Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt: ‘Khi khởi nghiệp, tôi tự nhủ phải quên việc mình là tiến sỹ toán’

Hoàng Lan - 26/10/2019 10:51 (GMT+7)

(VNF) - Từng lăn lộn trên thương trường, được mệnh danh là ‘ông trùm xúc xích’ và thành công với thương vụ thoái vốn trị giá 32 triệu USD tại Đức Việt, đến nay, ở tuổi ngoài 70, tiến sỹ Mai Huy Tân - nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Đức - Việt vẫn hào hứng kể về những dự án khởi nghiệp điện rác và năng lượng tái tạo của mình.

VNF
Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt Mai Huy Tân.

Luôn bức xúc vì thấy bản thân mình vô dụng

Trong suốt cuộc trò chuyện “Cafe Quản trị” kéo dài hơn 3 giờ, ông Mai Huy Tân nhiều lần nhắc lại ’tôi sinh ra không phải để làm doanh nhân’.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước chiến tranh, cũng như bao thanh niên thời bấy giờ, ông Mai Huy Tân không hề có khái niệm về khởi nghiệp, kinh doanh.

Ông theo đuổi ngành toán và làm nghiên cứu sinh ở trường đại học Tổng hợp Martin Luther, thành phố Halle, Cộng hòa dân chủ Đức từ năm 1982 tới năm 1986. Ông là người nước ngoài đầu tiên của khoa đạt điểm xuất sắc (Summa cum laude) khi bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Các phép toán tối ưu ứng dụng trong lập kế hoạch sản xuất xí nghiệp công nghiệp”. Bốn người đạt giải trước đó đều là sinh viên người Đức.

Trở về nước với bằng tiến sỹ Toán, ông Mai Huy Tân được phân công về Bộ Năng lượng làm việc, với nhiệm vụ chính là dịch thuật và chọn lọc thông tin.

Từ tiến sỹ Toán trở thành ’thợ dịch’, nhà sáng lập xúc xích Đức Việt “thấy mình vô tích sự vì ăn lương mà chả đóng góp được gì cho xã hội”.

“Năm 1988 là thời kỳ khắc nghiệt với bản thân tôi và cả nước nói chung vì trong giai đoạn đầu của đổi mới, cả xã hội chưa thoát khỏi ý thức hệ về kinh tế bao cấp, kế hoạch hoá. Cơ quan tôi khi đó tuyển thêm vài chục người nhưng không được giao quỹ lương. Lãnh đạo cơ quan họp và chia nhân sự ra làm 2 nhóm, 1 nhóm được nhận lương từ ngân sách và 1 nhóm phải tự lo lương”, tiến sỹ Mai Huy Tân nhớ lại.

“Phải tự cứu mình trước khi trời cứu, tôi tự nguyên xung phong vào số phải tự lo lương bằng hoạt động khác", tiến sĩ Tân nói. Ông cho biết, sau đó ông đứng lên đăng ký một đề tài khoa học, được đánh giá cao, được nghiệm thu và có thu nhập cho cơ quan. Tuy nhiên, do điều kiện lúc bấy giờ, đề tài không được ứng dụng.

“Khi làm nhà nước tôi luôn cảm thấy rất bức xúc vì thấy bản thân mình vô dụng. Sự thật cay đắng là những bằng nghiên cứu của tôi hoàn toàn vô dụng đối với Việt Nam. Nếu lúc đó mình cứ khư khư ôm cái bằng tiến sỹ toán xuất sắc…thì sẽ không được việc gì mà còn bị đói”, tiến sỹ Mai Huy Tân tâm sự. Đó cũng là ‘bước ngoặt’ để nhà toán học Mai Huy Tân “mang bằng tiến sỹ cất đi và tự nhủ phải quên việc mình là tiến sỹ toán học loại xuất sắc”.

Đúng lúc đang chông chênh, tiến sỹ Mai Huy Tân đến chơi với một người bạn ở Bộ Lao động và thấy rất nhiều bạn trẻ có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở Đức cần học tiếng Đức. Với vốn tiếng Đức được tích luỹ sau nhiều năm học tập ở nước bạn, ông Mai Huy Tân nghĩ ngay đến chuyện viết sách cho người Việt học tiếng Đức. Rất nhanh chóng, ông Tân đã bán được 3.000 cuốn sách học tiếng Đức sau khi xuất bản.

Vậy là, ngoài tiền bạc, vị tiến sỹ toán học khi đó còn nhận được bài học quan trọng nhất trong kinh doanh: nhìn nhận và nắm bắt nhu cầu của thị trường.

Sau ‘thương vụ’ đầu tiên, ông Mai Huy Tân tiếp tục nhận ra, trong bối cảnh đổi mới kinh tế hồi đó, nhu cầu kiến thức về kinh tế thị trường là có thật nhưng sách vở rất thiếu. Ông Tân lại bắt tay vào làm cuốn sách “Marketing là gì?”. Ông mở ra một trung tâm xuất bản có tên Licosa supa “không có trụ sở, không có nhân sự, không có vốn tài chính” mà hoạt động hoàn toàn dựa vào “vốn tự có” là “cái đầu” (kiến thức, kinh nghiệm) và mạng lưới chuyên gia là những người bạn của tiến sỹ Mai Huy Tân. Liên tiếp 4 năm sau đó, tiến sỹ Tân xuất bản được 40 cuốn sách.

“Như vậy là trung bình 1 năm tôi làm được 10-15 đầu sách, tương đương 1 nhà xuất bản nhà nước có 40-50 nhân sự”, ông Tân nói. Trong không khí thân mật của buổi cafe quản trị, tiến sỹ Mai Huy Tân “bật mí” rằng khi đó mỗi đầu sách ông được lãi ròng khoảng 1 cây vàng.

Sau khi đã tích luỹ được kinh nghiệm và kiến thức về kinh tế thông qua quá trình tự học từ việc kinh doanh sách, tiến sỹ Mai Huy Tân quyết định chuyển sang lĩnh vực thứ hai, ông sang Tây Đức học sau tiến sỹ về kinh tế thị trường.

Lần xuất ngoại này, do đã tích luỹ được nhiều vốn sống và sự nhạy bén, tiến sỹ Mai Huy Tân đã chủ động trình bày với viện Goeth về việc phát triển văn hoá Đức ở Việt Nam. Liên tiếp những dự án kinh doanh mới của tiến sỹ Mai Huy Tân được ra đời sau đó: chương trình dạy tiếng Đức trên truyền hình, lập trung tâm giao lưu văn hoá Việt - Đức, mở trường dạy tiếng Đức…

Năm 1995, hãng xe Mercedes muốn đầu tư dự án ở Việt Nam. Họ tổ chức nhiều hội thảo bàn về công nghiệp ô tô, tiến sỹ Mai Huy Tân được mời trở thành phiên dịch chính, sau đó trở thành “tư vấn bất đắc dĩ cho hãng Mercedes”, theo lời kể của ông.

Đó cũng là mối nhân duyên để ông Tân có nhiều cơ hội mở rộng quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp Đức, sau này làm trưởng đại diện cho nhiều công ty Đức ở Việt Nam.

Lập công ty ở tuổi 52

“Sau một thời gian làm thuê cho Đức thì tôi quyết định rời bỏ nhà nước, chấm dứt chuyện ‘chân trong chân ngoài’, tự mình đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng và tôi đặt tên là công ty TNHH Đức Việt”, tiến sỹ Mai Huy Tân kể lại quá trình ra đời của thương hiệu xúc xích Đức Việt.

Đó là năm 2000. Khi ấy, tiến sỹ Mai Huy Tân đã ở tuổi 52.

“Khởi nghiệp thực ra không khó nhưng không dễ một chút nào cả. Lúc tôi khởi nghiệp thì tôi đã 52 tuổi và sau lưng tôi là 30 năm học tập, làm việc một cách kiên nhẫn, chăm chỉ”, tiến sỹ Tân nhấn mạnh thông điệp này đến những người trẻ đang ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp. Ông cho rằng, sự nhạy bén cần có của doanh nhân chỉ có thể hình thành và tích luỹ trong quá trình lao động. Vì vậy, những người trẻ chưa tích luỹ đủ kinh nghiệm làm việc cần hết sức thận trọng khi khởi nghiệp.

Bắt tay khởi sự với sản phẩm xúc xích cùng một người bạn Đức, ông hài hước kể lại “dù trước đó chưa bao giờ đi chợ, thái thịt nhưng khi khởi nghiệp tôi ngồi tính kỹ chi phí sản xuất cho 1kg xúc xích là bao nhiêu, gồm những nguyên liệu gì, giá thành thế nào và bán cho ai”. Sau khi đã tìm hiểu, tính toán kỹ, ông thấy khả năng của mình có thể sản xuất và bán được 2.000 tấn xúc xích/năm và sau 2 năm thì hoàn vốn.

Thế là xưởng xúc xích đầu tiên được hình thành, chỉ là xưởng đi thuê, rộng 200m2 nhưng ông Tân tự hào nói đó là dây chuyền xúc xích cực kỳ khắt khe theo tiêu chuẩn Đức. Xưởng nhỏ đi thuê với vỏn vẹn 10 công nhân được đào tạo trực tiếp bởi người Đức những năm 2000 sau này phát triển thành nhà máy rộng hơn 3ha, là thương hiệu xúc xích top3 trên thị trường cùng Vissan và ông lớn CP của Thái Lan.  Năm 2016, Đức Việt được định giá cao nhất lên đến 39 triệu USD bởi tập đoàn CJ của Nhật Bản nhưng sau đó ông Tân và HĐQT đã quyết định bán 99,9% vốn công ty cho Daesang với giá 32 triệu USD.

Khi được hỏi về những kinh nghiệm khi tìm cộng sự, chọn đối tác, xây dựng hệ thống lúc khởi nghiệp, nhà sáng lập xúc xích Đức Việt cho biết ông tâm đắc câu thành ngữ của người Việt xưa: “khôn ngoan chằng lọ thật thà”. Vì vậy, ngay từ đầu, tiến sỹ Mai Huy Tân chủ trương xây dựng Đức Việt trên nền móng của sự chân thành, trung thực.

“Với đối tác thì chân thành. Với cộng sự thì mình phải gương mẫu làm việc, tư tưởng trong sáng, chiến lược rõ ràng để họ dễ đi theo”, tiến sỹ Mai Huy Tân chia sẻ.

Sau khi chia tay với xúc xích Đức Việt, việc mà nhà sáng lập Mai Huy Tân gọi là “gả chồng cho cô con gái yêu của mình”, giờ đây, ở tuổi U80, ông vẫn hào hứng chia sẻ về những dự án khởi nghiệp liên quan đến điện rác ở Đà Nẵng và năng lượng tái tạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long của mình.

Thế nhưng, khi hỏi điều gì khiến ông vui và tự hào nhất cho đến nay thì đó không phải là những thương vụ, dự án hàng chục triệu USD mà là việc ông đã làm hết sức mình trong vai trò cầu nối giữa hai đất nước Việt Nam và Đức trong cả kinh doanh lẫn các hoạt động văn hoá.

“Tôi tự hào là người đưa viện Goeth và hãng Mercedes vào Việt Nam”, tiến sỹ Mai Huy Tân nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác