Nóng cuộc đua mở chuỗi cửa hàng cà phê

Vũ Anh - 31/12/2023 16:50 (GMT+7)

Thị trường chuỗi cửa hàng cà phê Việt Nam liên tiếp “đánh sóng” người tiêu dùng, khi các tên tuổi cũ tới tân binh ngoại công bố chiến lược mở mới điểm bán.

VNF
Nóng cuộc đua mở chuỗi cửa hàng cà phê

Động thái chở củi về rừng?

Đầu tiên là chuỗi cà phê top 4 thế giới Cotti Coffee (Trung Quốc) bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, khi đưa 3 cửa hàng vào hoạt động tại TP. HCM. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy, chuỗi này rất chú trọng chất lượng, với giá cả cạnh tranh. Trong vòng 15 ngày sau khai trương, các cửa hàng sẽ áp dụng đồng giá 29.000 đồng cho mọi loại thức uống, riêng cà phê sữa là 19.000 đồng. Sau thời gian đầu, đại diện thương hiệu khẳng định vẫn duy trì mức giá cạnh tranh.

Động thái của thương hiệu này được giới chuyên gia cho là hành động “chở củi về rừng”, bởi Việt Nam có hơn 338.000 tiệm cà phê lớn nhỏ. Tồn tại và phát triển tại TP.HCM và Việt Nam - nơi được xem là “chiến trường” cạnh tranh khốc liệt nhất giữa các chuỗi cà phê nội địa và nước ngoài, không phải điều dễ.

Trong khi đó, chuỗi K Coffee của Phúc Sinh Consumer cũng gây chú ý khi tiết lộ sẽ tăng từ 10 cửa hàng lên 100 cửa hàng và mở rộng ra khu vực Hà Nội, Hải Phòng…

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, thị trường chuỗi cà phê Việt Nam vẫn còn dư địa. Dẫu vậy, nếu các chuỗi chỉ nhằm vào việc sáng tạo sản phẩm mà không có sự kết nối với trồng trọt thì sẽ đi ngược với xu hướng thị trường. Phúc Sinh đã bắt tay giải quyết triệt để bài toán cà phê Việt Nam từ gốc đến ngọn bằng việc hợp tác với các nông hộ ở vùng trồng bền vững, xây dựng nhà máy chế biến sâu, liên tục cập nhật công nghệ chế biến cà phê chuẩn quốc tế để cho ra những thành phẩm nguyên chất, sạch và thơm ngon.

Để đưa sản phẩm thuộc chuỗi K Coffee ra nước ngoài, đầu tháng 10, Phúc Sinh Consumer ký hợp tác phân phối tại thị trường Mỹ, châu Âu, Úc - New Zealand và Nhật Bản thông qua đối tác LNS International Corporation.

Gây dấu ấn bằng flagship store

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, thị trường cà phê tại Việt Nam có doanh số 5,9 tỷ USD vào năm 2022 và được dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 5,99% trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đến năm 2025, dự kiến tỷ lệ tiêu thụ cà phê tại nhà chiếm tỷ trọng lớn về khối lượng, nhưng tỷ trọng nhỏ trong doanh thu. Ngược lại, cà phê bán tại các cửa hiệu và hàng quán chỉ chiếm 21% khối lượng tiêu thụ, nhưng chiếm đến 78% chi tiêu.

Sự cạnh tranh trên thị trường cà phê Việt Nam được đánh giá là khốc liệt, với cả chuỗi nội địa và nước ngoài. Do đó, các chuỗi cà phê phải tạo dấu ấn riêng mình bằng kế hoạch xây dựng một cửa hàng tầm cỡ với định dạng Flagship Store cùng thiết kế mới tinh tế, sang trọng và năng động hơn.

Điển hình, Highlands Coffee đang tạo sự bùng nổ với flagship store tại các chuỗi đô thị của Vinhomes, như Mega Grand World Hà Nội, nhằm thu hút được nhiều khách hàng trẻ. Đây là một trong những tệp khách hàng lớn sẽ đến với Mega Grand World Hà Nội khi tổ hợp này mở cửa.

Thực tế, từ đầu năm 2023, cuộc đua cửa hàng cà phê sang, xịn trở lại khi hàng loạt tên tuổi như Signature by The Coffee House, hay Phúc Long Premium đều là những cửa hàng flagship được đầu tư về đồ uống, không gian, nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp hơn. Hiện Phúc Long và The Coffee House đều nhắm đến nhóm khách hàng “chịu chi” khi cho ra mắt cửa hàng flagship với nhiều trải nghiệm mới, đi kèm mức giá cao hơn hẳn cửa hàng thông thường.

Theo ông Hoàng Tùng, chuyên gia ngành F&B, cửa hàng flagship thường được xây với quy mô hoành tráng, trải nghiệm cao cấp hơn các cửa hàng thông thường của một thương hiệu. Bởi chức năng đặc biệt nên doanh nghiệp chuỗi F&B luôn muốn duy trì mô hình cửa hàng flagship.

Ngoài ra, mô hình này sẽ vẫn có những chỉ số về P&L (lợi nhuận và thua lỗ) như các cửa hàng thông thường. Tuy nhiên, chúng mang nhiều ý nghĩa về mặt thử nghiệm các concept mới, ý tưởng mới, trải nghiệm mới, sản phẩm mới, cũng như mở rộng ra các tệp khách hàng mới nhiều hơn.

Xem thêm: Kỷ nguyên cà phê giá rẻ sắp kết thúc?

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác