Nhìn lại các kênh đầu tư trong quý I/2021: Một số gợi ý đối với nhà đầu tư

TS. Cấn Văn Lực - 30/04/2021 07:32 (GMT+7)

(VNF) - Tại Việt Nam, các kênh đầu tư chính có thể kể đến bao gồm tiền gửi ngân hàng, bất động sản (BĐS), chứng khoán, vàng, khởi nghiệp. Ngoài ra còn có kênh đầu tư tiền kỹ thuật số mới xuất hiện thời gian gần đây, dù chưa được pháp luật thừa nhận, song đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.

VNF
Nhìn lại các kênh đầu tư trong quý I/2021.

Trong bối cảnh thế giới và đặc biệt là Việt Nam đang tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, tạo đà cho kinh tế phát triển ổn định với dự báo tăng trưởng cả năm khoảng 6,5-7%, hoạt động đầu tư vẫn diễn ra khá sôi động trong Quý 1/2021 và dự kiến sẽ tích cực hơn trong những quý còn lại của năm. Bài viết sau đây đưa ra góc nhìn toàn cảnh về các kênh đầu tư trong Quý 1, nhận định triển vọng và rủi ro của các kênh đầu tư này, từ đó đưa ra một số đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý và một vài gợi ý cho các nhà đầu tư nhằm phát triển lãnh mạnh, bền vững hơn.

Toàn cảnh đầu tư trong quý I/2021 và triển vọng 2021

Thứ nhất, kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng: sau thời gian dài duy trì lãi suất huy động ở mức thấp, vào tháng 3/2021, lãi suất huy động có sự điều chỉnh tăng nhẹ. Lãi suất tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ hạn dưới 6 tháng tăng thêm từ 0,2-0,6%/năm. Mức lãi suất huy động bình quân thị trường hiện nay vào khoảng 3,5-5,5% đối với kỳ hạn 6-12 tháng và cao nhất vào khoảng 6,9%/năm. Việc dòng vốn liên tục đổ vào kênh chứng khoán, BĐS đã có tác động không nhỏ đến quyết định tăng lãi suất huy động của các TCTD.

Do thanh khoản thị trường còn khá dồi dào cộng với cầu tín dụng vẫn ở mức thấp nên lãi suất huy động tăng ở mức khá khiêm tốn. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm nay tăng (do phục hồi kinh tế toàn cầu và của Việt Nam khả quan, giá cả hàng hóa và giá dầu thế giới tăng, giá vận tải tăng, độ trễ lượng cung tiền và lộ trình tăng giá một số hàng hóa do Nhà nước quản lý…), nhu cầu tín dụng dự kiến tăng từ Quý 2/2021 khi hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), du lịch nội địa phục hồi mạnh hơn sẽ gây áp lực đến việc điều chỉnh tăng lãi suất. Tuy nhiên, với thanh khoản hệ thống các TCTD khá dồi dào, chúng tôi dự báo lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ, trong khi lãi suất cho vay cơ bản ổn định khi các TCTD muốn đẩy mạnh tín dụng ra và NHNN định hướng ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp còn khó khăn.

Thứ hai, đối với kênh đầu tư bất động sản (BĐS): năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của thị trường bất động sản, tuy nhiên từ Quý 3/2020 đến nay thị trường đã và đang phục hồi. Năm 2020, ngành bất động sản tăng trưởng 0,31% so với năm 2019 và đóng góp 4,42% GDP cả nước. Sức cầu về bất động sản tăng lên ở nhiều phân khúc khác nhau, cụ thể giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,5%; căn hộ trung cấp tăng khoảng 2-3%; đất nền tăng 3-5%, cá biệt có trường hợp tăng đến 10%.

Giá căn hộ chung cư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM cuối năm 2020 (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tăng lần lượt là 2 - 3%; và 3 - 4% so với cuối năm 2019; mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện ở phân khúc nhà ở riêng lẻ, đất nền vào khoảng 3 - 5%. Mức giá chào thuê đất của một số khu công nghiệp lớn như tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương... tăng 20% đến 30% theo năm. Tại khu vực đô thị hóa mạnh như vùng Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức hay gần đây là Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30%.

