Nhiều con số giật mình sau kiểm toán 27 dự án BOT

Luân Dũng - 23/02/2017 10:15 (GMT+7)

Một trong những con số đáng giật mình tại kết luận Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về 27 dự án BOT giao thông, giai đoạn 2011 – 2016 là sự điều chỉnh thời gian thu phí.

Từ những con số tại báo cáo kiểm toán, chỉ nhẩm tính sơ qua cũng thấy số thời gian bị yêu cầu cắt thu phí lên đến 100 năm. Trong đó, dự án điều chỉnh giảm thu phí tối thiểu là 10 tháng, tối đa lên đến hơn 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Trong đó dự án bị điều chỉnh thời gian thu phí nhiều nhất là công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1488 - km1525 tỉnh Khánh Hòa (giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày). Kế đến, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn km1793+600 (km734+600) đến km1824+00 (km1765+00), tỉnh Đắk Nông cũng phải giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày.

Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu giảm 11 năm.

Một số dự án lớn BOT tăng tổng vốn lên 100%, như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 Uông Bí – Hạ Long, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.318 tỷ lên 2.838 tỷ đồng; hay dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tăng từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng.

Theo KTNN, các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.

Một trong những bất cập được chỉ rõ, tại nhiều dự án cải tạo, nâng cấp tuyến cũ, người tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà "bắt buộc" phải trả phí cho nhà đầu tư. "Nhất thiết phải ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng trong việc lựa chọn đề án thực hiện theo hình thức BOT", KTNN nhấn mạnh. 

Đặc biệt, KTNN cũng khẳng định, ngay cả quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính vẫn còn kẽ hở, dù trạm thu phí có khoảng cách không đảm bảo 70 km nhưng vẫn được chấp thuận, gây bức xúc cho người dân.

Không chỉ vậy, việc vận hành khai thác tại các dự án BOT còn chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí. Trong khi đây chính là chỉ tiêu quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT.

KTNN đề nghị Bộ GTVT xem xét các chỉ tiêu có sự sai lệch khi thoả thuận quyết toán dự án và điều chỉnh hợp đồng BOT để xác định chính xác thời gian hoàn vốn của dự án.

Cùng với đó, cần đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch...

Theo Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.