(VNF) – Giai đoạn 2010 – 2012 chứng kiến cuộc đua "vượt trần lãi suất" mà hệ lụy đến nay vẫn còn đọng lại với "đại án" OceanBank.
Những tháng cuối năm 2010, khi dự báo về mức lạm phát 2 con số dần trở thành hiện thực, vượt xa mức dự kiến 8,5%, và chỉ tiêu GDP cả năm gần như chắc chắn sẽ hoàn thành, ngày 5/11/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức nâng lãi suất cơ bản VND từ 8%/năm lên 9%/năm, mục đích là nhằm thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát.
Cuộc đua lãi suất, theo đó, cũng chính thức bắt đầu.
Ngay trong ngày 5/11/2010, trong cuộc họp khẩn diễn ra tại NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đề xuất Hiệp hội Ngân hàng đứng ra chủ trì, đưa mức đồng thuận lãi suất huy động VND từ 11% lên 12%/năm.
Sở dĩ các TCTD phải gấp rút có đồng thuận là để ngăn chặn cuộc đua lãi suất sau động thái thắt chặt tiền tệ từ NHNN.
Tuy nhiên, đồng thuận này không giữ được bao lâu. Tháng 11/2010, lãi suất VND liên tục biến động theo chiều hướng gia tăng. Lãi suất huy động VND đã tăng vọt từ 11 - 11,5%/năm lên đến 17%/năm ở một số NHTM đối với một số kỳ hạn ngắn, đồng thời lãi suất cho vay VND cũng "leo thang" từ 13-14%/năm lên tới 19 - 21%/năm tùy từng loại khoản vay.
Kỷ lục lãi suất huy động 17% trên được thiết lập vào ngày 8/12/2010 bởi Techcombank với sản phẩm "3 ngày vàng", vượt xa mức đồng thuận 11% một tháng trước đó.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, ngày 9/12/2010, NHNN có công văn số 9577/NHNN-CSTT yêu cầu Techcombank phải kịp thời rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn VND. Ngày 13/12/2010, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã có văn bản nghiêm khắc cảnh cáo Chủ tịch và Tổng Giám đốc Techcombank do đã làm ảnh hưởng đến thị trường lãi suất và gây mất ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.
Sau sự việc gây "náo loạn" của Techcombank, chiều ngày 14/12/2010, ban lãnh đạo NHNN đã tổ chức cuộc họp với Tổng thư ký và các thành viên Hiệp hội Ngân hàng, các TCTD đã cam kết "mức lãi suất huy động VND bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức theo cam kết đồng thuận của các NHTM không vượt quá 14%/năm" và đưa ra các chế tài đối với các trường hợp vi phạm.
Đồng thuận này sau đó lại bị phá vỡ, trước là do các ngân hàng vừa và nhỏ, sau các ngân hàng lớn bao gồm cả các NHTM Nhà nước cũng phải nâng lãi suất để chặn đà "chảy tiền" qua các ngân hàng khác có lãi suất cao hơn. Các mức lãi suất 15%, 16%, thậm chí là 17%/năm lần lượt được thiết lập.
Sang năm 2011, chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt hơn nữa do lo ngại ngày càng lớn về tình hình lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu leo thang, kinh tế thế giới đầy bất ổn với cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp.
Ngày 24/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. NHNN được lệnh hạ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán xuống khoảng 15 – 16%.
Trước đó, hồi cuối năm 2010, NHNN đưa ra định hướng nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2011, với tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 23%, tổng phương tiện thanh toán tăng 21 - 24%.
Cụ thể hóa nghị quyết số 11, ngày 3/3/2011, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2011 quy định mức trần lãi suất huy động tối đa bằng VND, theo đó, TCTD ấn định lãi suất huy động bằng VND của các tổ chức (trừ TCTD) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm.
Bị cáo Hà Văn Thắm cùng nhiều cựu lãnh đạo OceanBank tiếp tục hầu tòa vì các tội danh liên quan đến việc chi vượt trần lãi suất huy động. Ảnh: VnE
Quyết định này cũng bắt đầu thực trạng oái oăm và nhức nhối, thậm chí còn đọng lại cho đến tận bây giờ với "đại án" Hà Văn Thắm cùng đồng phạm: thực trạng "vượt trần lãi suất".
Chỉ 1 ngày sau khi ban hành Thông tư 02, NHNN đã quyết định cảnh cáo Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc KienlongBank và Western Bank do huy động vốn với lãi suất vượt trần.
