Những dấu ấn kinh tế nổi bật của TP.HCM trong 2024
(VNF) - Kinh tế TP. HCM năm 2024 đã có những bước phục hồi và phát triển tích cực, tạo nền tảng tiến vào kỷ nguyên mới với nhiều thành quả đáng chú ý.
- TP. HCM: Đồng loạt thông xe 4 công trình giao thông cửa ngõ 30/12/2024 11:30
1. Lần đầu thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng
Năm 2024, theo ước tính, TP.HCM thu ngân sách 502.000 tỷ đồng ngân sách, tăng 12% so với năm 2023, đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách vượt con số nửa triệu tỷ đồng
Chuỗi số liệu những năm trước đó cho biết, năm 2021 thu ngân sách TP.HCM đạt 381.530 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán. Năm 2022 đạt 471.560 tỷ đồng, đạt 121,99% dự toán. Năm 2023, mức thu ngân sách có dấu trầm nhẹ, đạt 446.545 tỷ đồng, tương đương 95,07% dự toán và bằng 94,69% cùng kỳ.
Mức thu ngân sách năm 2024 đã chứng minh sự trở lại mạnh mẽ của thành phố đầu tàu kinh tế cả nước.
2. Đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP. CM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có dự thảo Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Đề án đưa ra mốc thời gian dự kiến thành lập trung tâm tài chính khu vực của Việt Nam vào năm 2035, trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2045, trong đó, TP. HCM sẽ là nơi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế toàn diện, tại khu vực quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trước đề án này, Bộ Chính trị đã đồng ý thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. HCM và Đà Nẵng, cùng với đó thành lập các cơ quan để quản lý trung tâm tài chính gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030: ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
3. Metro số 1 chính thức vận hành thương mại
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã vận hành thương mại từ ngày 22/12/2024.
Quá trình vận hành thương mại chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (6 tháng đầu) vận hành 200 chuyến/ngày với 9 đoàn tàu, hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ. Thời gian giãn cách 8 phút/chuyến cao điểm và 12 phút/chuyến thấp điểm.
Giai đoạn 2 dự kiến tăng lên 276 chuyến/ngày từ thứ hai đến thứ sáu và 226 chuyến/ngày vào cuối tuần, dịp lễ, Tết; thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ 30 phút.
Metro số 1 là tuyến đường sắt đầu tiên của TP. HCM, bắt đầu từ nhà ga trung tâm Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP. HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Toàn tuyến Metro số 1 có 3 ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát TP. HCM, Ba Son và 11 ga trên cao là Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TP. HCM, Bến xe Suối Tiên.
4. Bảng giá đất mới tạo ra nhiều tác động
Ngày 22/10, UBND TP. HCM đã công bố bảng giá đất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 sau gần 3 tháng tổ chức lấy ý kiến và trễ hơn 80 ngày so với kế hoạch trước đó. Bảng giá đất này sẽ được sử dụng đến hết năm 2025.
Ở bảng giá này, mức thấp nhất là 2,3 triệu đồng mỗi 2 thuộc khu dân cư Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ), cao nhất là 687,2 triệu đồng ở các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1).
Bảng giá đất mới điều chỉnh tăng ở hàng loạt khu vực đã tạo ra nhiều tác động đối với người sử dụng đất và toàn bộ thị trường. Có những vị trí tăng tới 50% gây ra nhiều lo lắng cho người dân.
Ngoài đất ở, TP. HCM cũng điều chỉnh bảng giá đất nông nghiệp, đất ở khu công nghệ cao. Thành phố ban hành bảng giá đất thương mại, dịch vụ với số tiền cụ thể thay vì tính dựa vào tỷ lệ phần trăm của đất ở như trước.
5. Hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm,
Ngày 30/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM đồng loạt thông xe 4 công trình giao thông trọng điểm, nằm tại các vị trí cửa ngõ ở Quận 7, Quận Bình Tân, Huyện Nhà Bè, Huyện Bình Chánh.
Đó là dự án xây dựng cầu Phước Long (nối Quận 7 - Huyện Nhà Bè); Hầm chui HC1 (nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ); đường song hành Quốc lộ 50, đoạn từ đường Trịnh Quang Nghị đến Ngã 3 đường song hành và Quốc lộ 50 (Huyện Bình Chánh); và công trình nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (Quận Bình Tân) hoàn thành 100% khối lượng, chính thức thông xe phục vụ người dân thành phố.
Trong thời gian đến trước Tết Nguyên Đán 2025. TP. HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện nhiều gói thầu và dự án giao thông. Cụ thể là dự án cầu Tăng Long; đường Dương Quảng Hàm (Giai đoạn 1); đường Hoàng Hoa Thám; đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (Giai đoạn 1); cầu Tân Kỳ Tân Quý; cầu Bà Hom; cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố 2 của nút giao An Phú; đường Lương Định Của (đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao Trần Não)…
Ngoài ra, TP. HCM đề nghị chủ đầu tư tiếp tục đảm bảo tiến độ các dự án đang triển khai gồm Nút giao An Phú (2 hạng mục liên quan cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố), đường Lương Định Của; Phía Tây có đường Dương Quảng Hàm, mở rộng Hoàng Hoa Thám, đường nối Trần Quốc Hoàn- Cộng Hoà, rạch Hàng Bàng (quận 5)…
6. Tín dụng bất động sản đạt vượt 1 triệu tỷ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP. HCM đến hết tháng 10/2024 tăng 8,5% so với cuối năm 2023, đạt hơn 1,04 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho thấy, tín dụng tại TP. HCM chủ yếu là tín dụng trung dài hạn (chiếm khoảng 96%).
Trong đó, tín dụng cho vay với mục đích để sử dụng, tiêu dùng (mua nhà để ở, mua thuê mua, chuyển quyền sử dụng đất và xây nhà để ở, vay để sửa chữa nhà ở….) chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 70% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và là sản phẩm cho vay chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
7. Tăng trưởng GRDP năm 2024 không đạt kế hoạch đề ra
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của TP. HCM ước đạt 7,17% so với năm 2023, chỉ gần đạt kế hoạch đề ra là tăng từ 7,5% - 8%.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM Dương Ngọc Hải, trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 18 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024, có 17 chỉ tiêu dự kiến đạt, vượt; 1 chỉ tiêu chưa công bố, phấn đấu đạt; 3 chỉ tiêu dự kiến không đạt là mức tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2025, UBND TP. HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD.
8. Thiếu hụt nguồn cung, nhưng tồn kho BĐS lớn
Báo cáo của UBND TP.HCM cho biết, trong 11 tháng của năm nay, TP. HCM chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, trong đó chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội. Đáng chú ý, không có dự án nào được giao đất, cho thuê đất, và chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng.
Số lượng dự án và căn hộ thương mại đang triển khai và đủ điều kiện huy động vốn trong 11 tháng qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm, kể từ năm 2020. Hoạt động chuyển nhượng dự án cũng bị ách tắc do nhiều quy định khác nhau, đặc biệt là quy định chuyển nhượng yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc một phần dự án.
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) dẫn số liệu từ Sở Xây dựng thành phố, cho biết trong giai đoạn 2015 - 2023, thành phố có 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công (dự án tồn kho). Trong cùng thời gian này, thị trường chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện, với quy mô hơn 41.600 căn. Với các dự án tồn kho, có 30 dự án đã ngưng thi công và 56 dự án chưa thi công.
TP. HCM: Tín dụng bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng
- Lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính của TP. HCM đến giữa năm 2025 03/12/2024 12:30
- Điểm tên 8 dự án bất động sản tại TP. HCM được gỡ vướng pháp lý 04/11/2024 04:45
- Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh 04/11/2024 10:19
Toàn cảnh Vinhomes Royal Island qua những khung hình từ trên cao
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.