Hiện tượng sốt đất đã xảy ra ở một số nơi do thông tin quy hoạch, xây dựng sân bay, mở đường hay nâng cấp thành thị, giải ngân đầu tư công tăng… Cùng với đó là khung pháp lý được hoàn thiện thêm. Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng 2020 (có hiệu lực từ đầu năm 2021) đã thống nhất với các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Bảo vệ môi trường... về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục được sự thiếu thống nhất và thiếu đồng bộ giữa các khái niệm nhà đầu tư và chủ đầu tư trước đây.

Nghị định 25/2020/NĐ-CP cũng tháo gỡ điểm nghẽn trong thủ tục giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu; Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai… Những sửa đổi luật có hiệu lực trong năm 2021 không chỉ tạo ra môi trường đầu tư BĐS lành mạnh hơn, mà còn tháo gỡ các rào cản, bất cập trước đây. Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế cũng như sự khởi đầu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới; tất cả những điểu này mang lại kỳ vọng tích cực cho sự phục hồi của thị trường BĐS năm nay.

Thứ ba, đối với kênh đầu tư chứng khoán: sau sự phục hồi và có phần bứt phá năm 2020 với chỉ số VN-Index tăng 15%, trong Quý I/2021, TTCK tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Chỉ số VN-Index sau khi đạt được mốc đỉnh kỷ lục 1.200 điểm vẫn có dấu hiệu điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, thanh khoản giảm nhẹ so với cuối năm 2020 và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều (hơn 13.400 tỷ đồng trong Quý I/2021). Nguyên nhân do các quỹ đầu tư Hàn Quốc có động thái chốt lời. Bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 vẫn khá phức tạp trên thế giới khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn.

Quý I cũng là thời điểm các quỹ đánh giá lại doanh nghiệp để xem xét tình hình hoạt động kinh doanh và yếu tố nghẽn lệnh trên sàn HoSE trong 3 tháng qua cũng là một trở ngại. Về triển vọng thị trường, việc vượt qua đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào đầu Quý II đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn, mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho TTCK trong năm 2021. Bên cạnh đó, “Luật Chứng khoán sửa đổi”,các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2021 tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn, cùng với việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ triển khai các giải pháp nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán, cùng với đà phục hồi mạnh của nền kinh tế, hy vọng thị trường tiếp tục tạo sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực cho TTCK tiến lên những cột mốc mới. Dự báo năm 2021, chỉ số chứng khoán VN-Index có thể tăng khoảng 15-20%.

Thứ tư, đối với thị trường vàng: năm 2020 là một năm đầy biến động của giá vàng thế giới và Việt Nam mà yếu tố tác động chính là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch đã đẩy giá vàng thế giới đạt mức cao kỷ lục 2.063 USD/ounce vào tháng 8/2020. Giá vàng thế giới năm 2020 tăng 24.9% so với cuối năm 2019 (ở mức 1.895 USD/ounce). Báo cáo phân tích của ngân hàng ANZ dự đoán giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce vào cuối năm 2021. Còn ngân hàng HSBC dự báo trung bình quanh mức 1.965 USD/ounce. Những chênh lệch dự báo nêu trên cho thấy diễn biến của thị trường vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngăn chặn đại dịch lây lan.

