Ngân hàng

Nhận diện lực đẩy lợi nhuận 9 tháng của MB

(VNF) - Lực đẩy lợi nhuận của MB vẫn đến từ tín dụng, dù xét toàn thị trường, nhu cầu vay vốn là khá yếu và lãi suất giảm mạnh.

Nhận diện lực đẩy lợi nhuận 9 tháng của MB

Nhận diện lực đẩy lợi nhuận 9 tháng của MB

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 cho thấy lũy kế 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8.134 tỷ đồng. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh các ngân hàng, trong đó có MB, chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.

Lực đẩy lợi nhuận của MB vẫn đến từ tín dụng, dù xét toàn thị trường, nhu cầu vay vốn là khá yếu và lãi suất giảm mạnh.

Cụ thể, 9 tháng năm nay, thu nhập lãi (biểu thị doanh thu mảng tín dụng) của MB tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 24.031 tỷ đồng.

Mức tăng này đạt được trong bối cảnh lãi suất giảm, là do tăng trưởng tín dụng của MB khá cao so với mặt bằng chung. Cụ thể, dư nợ cho vay 9 tháng của ngân hàng này tăng 7,3%; cùng với đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ước tăng tới 89%. Nhờ vậy, tổng dư nợ tín dụng của MB đạt mức tăng 11,8%, cao hơn nhiều so với mức 6,09% toàn ngành.

Không chỉ doanh thu tín dụng tăng, điểm tích cực song song là chi phí huy động giảm. 9 tháng, chi phí lãi (biểu thị chi phí huy động) của MB giảm 2,9%. Điều này là nhờ quy mô tiền gửi khách hàng giảm 1,3% (do tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh, trong khi tiền gửi của dân cư vẫn tăng khá); cùng với đó, lãi suất tiền gửi giảm sâu, lãi suất liên ngân hàng tiến về cận 0; ngoài ra, MB vẫn giữ được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức tương đương năm ngoái.

Bù trừ doanh thu - chi phí, mảng tín dụng đem về cho MB 14.483 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng, tăng trưởng 10,5%.

Trong khi đó, các mảng phi tín dụng đem về 5.163 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 6,6%.

Chốt 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động (cả tín dụng và phi tín dụng) của MB đạt 19.647 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều tăng khá (lần lượt 9,8% và 14,1%) nên tổng thu nhập hoạt động sau khi trừ chi phí hoạt động và dự phòng, tức lợi nhuận trước thuế, đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh kết quả kinh doanh, còn một số điểm đáng chú ý trong tình hình tài chính 9 tháng của MB.

Cụ thể, dư nợ cho vay ngắn hạn của ngân hàng này tăng tới 12,1% trong 9 tháng, trong khi dư nợ cho vay trung hạn chỉ tăng 3,1% và dài hạn chỉ tăng 2,7%, cho thấy MB thận trọng hơn, muốn giảm rủi ro cho vay trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng khó lường.

Cùng với đó, xu hướng gia tăng cho vay bán lẻ vẫn tiếp tục khi tỷ trọng cho vay hộ kinh doanh, cá nhân trong tổng dư nợ cho vay tăng thêm 1,36 điểm% sau 9 tháng, lên 41,83%.

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu tại MB mặc dù có tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng vẫn giữ ở mức trung bình thấp là 1,5%. Thêm vào đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục tăng, lên mức cao hàng đầu hệ thống ngân hàng là 119%. Mức bao phủ nợ xấu cao như vậy cho phép ngân hàng này giảm thiểu rủi ro sau khi nợ xấu được cơ cấu lại theo Thông tư 01 dần được "giải phóng" trong thời gian tới.

Tin mới lên