Dịch nCoV có thể khiến một số ngành hưởng lợi, dù ngắn hạn, như vật tư y tế, thương mại điện tử, giải trí trực tuyến.
20/1, khi Trung Quốc công bố mối đe dọa của dịch virus 2019-nCov gây ra, nhà đầu tư đã đổ dồn mối quan tâm tới các công ty sản xuất thiết bị y tế.
Cổ phiếu của nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới TOPG, nơi sản xuất hơn 70 tỷ đôi găng tay phẫu thuật cao su mỗi năm, tăng 13% chỉ trong hai ngày sau đó và tăng 25% trong một tuần. Giá cổ phiếu của hãng sản xuất vật tư y tế Zhende Medical niêm yết ở Thượng Hải, đã tăng gấp đôi từ ngày 20/1 đến nay. Cổ phiếu của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trực tuyến Ping An Good Doctor, cũng tăng 18% trong hai ngày sau khi công bố dịch.
Cổ phiếu của hãng sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới tăng vọt từ sau khi Trung Quốc công bố dịch vào ngày 20/1. Ảnh: Bloomberg.
Tại Việt Nam, cổ phiếu của một số công ty ngành dược phẩm cũng được hưởng lợi nhờ tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Chỉ trong ba phiên giao dịch đầu năm, cổ phiếu của các hãng dược như DHT tăng 22,5%, AMV tăng 17%, DHG tăng hơn 16,5%...
Tuy nhiên, VnDirect cho rằng, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế mới là doanh nghiệp chính được hưởng lợi. Đa phần doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng, vì vậy họ sẽ không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán VnDirect, những ngành mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu có thể ghi nhận đơn hàng gia tăng trong ngắn hạn do sự chuyển dịch tạm thời từ Trung Quốc sang Việt Nam như dệt may và da giày.
Tuy nhiên, hai ngành này phụ thuộc nhiều nguồn nguyên vật liệu Trung Quốc, nên hoạt động sản xuất doanh nghiệp có thể bị gián đoạn do thiếu nguồn cung nguyên liệu. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước cung cấp nguyên vật liệu cho ngành dệt may, thép, săm lốp có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các nhà cung cấp Trung Quốc đang lao đao. Vì vậy, VnDirect nhận định, dịch nCoV có tác động trung tính và khó lượng hoá đến ngành dệt may và da giày. Còn mức ảnh hưởng của dịch viêm phổi tới các ngành như thép, săm lốp là nhỏ.
Bên cạnh ngành dược, bộ phận phân tích của SSI nhận định trong quý I, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ được hưởng lợi từ giá dầu thô sụt giảm. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ dầu thô từ Trung Quốc có thể sẽ giảm cũng như giá khí thấp hơn (cơ chế giá mua khí NT2 là 46% giá dầu FO trung bình tháng tại thị trường Singapore).
Còn theo Công ty chứng khoán KB, nhóm ngành ngân hàng và xây dựng hạ tầng kỳ vọng được hưởng lợi trong thời gian tới nếu nhà điều hành nới tăng trưởng tín dụng khi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% gặp khó khăn. ANZ dự đoán, GDP của Việt Nam trong quý I có thể bị mất 0,8% do ảnh hưởng từ dịch nCov; vì vậy, KB nhận định, nhiều khả năng nhà điều hành có thể nới tăng trưởng tín dụng nếu mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt được.
Ngoài ra, khi nhiều người dành nhiều thời gian ở nhà để tránh dịch bệnh lây lan, họ có xu hướng chuyển sang các hoạt động giải trí trực tuyến như trò chơi điện tử, livestream và các mạng xã hội, theo Tạp chí The Barron's. Vào những ngày hoạt động giao thương ở Trung Quốc tê liệt, một người dân ở Thượng Hải cho biết anh dành hơn 10 giờ mỗi ngày để xem điện thoại. Nhà phân tích Jialong Shi của tổ chức tài chính Nomura nhận định, hãng phát hành game online có thể là hưởng lợi lớn nhất nhờ xu hướng này. Kể từ tháng 1, hầu hết tựa game nổi tiếng của Trung Quốc đều ghi nhận việc người chơi dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho các hoạt động trong game. Số người chơi game gia tăng đột biến làm cho máy chủ của Game for Peace thuộc nhà phát hành Tencent Games tại Trung Quốc bị quá tải liên tục. Plague Inc, tựa game 8 tuổi đã trở thành ứng dụng trả phí hàng đầu trên iOS tại Trung Quốc vì mô tả loại virus chết người lây lan trên toàn thế giới.
Khác với các trò chơi trực tuyến, các công ty thuộc các phân khúc giải trí trực tuyến khác tại Trung Quốc như các mạng xã hội và các nền tảng video sẽ khó thu lợi nhuận trực tiếp từ xu hướng này. Mặc dù họ cũng ghi nhận nhiều người dùng sử dụng hơn, song trước hiện trạng dịch bệnh, nhiều nhà quảng cáo hiện đã quyết định trì hoãn các chiến dịch marketing, dẫn đến doanh thu từ quảng cáo của các nền tảng này cũng bị ít đi.
Đối với thương mại điện tử, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hầu hết mặt hàng không thiết yếu hiện đã giảm đáng kể, trong khi các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn bán chạy. Danh mục hàng thiết yếu vốn trước đây cũng ít được người tiêu dùng Trung Quốc mua trực tuyến. Do vậy, dịch bệnh hiện là cơ hội để thương mại điện tử thu hút thêm các khách hàng mới mua sắm hàng thiết yếu mà không cần tiếp thị và giảm giá.
Tuy nhiên, việc các công ty và trường học nghỉ kéo dài lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành giao đồ ăn và cả thương mại điện tử do nhu cầu đặt hàng giảm cộng với việc nhiều nhà hàng hiện đã đóng cửa và ngưng quảng cáo trực tuyến.
Trái lại, việc hạn chế các hoạt động tập trung đông người và công nhân viên không thể đến sở làm lại là cơ hội cho các công ty công nghệ điện toán đám mây. Đây là điềm lành cho tham vọng của các nhà cung cấp điện toán đám mây tại Trung Quốc như AliCloud của Alibaba và Tencent Cloud.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone