Nhận tin nhà nước thoái vốn, BCM và NTP lập tức tăng kịch trần

Hải Đường - 21/05/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Thoái vốn Nhà nước có thể là một trong những lý do khiến BCM và NTP tăng kịch trần trong phiên 20/5 khi câu chuyện bán vốn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.

Vài trăm triệu cổ phiếu BCM sẽ được “xả” ra thị trường?

Đóng cửa phiên 20/5, cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HoSE: BCM) tăng trần lên mức giá 62.900 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy mà BCM thiết lập trong phiên 23/4 ở mức 50.500 đồng/cổ phiếu, thị giá hiện tại đã hồi phục gần 25%.

Thanh khoản phiên hôm nay (20/5) cũng tăng mạnh lên hơn 2 triệu đơn vị, gấp hơn 2 lần khối lượng giao dịch trung bình trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Trước đó, BCM đã leo lên vùng giá 69.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian từ phiên 7/3 – 13/3, sau đó trượt mạnh về mức đáy 50.500 đồng/cổ phiếu như đã nêu trên.

Với hơn 1 tỷ cổ phiếu niêm yết, việc thị giá phục hồi 25% trong gần 1 tháng đã giúp vốn hoá của BCM phục hồi hơn 12.800 tỷ đồng, tương đương hơn nửa tỷ USD. Đóng cửa phiên 20/5, vốn hoá của BCM đã tăng lên mức hơn 65.100 tỷ đồng, tương đương hơn 2,5 tỷ USD.

Biến động mạnh mẽ của cổ phiếu BCM trong phiên 20/5 nhiều khả năng đến từ thông tin thoái vốn Nhà nước được công bố hồi cuối tuần trước. Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vào ngày 17/5 vừa qua đã ký Quyết định 426/QĐ-TTg về việc phê duyệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại BCM đến năm 2025.

Quyết định nêu rõ việc phê duyệt tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại BCM giảm từ 95.44% vốn điều lệ xuống mức nắm giữ trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025, đồng thời bãi bỏ nội dung về kế hoạch sắp xếp đối với BCM (số thứ tự 29) thuộc Mục 2 Kế hoạch giữ nguyên phần vốn nhà nước tại Phụ lục III về Kế hoạch thực hiện thoái vốn và giữ nguyên phần vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn.

Được biết, UBND tỉnh Bình Dương hiện đang nắm giữ 95,44% vốn của BCM, tương đương hơn 987,8 triệu cổ phiếu BCM trong số hơn 1 tỷ cổ phiếu BCM niêm yết. Nói cách khác, số lượng cổ phiếu BCM mà các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ chỉ đạt mức hơn 47 triệu đơn vị.

Dù chưa có phương án thoái vốn cụ thể được công bố, việc Nhà nước hạ tỷ lệ nắm giữ xuống mức trên 65%, rất có thể số lượng cổ phiếu BCM được “xả” ra thị trường có thể lên tới vài trăm triệu đơn vị.

Đáng nói, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại BCM chỉ đang đạt mức 1,4%. Trong khi đó, vào năm 2019, BCM đã xác định room ngoại ở mức 49% kỳ vọng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạng lại tính thanh khoản tốt cho cổ phiếu BCM, cải thiện khả năng huy động vốn cho công ty trong các đợt phát hành cổ phiếu.

Như vậy, việc thoái vốn Nhà nước của BCM có thể là cơ hội cho khối ngoại mua vào cổ phiếu BCM với số lượng lớn.

NTP: Quay lại danh sách bán vốn sau 2 năm

Không chỉ BCM, cổ phiếu NTP của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) cũng ghi nhận tăng trần 9,81% trong phiên 20/5 lên mức giá 47.000 đồng/cổ phiếu sau tin thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Mức thanh khoản cũng tăng gấp hơn 2 lần khối lượng trung bình trong 3 tháng trở lại đây, đạt 185.504 đơn vị trong phiên 20/5.

