Nhà máy lắp ráp xe điện 55 tỷ đồng hoang tàn nơi vùng biên giới

Văn Tuân - 27/08/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh không còn là khu phi thuế quan theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107 năm 2016, nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư, hoàn thiện dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án, nhà máy tại khu kinh tế (KKT) này bỏ hoang, chết yểu…

Dự án sản xuất, lắp ráp các loại xe có động cơ, không có động cơ và điện tử, điện dân dụng tại KCN Đại Kim – KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng được cấp chứng nhận đầu tư cũng chung cảnh ngộ.

Năm 2005, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe điện với diện tích sử dụng đất 3,45ha thuộc KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Cụ thể, năm 2005, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại xe có động cơ, xe không có động cơ, các sản phẩm điện, điện tử dân dụng, các thiết bị điện chiếu sáng, thiết bị điện khác tại KCN Đại Kim (thuộc KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 55 tỷ đồng, diện tích sử dụng 3,45ha. 3 năm sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh bắt đầu vận hành thử nghiệm. Dự án được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương vùng biên giới, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Thế nhưng, chỉ thời gian ngắn sau đó, doanh nghiệp vấp phải nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách thay đổi nên ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác hết hiệu lực. Số lượng xe điện nhập về lắp ráp khó xuất ra thị trường do các vướng mắc về chính sách, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Sau nhiều năm bỏ hoang, mới đây (4/2024), Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Ban Quản lý KKT tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương và các cơ quan liên quan kiểm tra, soát xét cụ thể nội dung đề xuất điều chỉnh của doanh nghiệp…

Được biết, hiện nay tại KKT này, hàng chục doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng chịu chung thảm cảnh. Nguyên nhân, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107 năm 2016 nên nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư, hoàn thiện dự án.

Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh có địa chỉ đóng tại Lô đất số CN02 - khu công nghiệp Đại Kim, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 6/1/2015 với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 26 tỷ đồng.
Cuối tháng 9/2023, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh bất ngờ tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng dông ông Nguyễn Việt Huy, sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội làm người đại diện pháp luật kiêm giữ chức Giám đốc Công ty.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.