Cafe CEO: Chuyên gia chỉ ra 7 sai lầm khi lập kế hoạch kinh doanh

Linh Đan - 26/11/2023 13:24 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 26/11, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đã phối hợp với Câu lạc bộ Doanh Nhân Và Khởi Nghiệp Việt Nam (VSBC) tổ chức buổi Cafe CEO với chủ đề “Lập kế hoạch kinh doanh 2024 từ A-Z: Chìa khóa thành công cho mọi doanh nghiệp”.

VNF
VFCA phối hợp với VSBC tổ chức buổi Cafe CEO với chủ đề “Lập kế hoạch kinh doanh 2024 từ A-Z: Chìa khóa thành công cho mọi doanh nghiệp”

Phát biểu mở màn sự kiện, diễn giả Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mota Group nhận định: “Kế hoạch kinh doanh (KHKD) đóng vai trò như kim chỉ nam trong suốt quá trình kinh doanh, như một đường ray giúp nắn chỉnh con tàu doanh nghiệp theo từng ngày từng giờ. Nếu chúng ta không lập kế hoạch kinh doanh, vậy chúng ta đã có sẵn kế hoạch thất bại”.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Bền, các bạn trẻ ngày nay tuy có rất nhiều ý tưởng, nhưng thường lo sợ về nguồn vốn, cho rằng mình không có tiền nên không thể thực hiện. Nhìn từ góc độ tài chính, diễn giả khẳng định không cần có tiền vẫn có thể tạo ra một doanh nghiệp triệu USD.

Tất cả những gì người kinh doanh cần là một bản KHKD chi tiết. Bởi nếu có ý tưởng mà không lập KHKD thì sẽ không tạo ra được mô hình kinh doanh phù hợp. KHKD chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung công việc trước khi công việc kinh doanh được triển khai, là sự chuẩn bị cho thành công của doanh nghiệp.

KHKD giúp doanh nghiệp xác định và điều chỉnh mục tiêu, chương trình để đạt được những mục tiêu đó. Trong quá trình hoạt động, KHKD giúp doanh nghiệp rà soát việc kinh doanh thường xuyên, từ đó tiến hành sửa chữa, điều chỉnh sao cho phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có KHKD rõ ràng sẽ thuận lợi phát triển và thiết lập việc kinh doanh mới; đồng thời hỗ trợ hồ sơ vay vốn; kêu gọi sự tán thành của các thành viên công ty; từ đó hỗ trợ lập giá thành cho sản phẩm; định giá cho dòng sản phẩm mới, xúc tiến bán hàng hoặc mở rộng kinh doanh.

Diễn giả cho rằng có 2 đối tượng cần lập KHKD. Thứ nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). KHKD sẽ giúp các “tân binh” xác định những phần cơ bản nhất cần chuẩn bị. Thứ hai là doanh nghiệp hiện hữu, KHKD giúp các doanh nghiệp này củng cố chiến lược, thiết lập số liệu, quản lý mục tiêu, theo dõi và quản lý nguồn lực và kế hoạch quan trọng.

Diễn giả Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mota Group

Thông thường, một bản kế hoạch kinh doanh sẽ do chủ doanh nghiệp đưa ra. Tuy nhiên trên thực tế, người nắm rõ các hoạt động doanh nghiệp hơn cả lại là các nhân sự đang làm việc trực tiếp tại đơn vị. Vậy, để đưa ra một KHKD cụ thể, hiệu quả, doanh nghiệp cần làm gì?

Trước tiên, đơn vị cần chuẩn bị một kế hoạch thật kỹ lưỡng, cần được theo dõi, kiểm tra các hoạt động kinh liên tục, từ đó đưa ra một kế hoạch thật kỹ lưỡng. Mỗi một đơn vị sẽ có một KHKD phù hợp khác nhau. Tương tự, với mỗi sản phẩm, mỗi chiến dịch, người kinh doanh phải đưa ra những chiến lược riêng, không được phép dùng một KHKD từ đầu đến cuối.

“Theo dõi” là một yếu tố chủ chốt. Một KHKD tốt cũng không có tác dụng nếu không có người theo dõi và đưa ra các cột mốc cụ thể để đánh giá kết quả thực tế.

Với những người mới kinh doanh, có 7 sai lầm trong việc lập KHKD cần lưu ý, theo diễn giả Nguyễn Văn Bền. Đầu tiên là trì hoãn trong việc lập kế hoạch kinh doanh. Sẽ có nhiều quan điểm cho rằng khi mới bắt đầu, việc lập KHKD là chưa cần thiết và có nhiều việc khác quan trọng hơn cần làm. Thế nhưng, càng có nhiều công việc thì càng phải lập nhiều KHKD để hoàn thành công việc đó.

Thứ hai, không quan tâm đến dòng tiền. Đa số người kinh doanh thường nghĩ đến lợi nhuận thay vì tiền mặt. Làm thế nào để kinh doanh có lãi thường là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Theo diễn giả Nguyễn Văn Bền, nắm rõ được những biến động của dòng tiền là vô cùng quan trọng, không nên chỉ tập trung đến lãi lỗ.

Thứ ba, không nên tập trung quá nhiều vào ý tưởng. Chuyên gia Nguyễn Văn Bền nhấn mạnh không cần phải có một ý tưởng quá xuất sắc để bắt đầu phát triển một doanh nghiệp.

Thứ tư, quá căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Nói đến KHKD, nhiều người dễ “toát mồ hôi hột” và cho rằng KHKD là phạm trù cao siêu, chỉ dành cho các tập đoàn, công ty lớn. Thật ra, thực hiện một kế hoạch kinh doanh không hề khó như nhiều người vẫn nghĩ.

Thứ năm, có nhiều mục tiêu, nhưng đều mơ hồ, không rõ ràng. Cần đạt kết quả “tốt nhất”, cần có một chiến lược “hoàn hảo”, tất cả những cụm từ này đều là vô nghĩa trong kinh doanh và toàn bộ đều là “một sự thổi phồng”. Thứ chủ doanh nghiệp phải tập trung là những mốc thời gian cụ thể, một bản ngân sách chi tiết.

 Thứ sáu, áp dụng một kế hoạch cho tất cả các chiến dịch. Quan niệm rằng kế hoạch lần này thành công vượt mong đợi, doanh nghiệp thường có suy nghĩ tiếp tục dùng “sự thành công” này cho những sản phẩm sau. Tuy nhiên, mỗi một dự án lại cần có một kế hoạch phù hợp riêng.

Thứ bảy, có quá nhiều sự ưu tiên. Đừng quá tham lam khi lập KHKD là lời khuyên mà diễn giả Nguyễn Văn Bền đưa ra. Trong một bản KHKD, người lập kế hoạch chỉ nên ưu tiên 3 – 4 mặt hàng nhất định.

Cuối cùng, để có một bản KHKD hoàn hảo, diễn giả Nguyễn Văn Bền cho rằng chúng ta cần tập trung vào ba yếu tố chính, lần lượt là sự đơn giản; sự chi tiết và kế hoạch khi đã được đưa ra thì cần phải được “hoàn thành”.

Cùng chuyên mục
Tin khác