Được biết, cổ phiếu NTP đã ghi nhận 2 chuỗi tăng liên tiếp từ cuối tháng 4 đến nay. Từ ngày 22/4 đến ngày 7/5, cổ phiếu NTP đã tăng 8 phiên liên tiếp, từ mức giá 38.100 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 22/4) lên 42.300 đồng, tương đương mức tăng là 11%.

Từ ngày 10/5 đến ngày 20/5, cổ phiếu NTP tiếp tục với chuỗi tăng 7 ngày liên tiếp, từ mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu (mở cửa phiên 10/5) tăng lên mức 47.000 đồng/cổ phiếu (phiên 20/5), mức tăng là 11,9%.

Tính riêng trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, cổ phiêu NTP đã tăng khoảng 23%. Ở thời điểm cuối tháng 2 vừa qua, cổ phiếu NTP cũng từng leo lên vùng giá 47.000 đồng/cổ phiếu, sau đó điều chỉnh về mức 38.100 đồng/cổ phiếu.

SCIC mới đây đã đưa NTP vào danh sách dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2024, sau 2 năm vắng bóng tại danh sách bán vốn của SCIC (2022-2023). Tại NTP, SCIC đang nắm giữ 37,1% vốn điều lệ, tương đương hơn 48 triệu cổ phiếu. NTP hiện có nhiều cổ đông lớn khác là các tổ chức trong nước, nước ngoài cũng như một số cá nhân.

Cụ thể, cổ đông lớn thứ 2 tại NTP là Sekisui Chemical Co. Td (Nhật Bản) với tỷ lệ sở hữu 15%. Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía nắm giữ 14,27%; ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT NTP nắm giữ 6,87%.

Trong thời gian gần đây, NTP gây chú ý khi công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh với dự án đầu tiên của hướng đi mới là xây dựng Tổ hợp giáo dục hơn 620 tỷ đồng ở Hải Phòng. Theo đó, NTP đã thông qua phương án triển khai dự án trường phổ thông nhiều cấp học Tiền Phong tại số 2 An Đà, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Diện tích sử dụng đất là hơn 37.000m2, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2026.

Kỳ vọng gì ở “game” bán vốn

Thoái vốn Nhà nước có thể là một trong những lý do khiến BCM và NTP tăng kịch trần trong phiên 20/5 khi câu chuyện bán vốn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.

Nhìn lại những câu chuyện thoái vốn giai đoạn trước, khi có thông tin thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM), cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB), cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này đã tăng nóng 50-60%.

Tuy nhiên, hậu thoái vốn, cổ phiếu của 1 số doanh nghiệp lại có xu hướng điều chỉnh mạnh. SAB, BMP (Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh) và DIG (Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng) là những cổ phiếu tiêu biểu của xu hướng này sau khi doanh nghiệp thoái vốn Nhà nước. Mức giảm của các cổ phiếu này sau thoái vốn Nhà nước lên tới vài chục phần trăm.

Khi các câu chuyện thoái vốn Nhà nước làm dậy sóng trên thị trường, các chuyên gia từng lưu ý với nhà đầu tư phải thận trọng khi giải ngân tiền vào các cổ phiếu này vì sau thoái vốn, giá cổ phiếu thường có xu hướng điều chỉnh.

Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là đầu cơ với những kỳ vọng ngắn hạn từ thông tin thoái vốn. Khi thông tin thoái vốn không còn nóng, dòng tiền không còn đổ mạnh vào những cổ phiếu này sẽ làm giá cổ phiếu khó duy trì mức giá cao.

Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên tập trung nhiều hơn vào câu chuyện giá trị, vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì yếu tố này sẽ quyết định giá trị doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng khi doanh nghiệp phát triển tốt.

Khởi động lại kế hoạch thoái vốn tại FPT, SCIC gặp rào cản 'room ngoại'

Khởi động lại kế hoạch thoái vốn tại FPT, SCIC gặp rào cản 'room ngoại'

Tài chính
(VNF) - Ở danh sách bán vốn đợt 2, SCIC đã bổ sung loạt doanh nghiệp lớn đáng chú ý như FPT, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong,..., thêm tổng cộng 31 doanh nghiệp so với danh sách trước.
Cùng chuyên mục
Tin khác