Những lời khuyên từ ông trùm truyền thông Michael Bloomberg, ứng viên tranh cử chức Tổng thống Mỹ

An Yên (TH) - 16/11/2019 22:08 (GMT+7)

(VNF) - Ứng viên Tổng thống Mỹ Michael Bloomberg hiện là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO của Bloomberg L.P. - công ty truyền thông chuyên cung cấp tin tức, dữ liệu và dịch vụ tài chính toàn cầu có trụ sở tại New York.

VNF
Tỷ phú Michael Bloomberg - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO của Bloomberg L.P.

Theo Forbes, tài sản của vị tỷ phú 76 tuổi này vào khoảng 52,4 tỷ USD, giúp ông giữ vị trí người giàu thứ 8 ở Mỹ và người giàu thứ 11 thế giới. Ngoài ra, Bloomberg còn tham gia quỹ từ thiện The Giving Pledge - nơi những người có tên sẽ cho đi một nửa số tài sản của mình. Đặc biệt, ông là thị trưởng thứ 108 của thành phố New York và giữ chức vụ trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (2002-2013).

Mới đây, ông đã đăng ký tư cách ứng viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang Alabama với sự ủng hộ từ tỷ phú Leon Cooperman và bà Elizabeth Warren, ứng viên hàng đầu đảng Dân chủ

Xuất thân trong một gia đình bình thường có cha làm kế toán cho một công ty sữa, suốt thời đại học, Bloomberg phải làm nhân viên trông xe để có đủ tiền đóng học phí. Sau khi có bằng kỹ sư điện của trường Johns Hopkins và bằng MBA tại Harvard, ông bắt đầu làm việc tại Salomon Brothers New York vào năm 1966 ở bộ phận két sắt, với mức lương khởi điểm 9.000 USD/năm. Sau nhiều cố gắng, 6 năm sau, Bloomberg trở thành nhân viên giao dịch trái phiếu và đồng thời là cổ đông tại công ty. Khi đó, mỗi tuần, ông phải làm việc liên tục 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày/tuần. 

Đến cuối thập niên 70, Bloomberg may mắn được cất nhắc làm trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu, song đến năm 1979, John Gutfreund - CEO của Salomon Brothers khi đó - đã đề nghị ông rời vị trí để chuyển sang mảng hệ thống máy tính mới thành lập. Đây thực chất là một sự giáng chức, nhưng cho đến sau này, Bloomberg không hề hối tiếc về việc đó.

Ba năm sau, Salomon Brothers tuyên bố sẽ sáp nhập với Phibro Corporation, đồng nghĩa với việc Bloomberg sẽ có cơ hội giàu lên khi là một cổ đông của nơi này. Tuy nhiên, giữa lúc sự nghiệp tưởng chừng sẽ tiến thêm một bước, ông bị buộc phải thôi việc với khoản trợ cấp 10 triệu USD. Và đây là bước ngoặt trong cuộc đời Bloomberg - ông thành lập công ty của riêng mình.

Có thể nói, thành công của một tỷ phú giàu thứ 11 thế giới ngày nay, là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, mồ hôi cũng như nước mắt. Và, dưới đây là 5 lời khuyên thành công kinh điển trong kinh doanh, đúc kết từ những năm tháng lăn lộn trên thương trường từ ông trùm truyền thông Michael Bloomberg.

Hãy tạo ra sản phẩm, kiếm tiền từ nó và bảo vệ nó

Chia sẻ về bí quyết xây dựng Bloomberg L.P., vị tỷ phú đã nói: “Trong kinh doanh, bạn phải làm được 3 điều này. Thứ nhất, bạn phải tạo ra được sản phẩm mà người ta cần. Thứ hai, bạn phải tìm ra cách kiếm tiền từ sản phẩm đó. Thứ ba, bạn phải nghĩ ra cách bảo vệ nó. Chỉ vậy thôi".

Đừng nghe khách hàng nói họ muốn gì

Chia sẻ sâu hơn về cách làm thế nào để tạo sản phẩm mà khách hàng cần, tỷ phú Bloomberg đưa ra lời khuyên đầy bất ngờ: "Có 2 nhóm người mà các bạn không nên tiếp thu ý kiến trong quá trình tạo ra sản phẩm. Thứ nhất là khách hàng, và thứ hai là nhân viên bán hàng. Ý tôi ở đây không phải là bảo bạn hoàn toàn phớt lờ các khách hàng của mình. Hãy lắng nghe họ, song đừng tiếp thu ý kiến".

Ông giải thích: "Bởi vì, cả khách hàng lẫn nhân viên bán hàng của bạn chỉ để tâm tới những sản phẩm họ thấy trong thời điểm hiện tại mà thôi. Họ chẳng thể nào biết được điều gì có thể xảy đến trong tương lai cả. Do đó, thay vì hỏi khách hàng đang muốn gì và chấp nhận xuôi theo sự dẫn dắt của họ, hãy mạnh dạn tìm ra nơi mà họ muốn đi để dẫn họ tới đó”.

