Những dự án 'tai tiếng' của Tập đoàn Hà Đô và đại gia Nguyễn Trọng Thông

Đức Thọ - 09/09/2021 10:22 (GMT+7)

(VNF) - Trong vài năm trở lại đây, Tập đoàn Hà Đô của đại gia Nguyễn Trọng Thông được được giới tài chính quan tâm khi nắm giữ nhiều dự án bất động sản (BĐS), thủy điện, điện gió lớn trên cả nước. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, nhiều dự án của tập đoàn này mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng.

VNF

Bảo tồn di tích Bảo Đại hay làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, một trong những dự án đang bị phản ứng trái chiều của Tập đoàn Hà Đô là Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, tại Nha Trang, Khánh Hoà.

Cụ thể, trong tờ trình đại hội cổ đông thường niên năm 2021, HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô cho biết sẽ khởi công dự án Bảo Đại vào quý III/2021, sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án. 

Đáng nói là dự án đã được triển khai 10 năm nay, qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn chưa đủ về mặt pháp lý, công trình di tích cần bảo tồn thì đang bị hư hại nghiêm trọng.

Tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại Nha Trang cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6 ha đất, gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Sau đó, Công ty CP đầu tư Khánh Hà nhanh chóng cho máy móc “cạo trọc” cả ngọn núi Cảnh Long để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... Trong khi đó, 5 ngôi biệt thự tại khu di tích lầu Bảo Đại thì bị xuống cấp lại không được trùng thu, sửa chữa. Thậm chí, một trong số các ngôi biệt thự này đã hư hỏng rất nặng như: Gạch nền bong tróc, nhiều nơi bị thấm dột, tường bị khoan lỗ chi chít, tệ thống cửa thì mục nát, nhiều cánh bị bung hẳn ra, ở chỗ khác thì được gia cố bằng cách lấy thanh gỗ đóng đinh ép lại.

Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, thời điểm năm 2016, khi kiểm tra phát hiện chủ đầu tư thực hiện nhiều hạng mục sai giấy phép, vài công trình chưa được cấp phép, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư dừng thi công.

Năm 2017, khi dư luận lên tiếng về việc di tích lầu Bảo Đại bị doanh nghiệp "phá nát", UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện.

Đến tháng 5/2018, Sở Xây dựng Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm sai phạm nhưng chủ đầu tư không chấp hành mà vẫn cho máy móc đào bới, đổ trụ móng trong khuôn viên di tích lầu Bảo Đại.

Theo biên bản vi phạm hành chính (lần 2, tháng 5/2018) của Sở Xây dựng Khánh Hòa, chủ đầu tư Công ty Hà Đô và đơn vị thi công Công ty CP Hà Đô 1 (đều thuộc Tập đoàn Hà Đô) cho máy móc đào bới di tích danh thắng lầu Bảo Đại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.

Cụ thể, doanh nghiệp đã tự tiện đổ bê tông làm hàng loạt trụ móng để xây thêm 2 công trình khách sạn khi chưa có giấy phép, với tổng diện tích gần 800 m2. Với lỗi trên, chủ đầu tư bị phạt 40 triệu đồng.

Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được đưa vào danh mục kiểm kê di tích và UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.

Văn bản của Bộ Văn Hóa, Thể thao và du lịch yêu cầu hạn chế tối đa việc san gạt địa hình

Tuy nhiên, theo Sở VHTT Khánh Hòa, việc lập hồ sơ di tích lầu Bảo Đại không dễ vì nơi này đã giao cho doanh nghiệp làm dự án nhiều năm nay. Ngoài ra, 5 ngôi biệt thự cổ đã bị sửa chữa, cải tạo làm mất đi yếu tố gốc, hiện vật bị thất lạc.

Đến tháng 11/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Theo đó, ngoài 5 biệt thự hiện hữu sẽ được tôn tạo, chủ đầu tư được phép xây 35 căn biệt thự mới (giảm một căn so với quy hoạch cũ) với chiều cao tối đa 5 tầng và mật độ xây dựng gộp tại dự án gần 1,3 ha chiếm 14,5%. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, bảo tồn 5 biệt thự hiện từ thời vua Bảo Đại phải tuân thủ quy định hiện hành.

Đáng chú ý, hơn 8.200 m2 đất ở diện "không hình thành đơn vị ở" tại dự án đã được chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ để xây 20 căn biệt thự.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà đã có văn bản cam kết sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lí vào quý III/2021, hoàn thành thi công xây dựng và đưa khu nghỉ dưỡng vào khai thác trong quý II/2023.

Những dự án tai tiếng của Tập đoàn Hà Đô

Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã có báo cáo trong đó đưa 2 dự án của Tập đoàn Hà Đô vào danh sách các dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở để bán tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (được giao đất, cho thuê đất theo Quyết định số 7625/QĐ-UBND ngày 9/11/2004) với diện tích 8.653m2. Với dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhiều lần có kết luận thanh tra chỉ ra vi phạm, HĐND TP Hà Nội kiến nghị UBND TP yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng nhà ở thấp tầng.

Ảnh ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô

Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô còn dự án Khu đô thị mới An Khánh - An Thượng (Khu Nam An Khánh mở rộng Khu I-A, hiện nay là dự án Hado Charm Villas) tại huyện Hoài Đức (được giao đất, cho thuê đất theo Quyết định 2431/QĐ-UBND ngày 14/12/2007). Hiện tại, dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai xây dựng các ô quy hoạch liền kề và biệt thự.

Theo đề nghị của HĐND TP Hà Nội, UBND TP cần yêu cầu Tập đoàn Hà Đô hoàn thiện hồ sơ để được xem xét, thẩm định trình UBND TP xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Còn tại Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa vào cuộc kiểm tra công trình nhà ở cao tầng C1-CT thuộc dự án này và phát hiện phần hầm xây dựng không phép với diện tích 6.177m2. Hiện tại, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng mọi hoạt động thi công tại công trình này.

Nợ phải trả gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã CK: HDG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 và 6 tháng đầu năm sau soát xét.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu 1.836 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 480,8 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân giảm lãi là do giảm doanh thu mảng bất động sản và xây lắp.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Tập đoàn Hà Đô ở mức 14.889 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty ở mức 5.937 tỷ đồng, tập trung tại các dự án Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (180,2 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh 4 (1.037 tỷ đồng), Điện gió 7A (1.070 tỷ đồng), Thủy điện Đăk Mi 2 (2.816 tỷ đồng)...

Cùng thời điểm, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hà Đô ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng khoảng 700 tỷ đồng so với đầu năm; vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 4.289 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã gấp 2,5 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu, cho thấy áp lực trả nợ không nhỏ mà Hà Đô đang phải gánh.

Ông chủ Tập đoàn Hà Đô là ai?

Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô nhiệm kỳ 2019 – 2024 là ông Nguyễn Trọng Thông. Cùng lúc, ông Nguyễn Trọng Thông cũng làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hà Đô 1; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hà Đô 2; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hà Đô 3; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hà Đô 4.

Tính đến ngày 5/5/2021, Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông là người giàu thứ 67 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hơn 1.743 tỷ đồng do đang sở hữu 41,59 triệu cổ phiếu HDG. Ông Thông hiện là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hà Đô.

Ông Nguyễn Trọng Thông cũng là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc - chủ đầu tư Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Hà Nội).

Cùng chuyên mục
Tin khác