Tài chính

Nhận diện nhóm cổ phiếu 'dẫn sóng' đầu tư trong quý cuối năm

(VNF) - Nhiều cơ hội đầu tư hiện hữu trên thị trường chứng khoán trong quý cuối năm, tập trung vào các ngành được hưởng lợi từ sự khôi phục của các hoạt động kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, xu hướng tăng giá hàng hóa...

Nhận diện nhóm cổ phiếu 'dẫn sóng' đầu tư trong quý cuối năm

Nhận diện nhóm cổ phiếu 'dẫn sóng' đầu tư trong quý cuối năm

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam quý IV công bố gần đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng định giá P/E của chỉ số VN-Index ở mức hợp lý là 17,5 lần trong năm 2021. Kỳ vọng này dựa trên cơ sở dự báo các thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP. HCM sẽ đạt miễn dịch cộng đồng (70-80% dân số tiêm đủ 2 mũi) vào nửa sau quý IV, cùng với việc lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tài khoá và tiền tệ mang tính hỗ trợ, lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá diễn biến ổn định, đầu tư công được đẩy mạnh, nền kinh tế và khối các doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng sẽ quay trở lại chu kỳ tăng trưởng vào đầu năm 2022.

Kết hợp với dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2021 bình quân của các doanh nghiệp trên HoSE tăng 25%, KBSV đưa ra vùng giá mục tiêu của chỉ số VN-Index cuối năm nay là 1.400 điểm.

KBSV nhấn mạnh TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. "Dù các quy định cách ly xã hôi được nới lỏng có thể khiến một phần dòng tiền trên thị trường tìm đến các kênh đầu tư khác, chúng tôi cho rằng việc mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp kết hợp với triển vọng hồi phục kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sau giai đoạn cách ly nghiêm ngặt sẽ là các yếu tố nứu giữ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thêm vào đó, dòng vốn trên thị trường còn được hỗ trợ bởi xu hướng tăng vốn của các công ty chứng khoán trong thời gian gần đây, giúp gia tăng nguồn vốn cho vay trên thị trường và đảm bảo nguồn margin không bị hạn chế ở các thời điểm thị trường biến động mạnh", nhóm chuyên gia cho hay.

Theo KBSV, nhiều nhóm ngành sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới. Cụ thể, với việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế dần hồi phục, các ngành như bán lẻ, hàng không, bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Chi tiết hơn, với ngành bán lẻ, KBSV đánh giá trong ngắn hạn, sự phục hồi của ngành bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trước diễn biến dịch bệnh hiện tại. Lý do bởi ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội thì các mặt hàng kinh doanh như trang sức (PNJ) hay đồ điện tử/điện lạnh (MWG) sẽ không thể có sự hồi phục ngay tức thời mà sẽ cần thời gian.

Tuy vậy, trong trung và dài hạn, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Bởi lẽ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, trong đó bao gồm mức thu nhập của người tiêu dùng sẽ là một động lực tăng trưởng lớn cho ngành bán lẻ về dài hạn. Về xu hướng dài hạn, hành vi của người tiêu dùng có thể sẽ được dịch chuyển sang hình thức online – đây hứa hẹn sẽ là một kênh bán hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Đối với ngành bất động sản khu công nghiệp, theo KBSV, mặt bằng giá thuê khu công nghiệp vẫn tăng trong đại dịch. Cùng với đó, công ty chứng khoán này dự báo FDI sẽ quay trở lại từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022 khi kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại.

Đặc biệt, dịch Covid-19 đã cho thấy các nhà sản xuất cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. "Đại dịch Covid-19 là một cơ hội để kiểm tra sức mạnh của chuỗi cung ứng toàn cầu và nó đã thất bại thảm hại, bằng chứng rõ nhất là các kệ hàng trống rỗng và sự chậm trễ trong sản xuất. Các nhà sản xuất đã nhìn nhận ra vấn đề này và cần phải đa dạng hóa hơn trong chuỗi cung ứng. Theo một khảo sát từ Gartner, 33% các nhà cung ứng dự định sẽ dời một phần nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc vào năm 2023", nhóm chuyên gia nhận định.

Theo đó, Việt Nam và các nước lân cận sẽ thay thế Trung Quốc trở thành nhà xưởng của thế giới với lợi thế cạnh tranh về giá thành. Việt Nam vẫn là điểm đến vô cùng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vị trị gần Trung Quốc và chi phí nhân công vô cùng rẻ (252 USD/tháng – bằng 1/4 Trung Quốc). Không những vậy, cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp của Việt Nam đang ngày càng cải thiện cũng sẽ là yếu tố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là các yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI trong dài hạn.

Đáng chú ý, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, diện tích khu công nghiệp mới phê duyệt đạt 7.900 ha, bằng 2,6 lần tổng diện tích phê duyệt cả năm 2020. Việc chính phủ đẩy nhanh tiến độ phát triển các cụm công nghiệp cả nước cũng sẽ là chất xúc tác cho ngành khu công nghiệp trong thời gian tới.

"Chúng tôi đánh giá triển vọng trung hạn và dài hạn của ngành khu công nghiệp là tích cực với các yếu tố đã nêu trên. Một số cơ hội đầu tư đáng chú ý của chúng tôi bao gồm KBC, VGC, PHR, TIP. Đây đều là những công ty có sẵn quỹ đất lớn với giá vốn rẻ và có đất tại các khu vực hưởng lợi chính bởi nhu cầu đầu tư công/ dịch chuyển chuỗi cung ứng", phía KBSV cho biết.

Cổ phiếu khu công nghiệp có thể lại "tạo sóng" khi nền kinh tế dần hồi phục

Bên cạnh làn sóng phục hồi kinh tế thì đẩy mạnh đầu tư công cũng là câu chuyện nổi bật, theo đó, các ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

Cùng với đó, cũng không thể không kể đến cơ hội kiếm lời từ xu hướng tăng giá của hàng hóa. Theo KBSV, dầu khí và thép là 2 ngành được hưởng lợi.

Riêng với ngành dầu khí, KBSV cho rằng giá dầu tăng cao vẫn là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ với các doanh nghiệp dầu khí trong thời gian tới, bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực của việc bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Nhóm chuyên gia cho rằng GAS hưởng lợi rõ nét nhất từ xu hướng tăng của giá dầu thế giới cũng như triển vọng từ hoạt động nhập khẩu và phân phối nội địa sản phẩm LNG trong năm 2022. Đồng thời có quan điểm tích cực về PVT và BSR trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong đó, PVT có thể tận dụng giá tàu thị trường thấp trong nhiều năm trở lại đây để hoàn thành kế hoạch mở rộng đội tàu, mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững hơn cuối năm cũng như những năm tiếp theo.

"Chúng tôi đánh giá tích cực với ngành dầu khí trong quý IV/2021 trong bối cảnh giá dầu hồi phục khả quan. Các cơ hội đầu tư đáng chú ý trong ngành bao gồm: GAS, PVT, BSR", KBSV nêu quan điểm.

Ngoài ra, cơ hội đầu tư thời gian tới còn đến từ các ngành tăng trưởng ổn định trong dài hạn, đó là ngành công nghệ thông tin và ngành điện.

Đối với ngành công nghệ thông tin, KBSV đánh giá tiềm năng tăng trưởng mảng gia công phần mềm vẫn khả quan do nhu cầu cao trên thế giới. Mảng gia công phần mềm không đòi hỏi hàm lượng chất xám cao nhưng số lượng nhân sự lớn, hiện các nước đều đang có tình trạng thiếu hụt nhân sự. Trong khi đó, chi phí nhân công kĩ sư phần mềm của Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia là lợi thế cạnh tranh lớn.

KBSV cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng xuất khẩu phần mềm sẽ được cải thiện trong trung hạn nhờ: đối tác quốc tế tin tưởng, có nhiều hợp đồng hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao hơn, nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước tăng. Đồng thời dự báo tăng trưởng thuê bao Internet trong thời gian tới tiếp tục tích cực khi tiềm năng tăng trưởng vẫn còn khá lớn ở khu vực các tỉnh.

"Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực với ngành công nghệ thông tin trong quý IV/2021, một số mã cổ phiếu đáng chú ý bao gồm FPT, ELC, CMG", nhóm chuyên gia khuyến nghị.

Với ngành điện, trong quý IV/2021, KBSV duy trì quan điểm tích cực với ngành này với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tăng trưởng khá nhờ việc khôi phục kinh tế. Các mã cổ phiếu ngành điện đang có định giá hấp dẫn và triển vọng kinh doanh khả quan bao gồm QTP, POW, HDG, SJD.

Tin mới lên