Ngày 8/3/2011, NHNN tiếp tục có động thái thắt chặt tiền tệ hơn nữa khi ban hành quyết định tăng các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm lên 12%/năm.
Vừa thắt chặt tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất điều hành, lại vừa đặt trần lãi suất, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Hệ quả tất yếu là các ngân hàng này phải tìm cách "lách" trần lãi suất.
Trong khi nhiều ngân hàng chơi "độc chiêu" khi thay vì huy động không kỳ hạn, các tổ chức này đưa ra các sản phẩm với kỳ hạn siêu ngắn 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày, 6 ngày với lãi suất chỉ thấp hơn một chút so với trần 14%; thì một số ngân hàng khác "lách" trần với chiêu khuyến mãi cộng lãi suất thông qua thỏa thuận miệng, phần chênh được trả ngay bằng tiền mặt.
Một chiêu khác cũng rất phổ biến là sản phẩm huy động VND đảm bảo bằng USD, được giới thiệu là nhằm "bảo vệ người gửi tiền trước mọi biến động tỷ giá". Thực tế, với cách huy động này, ngoài việc trả lãi suất 14%/năm, ngân hàng sẽ trả thêm một phần tiền cho khách hàng với mục đích "bù đắp tỷ giá" nếu tỷ giá biến động tăng vào ngày đáo hạn.
Cạnh tranh lãi suất thời điểm đó là rất căng thẳng. Tình trạng "xe tiền của ngân hàng này trực sẵn trước cửa ngân hàng khác" nhằm chở tiền mà khách hàng đi rút để chuyển sang ngân hàng có lãi suất cao hơn đã trở thành câu chuyện "đau lòng" nhưng phổ biến.
Như trường hợp của OceanBank, ngay khi ngừng chi lãi ngoài, nguồn vốn huy động của ngân hàng này đã sụt "thảm" từ mức 12.000 tỷ xuống còn 5.000 tỷ, buộc lãnh đạo ngân hàng này phải huy động vượt trần lãi suất để "cứu ngân hàng".
Theo báo cáo thường niên năm 2011 của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2011, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay VND đều tăng cao. Cuối tháng 6/2011, lãi suất huy động VND bình quân ở mức 15,6%/năm, cao hơn trần lãi suất 14%/năm do một số TCTD khó khăn về thanh khoản đã "lách" quy định trần lãi suất.
Ngày 7/9/2011, NHNN ra chỉ thị 02/CT- NHNN chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động, bằng đồng Việt Nam và bằng đô la Mỹ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước theo đúng Thông tư số 02/2011/TT-NHNN. Sau đó gần 10 ngày, 2 ngân hàng là DongABank và Agribank đã bị NHNN xử lý vi phạm vượt trần lãi suất.
Ngày 28/9/2011, NHNN ra Thông tư số 30/2011/TT-NHNN khống chế mức trần lãi suất đối với kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%.
Sau đó, mặc dù một số TCTD bao gồm cả các NHTM quy mô lớn vẫn tiếp tục huy động vốn VND với lãi suất cao hơn quy định nhưng về cơ bản đã thực hiện nghiêm túc quy định trần lãi suất huy động của NHNN.
Năm 2012 liên tiếp chứng kiến động thái hạ trần lãi suất huy động của NHNN. Ngày 12/3/2012, NHNN chính thức giảm trần lãi suất từ 14% xuống 13%. Một tháng sau đó, NHNN tiếp tục hạ trần lãi suất xuống 12% và xuống 11% kể từ ngày 28/5/2012.
Chỉ 2 tuần sau, trần lãi suất ngắn hạn lại được hạ xuống mức 9%, đồng thời, trần lãi suất huy động trung dài hạn (từ 12 tháng trở lên) được bãi bỏ. Cuối năm 2012, trần lãi suất huy động ngắn hạn tiếp tục được giảm xuống 8%.
Việc giảm trần lãi suất huy động xuống rất sâu khiến nhiều thời điểm, các ngân hàng lại quay trở lại cuộc đua "vượt trần" với nhiều chiêu "lách" luật. Tuy nhiên, về cơ bản, đến cuối năm, hầu hết các NHTM đã thực hiện nghiêm túc quy định trần lãi suất, thậm chí nhiều NHTM còn niêm yết lãi suất thấp hơn mức trần quy định.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.