Tại Việt Nam, thị trường vàng trong nước luôn bám sát theo giá vàng thế giới và chạm mốc lịch sử 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020. Năm 2020, giá vàng trong nước tăng khoảng 28,5% so với năm 2019. Đầu năm 2021 với những thông tin tích cực về vaccine ngừa Covid-19 và động thái dập dịch quyết liệt của Chính phủ và kinh tế phục hồi tích cực đã làm giá vàng gần đây giảm xuống quanh mốc 55 triệu đồng/lượng. Trong Quý 1/2021, giá vàng giảm 850.000 đồng mỗi lượng tương đương 1,2%. Trong ngắn hạn dự kiến giá vàng vẫn có xu hướng giảm nhẹ do áp lực từ việc dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư rủi ro hơn tuy nhiên với đà phục hồi kinh tế thế giới và Việt Nam rất tích cực, trong dài hạn dự báo giá vàng năm nay sẽ tăng trở lại.

Thứ năm, kênh khởi nghiệp: trong khoảng 5 năm trở lại đây, vốn đầu tư tư nhân, trong đó có start-up của Việt Nam tăng mạnh, trung bình 15-18%/năm (riêng năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đầu tư tư nhân chỉ tăng khoảng 2%). Năm 2021 đầu tư tư nhân được dự báo sẽ phục hồi. Đặc biệt nhiều mô hình kinh doanh mới, lĩnh vực đầu tư mới khiến giới trẻ quan tâm đầu tư khởi nghiệp, nổi lên như Fintech, Proptech (công nghệ bất động sản), giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông hay Digital marketing. Mức sinh lời từ kênh đầu tư này khá hấp dẫn, trong năm 2020 có những dự án đầu tư có tỷ suất sinh lời lên đến 700%, tuy nhiên đi kèm với lợi nhuận cao là xác suất mất vốn tương đối lớn. Năm 2021 lợi nhuận dự kiến dao động từ 10-30%/năm.

Thứ sáu, kênh đầu tư vào tiền kỹ thuật số: tính đến hết Quý 1/2021, trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của 4.195 loại tiền KTS khác nhau với tổng giá trị vốn hóa hơn 1.801 tỷ USD; trong đó, giá trị vốn hóa của 5 đồng tiền KTS phổ biến nhất (bao gồm: Bitcoin, Ethereum, Cardano, Binance Coin, Tether) đạt hơn 1.600 tỷ USD (chiếm gần 90% toàn thị trường) và riêng Bitcoin chiếm đến 67% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường. Đến cuối Quý 1/2021, đồng Bitcoin đã tăng giá kỷ lục (từ 31.000 USD tháng 01/2021 lên xấp xỉ 60.000 USD cuối tháng 3/2021) đưa giá trị vốn hóa của thị trường Bitcoin vượt mốc 1.000 tỉ USD.

Một số rủi ro cần lường đón và khuyến nghị

Trong bối cảnh kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều ngành hàng sẽ phải mất 1 - 2 năm để phục hồi nên các kênh đầu tư khác (như chứng khoán, bất động sản,…) cũng sẽ gặp rủi ro hơn. Trong bối cảnh đó, kênh tiết kiệm ngân hàng trong ngắn hạn vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời không cao, nhưng ổn định, ít rủi ro và đảm bảo dương (trên mức lạm phát dự kiến 4%).

Thị trường BĐS: rủi ro đến từ kênh đầu tư này đầu tiên phải kể đến là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của thị trường BĐS. Tiếp theo là rủi ro về chính sách, một số loại hình kinh doanh bất động sản mới chưa được pháp luật điều chỉnh như Condotel, Officetel, shophouse... dẫn đến vẫn còn có sự khác nhau giữa địa phương này và địa phương khác; thứ ba là quy trình cấp phép, thẩm định phê duyệt đầu tư xây dựng các dự án còn chậm có dự án mất 3 năm làm thủ tục mà vẫn chưa được thi công: Chờ quy hoạch chung của tỉnh, của địa phương, sau đó mới lập quy hoạch dự án, rồi chờ phê duyệt, xin cấp phép...; thứ tư vẫn còn những dự án không rõ ràng về mặt pháp lý, hạ tầng quy hoạch thiếu minh bạch. Cuối cùng là là tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá”.

