Ô tô TMT đang sa lầy vào chiến lược lắp ráp xe tải?

Kình Dương - 08/11/2016 07:03 (GMT+7)

(VNF) – Ô tô TMT dường như đang sa lầy vào chiến lược lắp ráp xe tải thay vì nhập khẩu và phân phối, nhất là trong bối cảnh tiềm lực tài chính của công ty này còn khá hạn chế.

Một tháng vừa qua, giá cổ phiếu TMT của Công ty Cổ phần Ô tô TMT đã giảm tới hơn một nửa, từ mức 24.000 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc ngày 07/10/2016 xuống còn 12.500 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc ngày 07/11/2016. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do kết quả kinh doanh thiếu khả quan của TMT trong thời gian gần đây.

9 tháng đầu năm 2016, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu thuần 2.004 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, mức lãi trước thuế của công ty này lại chỉ đạt 60,8 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý hơn là, nếu chỉ tính riêng trong quý III/2016, lãi trước thuế của công ty này chỉ vỏn vẹn có 1,2 tỷ đồng.

Trong các lý do mà Ô tô TMT giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải thích về biến động lợi nhuận, ngoài lý do bởi biến động doanh thu, có 2 lý do rất đáng chú ý liên quan đến dự án lắp ráp xe tải mà Ô tô TMT hợp tác độc quyền với tập đoàn xe tải hạng nặng SINOTRUK của Trung Quốc. Dự án bắt đầu được ký kết hồi cuối tháng 2/2016.

Ô tô TMT lắp ráp xe tải

Ô tô TMT tiếp tục chiến lược lắp ráp xe tải với việc hợp tác với hãng xe tải hạng nặng Trung Quốc SINOTRUK

Lý do đáng chú ý thứ nhất là việc chi phí bán hàng 9 tháng đầu năm 2016 của Ô tô TMT tăng mạnh 26,29% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách kích cầu tiêu dùng của Ô tô TMT như các chính sách khuyến mãi, chiết khấu, giảm giá, chi phí quảng cáo trên VOV giao thông, trên truyền hình…

Không khó để nhận ra Ô tô TMT đang kích cầu tiêu dùng chủ yếu là vì dự án xe tải SINOTRUK, bởi trong vài tháng gần đây, quảng cáo của Ô tô TMT trên phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình tại các khung giờ "đắt giá" bỗng xuất hiện với tần suất khá dày và phần nhiều nhắm đến dòng xe tải SINOTRUK.

Nhưng lý do giải trình thứ hai còn đang chú ý hơn nhiều. Theo lãnh đạo Ô tô TMT, doanh thu tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2016 của công ty này ảnh hưởng rất lớn từ sản phẩm SINOTRUK.

Tháng 2/2016, Ô tô TMT đã ký hợp tác độc quyền với nhà sản xuất SINOTRUK nhập linh kiện (CKD) để sản xuất lắp ráp. Tuy nhiên, theo phía Ô tô TMT, trong thời gian qua, do việc các cơ quan chức năng chưa làm tốt vai trò kiểm soát giá xe tải nặng nhập khẩu nguyên chiếc từ các nhà cung cấp, xuất khẩu nước ngoài dẫn đến các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam đã nhập khẩu xe nguyên chiếc với giá thấp hơn giá thực tế, điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng tiêu thụ xe tải nặng của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, trong đó có Ô tô TMT.

Ô tô TMT sa lầy vào chiến lược lắp ráp xe tải

Quý III/2016, Ô tô TMT chỉ lãi trước thuế vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng

Có thể thấy, Ô tô TMT khá "liều" khi đưa một nhận định khá chủ quan về cơ quan chức năng vào văn bản giải trình. Điều này cũng phản ánh phần nào nỗi "uất ức" của Ô tô TMT trên thị trường xe tải hạng nặng khi công ty này đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác.

Đối thủ mà Ô tô TMT e ngại nhất ở thời điểm hiện tại, nếu không tính THACO, thì chỉ có thể là Tập đoàn Hoàng Huy. Ngoài việc phân phối xe tải Trung Quốc thương hiệu Dongfeng thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), Tập đoàn Hoàng Huy còn phân phối xe đầu kéo Mỹ thương hiệu International của hãng Navistar thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH).

Thực tế thì kết quả kinh doanh xe tải Trung Quốc của Tập đoàn Hoàng Huy gần đây cũng không lấy gì làm khả quan. Tương tự như Ô tô TMT, việc tiêu thụ xe tải Trung Quốc thương hiệu Dongfeng của HHS cũng gặp nhiều khó khăn khi 9 tháng đầu năm 2016, HHS chỉ ghi nhận doanh thu 1.248 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, lãi trước thuế giảm tới 73%, ở mức 118 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn nằm ở hoạt động kinh doanh xe đầu kéo Mỹ của Tập đoàn Hoàng Huy thông qua TCH. Xét trong 6 tháng gần đây, doanh thu bán ô tô đầu kéo Mỹ và linh kiện của TCH tăng rất mạnh, từ mức 177 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên mức 487 tỷ đồng, tương đương với mức tăng tới 175%.

