để dụ nhà đầu tư. Chẳng hạn họ tuyên bố đầu tư vốn hoặc cho họ vay với lãi suất 30%/tháng. Kẻ tham nghĩ ngay đến việc sau 3 tháng sẽ lấy được vốn, mà không kiểm soát rủi ro là gì. Để tạo niềm tin, kẻ lừa chi đẹp lãi tháng đầu ngay khi nhận tiền. Nhưng rồi tháng sau họ không trả nữa thì xem như người đầu tư mất 70% còn lại.

Trong khi, người đầu tư không hiểu các quy định pháp luật và những rủi ro cho từng loại hình đầu tư. Nếu với hình thức “đầu tư vốn” thì khi doanh nghiệp sử dụng vốn đó bị lỗ thì nguyên tắc nhà đầu tư phải chịu lỗ theo tỷ lệ còn lại, nếu họ lỗ sạch vốn, đồng nghĩa nhà đầu tư chịu mất sạch tiền.

Còn nếu dưới hình thức “cho vay lấy lãi”, khi người vay không trả, người cho vay muốn đòi tiền phải kiện ra toà. Khi đó, người cho vay vừa mất tiền, lại có nguy cơ ở tù vì tội cho vay nặng lãi (quy định hiện nay cho vay với lãi suất trên 100%/năm, tương đương 8,6%/tháng là phạm tội cho vay nặng lãi).

- Những cái "bẫy" trong hợp đồng đã được Hàn Ni nhiều lần nhắc đến trong các bài báo, nhưng thực tế liệu những nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư mới thì dù có đọc báo, có xem tin tức... liệu có thể dễ dàng nhận ra được hay không? Khi lỡ vướng bẫy thì phải làm gì ngay?

Đúng là báo chí đã nhắc nhiều đến các chiêu thức lừa đảo, trên fanpage của tôi cũng nhắc nhiều lần, nếu cần bất cứ ai tra google là có. Thế nhưng, rất ít người quan tâm, họ chỉ quan tâm khi đã bị lừa, lúc đó biết thì đã vỡ oà. Thường những người ít thông tin thì sẽ dễ tin, nên dễ bị dụ dỗ. Và những người bị lừa thường là những người mới ra thương trường lần đầu. Họ dễ tin và sợ mất cơ hội làm giàu. Kẻ lừa đảo thường đánh vào lòng tham nên thường đưa ra những điều kiện nghe như rất dễ làm giàu.

Khi nghe cơ hội dễ dàng, mỗi người sẽ phản ứng một kiểu, người người từng trải sẽ hiểu ngay không có cơ hội nào dễ dàng vì “lợi nhuận càng cao, luôn đi đôi với rủi ro càng lớn” nên càng phải thận trọng; còn người thiếu kinh nghiệm thì nghe qua đã run lên và cuốn theo ý tưởng “một bước lên mây” thay đổi cuộc đời, mà không kịp nhìn chiều ngược lại, đã vội giao tiền.

Tuy nhiên, “ai nên không mà không dại đôi lần”. Nếu có lỡ bị lừa thì phải bình tĩnh, không hợp tác hoặc nghe hứa hẹn tiếp. Bởi rất nhiều người bị lừa xong, biết mình sai lầm nhưng vẫn nghe theo và bước tiếp sai lầm khác; hoặc bản thân bị lừa nhưng im lặng đi lừa bán lại để vòng lừa đảo tiếp tục được mở rộng kiểu như bán dự án “ảo” của Alibaba.

Trước hết, phải tìm luật sư, người có kinh nghiệm để tư vấn. Nếu pháp lý không rõ ràng thì nên đi con đường chính quyền, liên kết số đông để kêu gọi chính quyền bảo vệ, bởi nếu pháp lý không rõ ràng, ra toà sẽ bị tuyên hợp đồng vô hiệu thì hậu quả khá nặng nề - nếu không nói là mất trắng.

- Nguyên tắc hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau theo hiện trạng ban đầu, sao lại gọi mà mất trắng?

Sở dĩ gọi là mất trắng là khi đã bị lừa, kẻ lừa đảo thường xài sạch tiền, tài khoản rỗng. Khi đó, toà tuyên mình có thắng đi nữa, hay hợp đồng vô hiệu bên kia phải trả lại tiền cho mình, nhưng họ không còn tiền thì mình “thắng trên giấy” mà không lấy được tiền (vì họ không có tiền để trả). Thế chẳng khác nào mất trắng!

Luật chúng ta là thế, quan hệ mua bán thông qua các hợp đồng được xem là quan hệ dân sự nên dù kẻ đó xài tiền của mình xong, thì chỉ xác định nợ, mà họ không có tiền thì mình phải chờ khi nào họ có tiền thì trả chứ không thể xử lý hình sự họ được.

- Nhiều người cứ ngỡ khi bị oan ức thì cứ đi kiện là xong (chẳng hạn như ký hợp đồng mua nhà, chờ mãi chủ đầu tư không giao nhà mà cũng không trả lại tiền), nhưng thực tế cho thấy dù có kiện thì cũng cù cưa rất lâu. Theo kinh nghiệm của cô, trong những trường hợp này thì nên làm thế nào?

Ông bà ta nói “vô phúc đáo tụng đình” là có thật. Thủ tục khởi kiện hiện nay rất nhiêu khê, thời gian kéo dài (sơ thẩm ít nhất nửa năm, phúc thẩm thêm 4 tháng - nhưng thực tế án quá hạn diễn ra thường xuyên), rồi phải chịu chi phí các kiểu nếu vướng vào tranh chấp.

Khổ hơn nữa, pháp luật chưa có quy định mạnh mẽ để bảo vệ bên yếu thế, nên khi người dân bị chủ đầu tư chèn ép trong hợp đồng, tiền đã đưa, nếu kiện có thắng thì như trên đã nói, mà chủ đầu tư không có tiền thanh toán thì cũng chỉ thắng trên giấy, không lấy được tiền.

Do vậy, con đường hoà giải vẫn là tốt nhất. Nếu không hoà giải được thì lấy áp lực số đông yêu cầu chính quyền xử lý, và cuối cùng mới là con đường tố tụng.

- Thị trường hiện nay có vẻ như đang mở ra rất nhiều cơ hội cho mọi người làm giàu, nhưng các bẫy pháp lý cũng nhiều không kém, Hàn Ni có lời khuyên nào để cho mọi người tránh bẫy ?

Các bạn trẻ rất thích lời “đa cấp”, cứ thấy mặt thành công của ai đó rồi tin con đường đi đến thành công không đẫm giọt mồ hôi nào. Vì vậy, người trẻ dễ tin vào những khoản hời dễ dàng. Và cũng chính vì thế, các bẫy giăng ra đều đánh vào lòng tham. Để tránh bị lừa, nếu được khuyên đương nhiên lời khuyên vẫn là nâng cao kiến thức (cả hành trình dài). Còn trước mắt, để tránh bị lừa thì mỗi người phải tự kiểm soát lòng tham của chính mình, và hãy hiểu rằng “miếng phô mai miễn phí chỉ nằm trong cái bẫy chuột” để mà thận trọng!

Là một nhà báo, một nhà hoạt động cho những vấn đề trong xã hội, Hàn Ni mong muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng hiện nay?

Nghề nào cũng cần chuyên nghiệp, đầu tư cũng vậy. Nếu không rành, hãy tìm tư vấn trước khi đầu tư. Vì vải cắt thành áo thì không nới rộng được, cần phải nắm kiến thức cơ bản đó.

Muốn góp vốn thì hiểu luật doanh nghiệp rằng, mình góp vốn mà không nắm quyền kiểm soát công ty thì công ty thua lỗ mình phải chịu khoảng lỗ tương ứng. Nếu cho vay phải nắm mức lãi suất nhà nước ấn định cao nhất hiện nay chỉ 20%/năm (theo Bộ Luật Dân sự hiện hành) và phải biết lãi suất cao hơn 5 lần mức cao nhất (hơn 100%/năm) mà bên cho vay đã hưởng lợi trên 30 triệu đồng là bị xử lý hình sự.

Còn mua dự án thì phải kiểm tra tính pháp lý dự án, như dự án đã được phép bán hay chưa thông qua tờ xác nhận của Sở Xây dựng xác nhận dự án đã đủ điều kiện bán (đã hoàn thành nền móng, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đất…), dự án có bảo lãnh ngân hàng hay chưa, khi có ngân hàng bảo lãnh thì ngân hàng sẽ phát cho mỗi khách hàng một thư đảm bảo, nếu chủ đầu tư sai hợp đồng, chậm bàn giao thì ngân hàng sẽ đứng ra hoàn trả tiền thay cho chủ đầu tư…

Cùng chuyên mục
Tin khác