Những cổ phiếu một thời…: PVE - Niềm tin bị đánh mất

Kim Giang - 10/06/2020 09:47 (GMT+7)

Tổng Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế dầu khí (PVE) là một trong những tổng công ty đầu tiên của ngành dầu khí niêm yết trên sàn HNX. Tuy nhiên, thay vì hướng tới sự minh bạch trên TTCK, PVE liên tục sai phạm về công bố thông tin (CBTT) và kết thúc là quyết định hủy niêm yết bắt buộc sau hơn 12 năm góp mặt trên HNX.

VNF
Ảnh minh hoạ.

NĐT quay lưng

Ngày 4/6 vừa qua, 25 triệu CP PVE được niêm yết trở lại trên UPCoM với giá tham chiếu 2.600 đồng/CP. Lần trở lại này của PVE diễn ra lặng lẽ như trước khi hủy niêm yết trên HNX, do gần như không có bất kỳ lệnh mua nào xuất hiện trên bảng điện tử. Trong khi đó, bên nắm giữ cũng không muốn bán ra, bởi với mức giá quá thấp này nếu bán ra chấp nhận khoản thua lỗ khủng. Thậm chí, nỗi đau thua lỗ càng nhân lên nhiều lần trong bối cảnh TTCK tăng mạnh trở lại, nhưng PVE gần như bất động ở mức giá 2.600 đồng/CP.

Sự thất vọng của NĐT với PVE là điều dễ hiểu, bởi đây là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Tiền thân của PVE là Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí (PVICCC), được thành lập năm 1998 theo Quyết định 03/1998/QĐ/VPCP của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Đến năm 2004, Bộ Công nghiệp ra Quyết định 531/QĐ-TCCB chuyển PVE thành CTCP với tổng số vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi hoàn thành việc chuyển mô hình hoạt động dưới hình thức công ty mẹ - công ty con, PVE nhận chuyển nhượng tất cả đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, từ Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (PVX) và Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power). 

Nhờ đó, PVE có lợi thế nhất định trong việc tiếp cận các dự án trong ngành, cũng như việc được chỉ định thầu trong các dự án thiết kế trong ngành đặc biệt ở các dự án chuyên ngành sâu về dầu khí và dịch vụ dầu khí.

Những công trình trọng điểm của ngành dầu khí có sự tham gia tư vấn, thiết kế của PVE, có thể kể đến như đường ống Phú Mỹ - TPHCM, đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, Tổ hợp Khí - Điện đạm Cà Mau, đường ống khí ngoài khơi Rạng Đông - Bạch Hổ. Ngoài ra, PVE còn có cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các dự án của PVN. Đơn cử, dự án Nhà máy Lọc dầu và nhiên liệu sinh học Rapid (Malaysia).

Một thời lừng lẫy

Nhờ những dự án lớn kể trên, doanh thu của PVE đạt mức tăng trưởng mạnh, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế. Đơn cử, thời điểm năm 2008, dù ngành dầu khí chịu tác động nặng nề từ suy thoái kinh tế, nhưng PVE vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình trên 50%/năm.

Đáng chú ý, tình trạng tài chính của PVE cũng hết sức lành mạnh, khác với nhiều doanh nghiệp lạm dụng đòn bẩy tài chính để tăng trưởng, PVE có chiến lược khá thận trọng đối với vốn vay. Điều này giúp PVE giảm thiểu rủi ro với biến động lãi suất bất thường đang diễn ra, đồng thời giảm chi phí trả lãi và vốn vay.

Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, PVE tiếp tục vượt qua biến cố giá dầu, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) doanh thu và lợi nhuận sau thuế lên đến 24%. Đây là mức tăng trưởng cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Với đà tăng trưởng ổn định, PVE luôn duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức tương đối cao.

Việc PVE được “miễn nhiễm” trước các biến động của giá dầu do công việc của doanh nghiệp này không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu, mà theo tiến độ thực hiện các dự án lớn. Đặc thù của PVE là công tác dịch vụ khảo sát tư vấn thiết kế, nên khi dự án bắt đầu PVE sẽ có thêm nhiều công việc và không chịu tác động ngắn hạn bởi giá dầu. 

Đầu năm 2008, PVE chính thức niêm yết CP trên HNX, với giá chốt phiên chào sàn đạt 124.000 đồng/CP. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế năm 2008 kéo theo sự lao dốc của TTCK, khiến PVE bị vạ lây dù hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Phiên giao dịch ngày 21/8/2012, PVE lần đầu tiên rớt khỏi giá tham chiếu. Bù lại, mức giá đang giao dịch trên TTCK thấp hơn giá trị sổ sách, lại giúp PVE trở thành doanh nghiệp có tỷ suất chi trả cổ tức cao so với các doanh nghiệp trong ngành. Cũng chính vì yếu tố này, PVE là mã CP dầu khí được NĐT giá trị ưu tiên lựa chọn.

Liên tục vi phạm CBTT

Thế nhưng, sự tin tưởng của NĐT với tổng công ty đã hoàn toàn sụp đổ khi PVE bất ngờ bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 21/9/2018, do vi phạm quy định CBTT từ 4 lần trở lên trong 1 năm. Cụ thể, PVE đã không công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2018 và chưa công bố loạt báo cáo tài chính (BCTC), như BCTC soát xét bán niên 2018, BCTC quý IV-2017, BCTC kiểm toán năm 2017, BCTC quý I/2018, BCTC quý II/2018.

Chưa hết, PVE tiếp tục bị đưa vào diện kiểm soát (chỉ giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần) từ ngày 24/12/2018, do liên tục vi phạm các quy định về CBTT trên TTCK. Tình trạng vi phạm CBTT của PVE tiếp tục kéo dài sang năm 2019, đã khiến Thanh tra UBCKNN ra quyết định xử phạt 100 triệu đồng, và kết thúc bằng quyết định hủy niêm yết bắt buộc trên HNX kể từ ngày 28/5 vừa qua do vi phạm 3 năm liên tục.

Điều đáng nói, giải trình về tình trạng vi phạm CBTT trong thời gian dài, lãnh đạo PVE lại đổ lỗi do yếu tố khách quan và không đưa ra bất cứ giải pháp nào để khắc phục. Theo ông Lê Hữu Bốn, Chủ tịch HĐQT, trong các năm 2017-2019, PVE tiếp tục thi công, nghiệm thu và quyết toán dự án Rapid. Tuy nhiên, do các chuẩn mực kế toán của Việt Nam và Malaysia có nhiều điểm khác biệt, PVE phải thu thập, bổ sung nhiều thông tin theo yêu cầu của công ty kiểm toán, nên mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, vệc hợp nhất BCTC từ đơn vị thành viên tại Malaysia với niên độ báo cáo khác với Việt Nam; công tác kiểm tra soát xét BCTC tại Malaysia và các cơ quan liên quan (công ty kiểm toán, cơ quan thuế) thường kéo dài, nên PVE không kịp hoàn thành BCTC theo quy định. 

Không chỉ vi phạm CBTT, PVE còn là “vua hứa” trên TTCK, khi liên tục hứa hẹn việc chi trả cổ tức cho cổ đông. Trong lần thông báo mới nhất (lần thứ 6), PVE cam kết sẽ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2016 cho cổ đông vào ngày 25/12/2020.
Theo SGĐT
Cùng chuyên mục
Tin khác