Để làm được điều này, TCH áp dụng chiến lược cạnh tranh về giá khi đưa mức giá xe đầu kéo Mỹ xuống ngang bằng, thậm chí thấp hơn cả giá xe đầu kéo Trung Quốc, nhờ vậy kéo khách hàng hiện tại và tiềm năng về với xe đầu kéo Mỹ vốn có chất lượng, mẫu mã, tiện nghi được đánh giá cao hơn đa số các dòng xe đầu kéo Trung Quốc nói riêng và xe tải hạng nặng Trung Quốc nói chung, kể cả xe tải Trung Quốc thương hiệu Dongfeng được kinh doanh bởi chính Tập đoàn Hoàng Huy thông qua HHS.

Kéo giá về thấp, nhưng trong 6 tháng qua, TCH vẫn thu về mức lãi gộp từ kinh doanh xe đầu kéo Mỹ ở mức khoảng 100 tỷ đồng, chứ không phải chịu lỗ để bán. Năm 2015, TCH vẫn lãi gộp khoảng 20 tỷ đồng ở mảng kinh doanh này, dù đó là thời điểm TCH giảm giá mạnh nhất để lôi kéo thị trường về cho sản phẩm xe đầu kéo mới.

Có thể thấy, xe đầu kéo Mỹ của TCH là chính là đối thủ lớn đang gây ra nỗi lo lắng và phần nào là cả tổn thất cho Ô tô TMT với các sản phẩm xe tải hạng nặng SINOTRUK và cả với chính Tập đoàn Hoàng Huy với các sản phẩm xe tải hạng nặng Dongfeng.

Nhưng xe đầu kéo Mỹ của TCH chưa phải là lý do duy nhất khiến dự án xe tải SINOTRUK của Ô tô TMT gặp nhiều khó khăn. Một điểm cần phải lưu ý rằng, đây là một dự án lắp ráp và phân phối chứ không đơn thuần là phân phối xe tải.

Ô tô TMT sa lầy vào chiến lược lắp ráp xe tải

Dù tiềm lực tài chính khá hạn chế nhưng Ô tô TMT vẫn quyết đeo đuổi chiến lược lắp ráp xe tải vốn kém linh hoạt và ngốn nhiều chi phí cả cố định lẫn thường xuyên

Điểm khác biệt nhất giữa việc lắp ráp và phân phối so với việc phân phối đơn thuần là sự linh hoạt.

Để thấy được vấn đề, hãy so sánh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 giữa Ô tô TMT với HHS. Cả 2 đơn vị này đều kinh doanh xe tải Trung Quốc, cùng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm trong 9 tháng qua, chỉ khác là HHS thuần túy nhập khẩu và phân phối chứ không đan xen cả lắp ráp như Ô tô TMT.

Như đã đề cập phía trên, 9 tháng đầu năm 2016, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu thuần 2.004 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ 2015; lãi trước thuế ở mức 60,8 tỷ đồng, giảm 73%.

Trong khi đó, HHS chỉ ghi nhận doanh thu 1.248 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2015; lãi trước thuế giảm 73%, ở mức 118 tỷ đồng. Nếu loại trừ 44 tỷ đồng lãi tiền gửi, HHS vẫn lãi 74 tỷ đồng, cao hơn Ô tô TMT, dù doanh thu thấp hơn nhiều.

Vì sao lại có sự chênh lệch như vậy?

Một phần nguyên nhân nằm ở "truyền thống" lắp ráp xe của Ô tô TMT, không chỉ ở dự án SINOTRUK. Lắp ráp xe, không chỉ tiêu tốn nguồn lực tài chính, khiến nợ vay của Ô tô TMT tăng lên, kéo theo là chi phí lãi vay tăng, mà còn góp phần làm tăng cả chi phí bán hàng và cả chi phí quản lý doanh nghiệp.

Theo tính toán, trong 9 tháng đầu năm 2016, chi phí lãi vay chiếm 3,84% doanh thu Ô tô TMT, chi phí bán hàng chiếm 3,29%, còn chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 2,34% doanh thu. Trong khi đó, con số này ở HHS lần lượt chỉ là 0,04%, 0,27% và 0,4%.

Hơn nữa, những doanh nghiệp đơn thuần nhập khẩu và phân phối như HHS, hay cả TCH và nhiều doanh nghiệp khác, luôn ở thế rất chủ động trong kinh doanh. Nếu thị trường đi xuống, họ chỉ cần xả hàng tồn và tạm thời hạn chế nhập hàng mới. Còn với các đơn vị đan xen cả lắp ráp xe như Ô tô TMT, khi thấy thị trường đi xuống, họ không thể dừng sản xuất xe được.

Khó chồng thêm khó, Ô tô TMT dường như đang sa lầy vào chiến lược lắp ráp xe tải, đặc biệt trong bối cảnh vốn chủ sở hữu của công ty này ở mức thấp, chỉ khoảng 430 tỷ đồng. Nên nhớ, vốn chủ sở hữu của HHS lên tới 3.146 tỷ đồng, trong khi của TCH thậm chí lên đến 4.187 tỷ đồng. Một khi 2 doanh nghiệp cùng thuộc một tập đoàn này gặp cơ hội chín muồi để bung hết sức thì lúc đó, Ô tô TMT sẽ lại càng khó thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác