Tài chính

Nhựa Pha Lê: Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, cổ phiếu dưới mệnh giá

(VNF) - Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ nhựa Pha Lê (PLP) mới công bố báo cáo tài chính riêng Quý IV/2023. Theo đó, doanh thu thuần bán hàng, lợi nhuận Quý IV/2023 giảm mạnh do ảnh hưởng chung của thị trường và do công ty thực hiện cải tạo, nâng cấp máy móc thiết bị.

Nhựa Pha Lê: Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, cổ phiếu dưới mệnh giá

Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng quý IV/2023 đạt 495 tỷ đồng, giảm 6,25% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, doanh thu tài chính Quý IV/2023 cũng chỉ đạt 1,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 là hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng giảm mạnh 57,4%, đạt gần 16 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức âm 3,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là âm 1,2 tỷ đồng..

Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu thuần về bán hàng của Nhựa Pha Lê đạt 1.835 tỷ đồng, giảm 8,2 % so với năm 2022. Bất ngờ lợi nhuận sau thuế luỹ kế cả năm 2023 đạt 12 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Nguyên nhân là do chi phí bán hàng năm 2023 giảm mạnh, lên tới 73,8% so với năm 2022, chỉ đạt 23 tỷ đồng.

Theo đó lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2023 đạt 177 đồng/cổ phần.

Về tài sản, tổng tài sản tại 31/12/2023 của công ty đạt 1.752 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2023. Được biết, trong năm tài chính, Nhựa Pha Lê đã bán phần vốn góp với giá gốc 200 tỷ đồng tại công ty cổ phần Hoàng Gia Pha Lê và số cổ phần tương ứng 60 tỷ đồng tại công ty cổ phần khoáng sản Minh Cầm.

Ngoài ra, tại 31/12/2023, Nhựa Pha Lê bất ngờ phải trả trước cho người bán lên đến gần 102 tỷ đồng, tăng hơn 22 lần so với đầu năm 2023. Cụ thể, các đối tác quen thuộc của công ty chỉ ghi nhận trả trước 570 triệu đồng, trong khi các đối tượng khác phải trả trước lên tới 101 tỷ đồng. Cùng với đó, phải trả người bán ngắn hạn tại 31/12/2023 giảm tương ứng gần 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại ngày 31/12/2023, người mua cũng trước cho công ty Nhựa Pha Lê lên đến 121 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm 2023.

Dư nợ vay các tổ chức tín dụng tại 31/12/2023 đạt 718 tỷ đồng. Theo đó nợ vay/vốn góp chủ sở hữu đạt 1,02 lần.

Được biết, Ngày 06/7/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Nhựa Pha Lê do hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật, số tiền xử phạt là 60 triệu đồng.

Tiếp theo đó, theo Biên bản thanh tra thuế ngày 30/11/2023, Cục thuế thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với Nhựa Pha Lê do hành vi kê khai sai thuế. Theo đó, Nhựa Pha Lê bị xử phạt hành chính 214 triệu đồng và buộc nộp đủ hơn 1 tỷ đồng thuế TNDN còn thiếu cùng với 460 triệu đồng tiền chậm nộp.

Được biết, Công ty cổ phần sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê được thành lập năm 2008 với nhà máy sản xuất hạt nhựa tại Hải Phòng và nhà máy sản xuất khai thác đá ở Nghệ An. Hiện tại, Nhựa Pha Lê đang sở hữu 6 mỏ khoáng sản: 2 mỏ đá Granite tại Ninh Thuận; 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An, 1 mỏ đá ở Quảng Bình.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3/2024, Nhựa Pha Lê có giá đóng cửa 5.230 đồng/cp.

Tin mới lên