Tỷ phú Michael Bloomberg tại một sự kiện của Bloomberg Philanthrophies

Hãy biết hoan nghênh thất bại

Về cách đương đầu với thất bại, ông trùm truyền thông chia sẻ như sau: “Khi ai đó làm hỏng việc, tôi sẽ cùng đi bộ với họ. Hành động này giúp họ hiểu rằng, dẫu có thất bại, họ cũng sẽ không bị người khác xa lánh. Tất cả mọi người ai cũng từng như vậy mà thôi. Tôi muốn mọi người đoàn kết với nhau bất cứ khi nào một trong số chúng tôi gặp thất bại. Tôi muốn mọi người nói rằng, ‘tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong chuyện này’ - hơn là đứng chỉ tay và phán xét. Có thể không phải lúc nào bạn cũng làm đúng, nhưng thà là cố gắng và thất bại còn hơn là không chịu cố gắng”.

Chính phương châm này đã giúp vị tỷ phú thành công xây dựng một Bloomberg L.P. với văn hoá doanh nghiệp biết chấp nhận rủi ro và hoan nghênh thất bại. Để làm được điều đó, ông chia sẻ rằng, đầu tiên, bản thân phải thể hiện được sự ủng hộ đối với những cá nhân dám mạo hiểm tiến hành các công việc quan trọng, song không thành công. Hành động này sẽ giúp “bật đèn xanh” cho tổ chức, đồng thời khiến họ hiểu rằng, thất bại là chuyện hết sức bình thường và dẫu có đi nữa cũng không sao.

Hãy thuê người giỏi hơn bạn

Có thể nói, “tuyển dụng người giỏi hơn mình” là lời khuyên được rất nhiều nhà lãnh đạo thành công tán thành. Và, Michael Bloomberg cũng không là ngoại lệ. Ông nói: “Tôi muốn nhân viên của mình phải thông minh và có sự tò mò. Có thể, họ sẽ không thông minh hơn bạn trong tất cả mọi thứ, song ít nhất, họ phải giỏi hơn bạn trong một lĩnh vực. Đó là cách để bạn nâng cao năng lực của cả nhóm”.

“Khi tuyển dụng, hãy xem họ tư duy như thế nào. Trong các buổi phỏng vấn, lúc nào tôi cũng đề cập đến những chủ đề không liên quan mà tôi được biết một chút. Việc người ứng viên có biết cách nhập cuộc, biết cách tư duy và bảo vệ quan điểm của mình hay không, thực sự không quan trọng. Mấu chốt của vấn đề là họ đi tới đó như thế nào”.

Bên cạnh đó, vị tỷ phú cũng đưa ra một số câu hỏi để giúp tuyển dụng những người thông minh nói chung. Ông khuyên nhà tuyển dụng hãy tập trung vào cách ứng viên suy nghĩ và xem họ làm thế nào để phân tích, giải quyết các vấn đề cũng như tổng hợp quan điểm. Khi trình bày, luận điểm của họ có tính logic và nhất quán hay không. Họ có nhiệt tình trong việc tranh luận tích cực và nêu ý kiến của mình không. Họ có thể tự suy nghĩ và thích nghi với các thông tin hay góc nhìn mới được không.

Đừng bao giờ cho những kẻ hay gièm pha điều họ muốn

Trong kinh doanh, việc đối mặt với những lời phàn nàn hay chỉ trích tiêu cực đến từ truyền thông hay đối thủ là không thể tránh khỏi. Để ứng phó với tình huống này, CEO của Bloomberg L.P. đã chia sẻ như sau: “Làm thế nào để bạn đối phó với những lời nhận xét hoặc câu hỏi tiêu cực từ báo giới? Đó là, đừng bao giờ cho họ thứ họ muốn. Nếu như họ cố gắng nhử bạn bằng một câu hỏi rất khó chịu, chỉ cần nói ‘Tôi chưa nghe người ta nói về điều này’, rồi tiếp tục”.

Vậy, khi đối thủ nói xấu bạn với truyền thông, với chuyên gia phân tích hay trực tiếp với bạn thì sao? Bloomberg nói: “Đối thủ của bạn muốn bạn suy sụp và chán nản. Đó là lý do họ nói những điều đó. Xét cho cùng, nếu như có ai đó xộc đến và tát thẳng vào mặt bạn, thì điều duy nhất mà bạn không được phép làm là để cho họ thấy bạn bị đau. Bởi vì khi đó, họ đã thắng bạn tới 2 lần”.

Cùng chuyên mục
Tin khác