Nới room nhỏ giọt, khó dứt cơn ‘khát’ vốn

Linh Anh - 15/09/2022 09:09 (GMT+7)

(VNF) - Nới room tín dụng được trông đợi là nguồn vốn kịp thời để tiếp sức cho doanh nghiệp vào vụ sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, với khối lượng tăng thêm ‘nhỏ giọt’ sẽ khó đáp ứng kỳ vọng của nền kinh tế.

VNF
Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng một thận trọng để kiềm chế lạm phát.

Thêm 500 nghìn tỷ đồng cho vay

Trong đợt tăng hạn mức (room) tín dụng lần này có khoảng 15 ngân hàng được nới hạn mức từ 1 - 4% so với mức cũ.Mức tăng thêm cho từng ngân hàng được lựa chọn trên những tiêu chí cụ thể. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, room tín dụng được cấp phổ biến quanh mức 3 - 4%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, hạn mức tín dụng được cấp ít hơn nhưng do quy mô tín dụng lớn hơn nên tổng lượng vốn thực tế được tăng lên sẽ lớn hơn.

Cụ thể, hạn mức được cấp thêm của các ngân hàng đợt này như sau: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; HDBank 3,4%; MB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; ACB 3%; Vietcombank 2,7%; Techcombank 2,7%; TPBank 1,2%.

Tính đến cuối tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Với chỉ tiêu điều hành cả năm ở mức 14%, ước tính sẽ có thêm khoảng 500.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Đây chính là dư địa để các ngân hàng đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với nguồn vốn vay.

Theo hạn mức tín dụng được cấp đợt này, Agribank còn dư địa cho vay khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường trong 4 tháng cuối năm. Trong khi Vietcombank còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, Sacombank có hơn 15.000 tỷ đồng để cho vay, ACB cũng có thêm khoảng 11.000 tỷ đồng để cho vay.

Theo báo cáo của SSI Research, việc tăng hạn mức tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn vì thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân do hết room. “Cơn khát” vốn đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp còn lâm vào cảnh phá sản. Việc điều chỉnh room tín dụng của NHNN có thể coi như một “liều thuốc” cần thiết để phục hồi nền kinh tế.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, bình luận: Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm; đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.

Không chỉ "tiếp sức" cho các doanh nghiệp, quyết định nới room tín dụng còn giúp cởi trói cho các ngân hàng trong việc cho vay vốn. Thời gian qua, cạn room tín dụng là “nỗi đau đầu” của rất nhiều ngân hàng.

Đại diện một ngân hàng cho hay, lãi cho vay hiện vẫn là nguồn thu chính của các ngân hàng. Vì thế, quyết định nới room không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, qua đó hạn chế được tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, giúp dòng chảy kinh tế sớm sôi động trở lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, với hạn mức tín dụng vừa được cấp, ngành ngân hàng không những đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế mà vẫn đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận năm nay ở mức hơn 20%.

Cơn ‘khát’ vốn chưa dứt

Theo các chuyên gia tài chính, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm của các nhà băng rất hạn chế, bởi room được tín dụng được nới thêm không nhiều và phần lớn do các ngân hàng đã sử dụng hết số được cấp ngay từ 6 tháng đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới.

Còn cán bộ của một số ngân hàng chia sẻ, hạn mức tín dụng khó đáp ứng được nhu cầu vay vốn rất lớn của doanh nghiệp hiện nay, bởi số lượng hồ sơ đang "xếp hàng" chờ còn rất dài.

Vì vậy, các nhà băng không thể mạnh tay trong việc cho vay mà phải giải ngân cho khách hàng theo hướng nhỏ giọt. Một số ngân hàng có thêm hạn mức nhưng cũng chỉ đủ cho vay với những hồ sơ đã được duyệt, còn vay mới không đáp ứng được nhiều. Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết họ sẽ cố gắng “xoay xở” trong dư địa tín dụng còn lại để giải ngân cho các khoản vay tiếp theo.

Theo đại diện của của Vietcombank, hiện nhà băng này đã bắt đầu giải ngân cho các khách hàng đã được chấp thuận vay vốn. Nhưng ngân hàng chỉ giải ngân được khoảng 30-50% số tiền khách cần vay nhu cầu vay vốn cao gấp 2-3 lần so với số tiền được phép cho vay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nâng tín dụng lên mức 15-16% thay vì 14% là phù hợp để đáp ứng các nhu cầu vay vốn cuối năm rất lớn.

Trong khi đó, theo đại diện một số doanh nghiệp, quyết định mở room tín dụng cho các ngân hàng để dòng chảy tín dụng vào hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, nhưng cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả cao nhất.

NHNN cũng luôn cảnh báo việc các ngân hàng thương mại rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao, những lĩnh vực đầu cơ. Mục tiêu của NHNN là hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Thực hiện chủ trương này, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Việc cho vay với lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Đại diện VIB tiết lộ sẽ tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe. Lãnh đạo MB cho biết vốn sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Còn Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Cùng chuyên mục
Tin khác