Nhân vật

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt: 'Tôi không săn giải thưởng để chứng tỏ mình'

(VNF) -“Ngày đó, tôi cùng một số người đến làng Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội). Những người dân làng lúc này không muốn gặp gỡ, tiếp xúc với truyền thông, cũng không cho chúng tôi chụp ảnh. Tôi đã phải ra sức thuyết phục, chứng minh mình chỉ chụp ảnh nghệ thuật chứ không phải ảnh báo chí, họ mới đồng ý. Tôi chụp 200 kiểu để rồi chọn ra 1 kiểu mang đi dự thi”.

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt: 'Tôi không săn giải thưởng để chứng tỏ mình'

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt

Đó là những gì nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt chia sẻ về quá trình làm nên tác phẩm “Làm hương” - một trong những bức ảnh thành công nhất của anh cho đến thời điểm hiện tại. Vào năm 2017, “Làm hương” đã khiến cái tên Trần Tuấn Việt nổi lên như một hiện tượng trong giới nhiếp ảnh. Bức ảnh đã được chọn đăng trong ấn bản của National Geographic và sau đó là đoạt giải ở hạng mục “Ảnh du lịch” tại cuộc thi ảnh của Viện Smithsonian (Mỹ).

Nhưng không chỉ với những tác phẩm xuất sắc Trần Tuấn Việt mới lao động nghệ thuật tâm huyết mà với mọi bức ảnh, anh luôn nghiêm túc và say mê. Như bức ảnh “Cân bằng” – chụp những người thợ bắt khung định vị trên đường dây diện cao thế ở cánh đồng tại Bắc Ninh, Trần Tuấn Việt đã chạy xe trên cung đường nối liền 2 tỉnh đến 6 lần để “chộp” lấy khoảnh khắc mà anh nói là “có lẽ sẽ khó gặp lại lần thứ hai trong đời”. Có nhiều đề tài, anh thậm chí đi đến 8 lần mà vẫn chưa ưng ý. Để có được những bức ảnh đẹp, Trần Tuấn Việt đã phải bao lần ra Bắc vào Nam trong suốt nhiều năm, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy mệt, bởi đơn giản đó là đam mê.

Đến với nhiếp ảnh như một cơ duyên

Sinh năm 1983, Trần Tuấn Việt theo học ngành xây dựng và lập nghiệp với một công ty chuyên về công nghệ thông tin. Thế nhưng, “nghiệp” ảnh lại vận vào anh như một định mệnh. Bắt đầu làm quen với máy ảnh từ năm 2007, ban đầu chỉ như một thú chơi, song Trần Tuấn Việt đã nhanh chóng bị môn nghệ thuật này “hớp hồn”. Anh đầu tư khá nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu về thiết bị, máy móc cũng như kỹ thuật, nghệ thuật chụp ảnh. Sự nghiệp nhiếp ảnh của anh trải qua đầy đủ các thể loại từ phong cảnh, đời thường đến chân dung... để rồi sau đó được “đóng đinh” với phong cách Storytelling – mảng nhiếp ảnh truyền tải câu chuyện.

Bên cạnh tác phẩm “Làm hương” danh tiếng, Trần Tuấn Việt còn có rất nhiều tác phẩm xuất sắc khác. Tháng 12/2017, tác phẩm “Thiên nga” của anh ghi dấu ấn đậm nét khi đạt huy chương vàng tại cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Khi đó, Trần Tuấn Việt đã xuất sắc vượt qua gần 1.200 tác giả từ 37 quốc gia và gần 12.000 tác phẩm tham gia. Năm 2018, tác phẩm “Phật tử cầu nguyện” của anh cũng vượt qua 1,2 triệu bức ảnh trên cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic để lọt vào top 70 ảnh đẹp nhất năm.

Năm 2019, anh tham gia dự án ảnh có tên gọi “Kỳ quan Việt Nam” do Google phối hợp cùng Tổng cục Du lịch phát hành trên nền tảng Google Arts & Culture. Cũng từ năm này, Trấn Tuấn Việt là nhiếp ảnh gia người Việt duy nhất cộng tác thường xuyên cùng National Geographic, đóng góp hình ảnh chụp về Việt Nam trong dự án nhiếp ảnh cộng đồng của họ.

Với những thành công trong sự nghiệp nhiếp ảnh, Trần Tuấn Việt được mệnh danh là người đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới; giữ vai trò giám khảo tại nhiều cuộc thi nghệ thuật lớn của Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, anh cũng đang giữ kỷ lục là nhiếp ảnh gia người Việt có nhiều tác phẩm nhất được đăng top ảnh đẹp trên tạp chí danh tiếng National Geographic.

“Thử thách lớn nhất là vượt qua chính mình”

Đi khắp mọi miền đất nước nhưng chưa bao giờ Trần Tuấn Việt lo lắng cạn đề tài nhiếp ảnh. Anh bày tỏ, mỗi lần được đi là mỗi lần anh có những trải nghiệm riêng biệt, những niềm hứng khởi mới. “Những địa điểm tôi đã ghé thăm nhiều lần như Đà Lạt, Sa Pa, Huế, Hội An... đều là những nơi mà không bao giờ tôi cảm thấy cạn động lực sáng tạo. Mỗi lần quay lại là một lần khác biệt với những trải nghiệm, cảm xúc khác nhau để gửi gắm qua các hình ảnh”.

Dù khẳng định được vị thế của mình trong làng nhiếp ảnh Việt Nam nhưng Trần Tuấn Việt quan niệm giải thưởng không phải là mục đích theo đuổi của anh. Động lực lớn nhất để anh “xách ba lô lên và đi” là cảm xúc và niềm khát khao với những bức ảnh đẹp, đậm chất Việt Nam. “Tôi không phải nhiếp ảnh gia chuyên săn các giải thưởng để chứng tỏ mình. Những lời động viên và đồng cảm của độc giả mới chính là động lực của tôi”, anh nói.

Chia sẻ về nghề, anh cho biết để có thời gian cảm thụ cái hồn của các khung cảnh, anh phải đi rất nhiều lần, từ đó hòa nhập với cư dân bản địa, hiểu được nét văn hóa của nơi mình đến… “Mỗi chuyến đi tôi mất vài ngày đến vài tuần. Đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến rất nhiều công việc khác, nhưng tôi vẫn mong có thêm góc ảnh mới với khát khao có được những bức ảnh đẹp, câu chuyện hay về quê hương đất nước để kể với thế giới”.

Hai năm dịch bệnh vừa qua đã khiến anh bỏ lỡ nhiều cơ hội. Chẳng hạn đầu năm 2020, anh được mời tham dự đại hội nhiếp ảnh quốc tế Xposure - sự kiện quy tụ các nhiếp ảnh gia nổi tiếng quốc tế. Đó cũng là lần đầu tiên nhiếp ảnh gia Việt Nam được mời tham gia với tư cách khách mời chính thức. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chương trình buộc phải dời lại.

Đến năm 2021, chương trình được tổ chức tại UAE. Thời điểm đó, cũng do dịch bệnh, anh lại lỡ hẹn. “Đó là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi để chia sẻ các bức ảnh và các câu chuyện ảnh mà tôi đã chụp và ghi lại dọc Việt Nam trong gần 15 năm qua. Tôi cũng đã hụt mất cơ hội để giao lưu, học hỏi với những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới. Đây thực sự là điều rất đáng tiếc”, anh nói.

Trần Tuấn Việt cũng tâm sự, suốt 2 năm dịch bệnh, người ham xê dịch, khám phá như anh đã không thể nào làm gì khác khi các hoạt động du lịch bị đóng băng, các lễ hội làng nghề, văn hóa không diễn ra được. Trong khi đây vốn là những đề tài luôn truyền cảm hứng, thể hiện nét đặc trưng rất riêng về văn hóa tinh tế, cao đẹp của người Việt. Chính bởi vậy, các tác phẩm của anh sụt giảm đáng kể trong 2 năm vừa qua.

Tuy nhiên, không vì thế mà anh nản chí. Trần Tuấn Việt cho hay ngay trong tháng 1/2022, anh sẽ trở lại “vương quốc hang động” Quảng Bình trong vai trò khách mời của Oxalis – công ty khai thác độc quyền hang Sơn Đoòng. “Năm nay, tham gia cùng đoàn chúng tôi sẽ có nhà báo Tạ Bích Loan, Á hậu Huyền My... Chúng tôi ở lại Sơn Đoòng một vài ngày để chụp kỹ hơn, sâu hơn các hình ảnh trong hang”.

“Mỗi lần vào Sơn Đoòng là một cảm xúc khác nhau. Sau 2 lần vào Sơn Đoòng, tôi vẫn chưa có bộ ảnh ưng ý nên khi vừa ra khỏi nơi đây tôi đã ngay lập tức muốn quay lại. Tôi sẽ còn quay lại Sơn Đoòng vào những ngày mùa đông, mùa hè, mùa mưa và cả những ngày nhiều nắng… để khám phá hình ảnh trong mỗi mùa, khoảnh khắc, thời gian khác nhau, để có được những bức ảnh về Sơn Đoòng mang dấu ấn khác biệt”, anh nói.

Tin mới lên