Đối với kênh TTCK: rủi ro đối với thị trường này đầu tiên là biến động giá khá lớn, tiếp theo, thanh khoản thị trường tăng mạnh thời gian qua nhưng thiếu bền vững, thứ ba nền tảng nhà đầu tư (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới (F0)) còn thiếu kiến thức và tính chuyên nghiệp về thị trường, cuối cùng là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân chưa thật sự chắc chắn do chịu ảnh hưởng tâm lý bầy đàn và đôi khi dùng đòn bẩy tài chính khá nhiều.

Đối với vàng: rủi ro đối với nhà đầu tư là thị trường này đòi hỏi vốn khá lớn, chênh lệch mua bán có biên độ dao động khá rộng từ 300 nghìn - 3 triệu đồng/lượng, giá vàng biến động mạnh. Trong xu hướng giảm giá sau khi đạt đỉnh như hiện nay của thị trường, rõ ràng vàng không phải là kênh đầu tư sinh lời tốt, ít nhất là trong năm 2021.

Tiền kỹ thuật số: tại Việt Nam, Chính phủ, NHNN hiện tại không chấp nhận tiền KTS không chính thống là tiền tệ, việc dùng tiền KTS làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật. Trên thực tế, kênh đầu tư này chỉ dành cho số ít nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm và chấp nhận rủi ro bởi 5 lý do chính: Thứ nhất, tiền KTS không chính thống chưa được coi là tiền tệ vì không có 3 chức năng chính của tiền tệ (phương tiện trao đổi, phương tiện cất giữ giá trị và đơn vị hạch toán để niêm yết giá và ghi các khoản nợ…).

Thứ hai, mức độ biến động giá rất mạnh nên chức năng đầu tư đúng nghĩa và phòng ngừa lạm phát của Bitcoin là khá mơ hồ (giá Bitcoin đã tăng gần 170% trong năm 2020 dù bị giảm tới 2/3 giá trị vào tháng 3/2020 do ảnh hưởng của sự bùng phát dịch Covid-19). Thứ ba, rủi ro pháp lý khi không được công nhận tại nhiều quốc gia, kể cả làm phương tiện thanh toán. Thứ tư, rủi ro về phục vụ các hoạt động phi pháp như rửa tiền, đánh bạc, buôn lậu và tài trợ khủng bố…). Thứ năm, rủi ro kỹ thuật và mất tiền xảy ra khi sàn giao dịch bị lỗi, bị hack, bị đánh sập như sàn Mt.Gox (2011), Bitstamp (2015), Bitfinex (2016), Bitconnect (2018)..

Mặc dù có mức sinh lời rất lớn (như Bitcoin đã tăng giá trị lên gần 200% trong Quý I/2021) nhà đầu tư cần xác định rõ mình muốn gì, mức độ chấp nhận rủi ro đến đâu, cần trang bị kiến thức về các loại tiền KTS và phải rất thận trọng khi xem xét loại “tài sản ảo” này.

Gợi ý đối với nhà đầu tư

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy xu hướng mới về phát triển nền kinh tế số, tài chính số. Việc đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường, vừa là cơ hội vừa là thách thức mà nhà đầu tư cần phải nắm bắt từ đó chú trọng nâng cao kiến thức tài chính và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động đầu tư của mình. Với các kênh đầu tư đa dạng như hiện nay, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro vì vậy cần cân nhắc rót vốn theo “khẩu vị rủi ro” của mình. Trước tiên phải xác định rõ mục đích đầu tư và tỷ suất sinh lời mong muốn để lựa chọn thị trường phù hơp. Tiếp theo cần đa dạng hóa danh mục đầu tư tránh tình trạng “bỏ trứng vào cùng một rổ” nhằm phân tán rủi ro. Trong thời điểm hiện nay, không nên dùng đòn bẩy quá nhiều, tránh tâm lý bầy đàn, theo phong trào. Hãy là nhà đầu tư thông thái hoặc ủy thác đầu tư qua đại lý, tư vấn chuyên nghiệp có độ tin cậy cao trên thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác