Ông chủ AirAsia và hành trình biến hãng hàng không giá trẻ thành siêu ứng dụng du lịch

Quốc Anh - 25/02/2023 14:39 (GMT+7)

(VNF) - Chịu nhiều tổn thất từ Covid 19, tỷ phú Tony Fernandes, nhà sáng lập hãng hàng không AirAsia, không ngừng nỗ lực vực lại tài chính của tập đoàn bằng cách sáng tạo ra một siêu ứng dụng chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch.

VNF
Chân dung tỷ phú Tony Fernandes, nhà sáng lập hãng hàng không AirAsia

Tỷ phú người Malaysia, Tony Fernandes, và người đồng sáng lập Kamarudin Meranun đã cùng nhau mua lại hãng hàng không còn non trẻ, thiếu triển vọng và biến nó thành một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2002. AirAsia được thành lập với phương châm chính “Giờ đây ai cũng có thể bay”.

AirAsia “không thể bay” vì đại dịch

Cũng như các hàng hàng không khác, AirAsia đã phải đối mặt với thảm hoạ bất ngờ do ảnh hưởng từ đại dịch. Sự bùng phát của Covid 19 đã buộc tỷ phú Fernandes phải đóng cửa AirAsia Japan vào năm 2020. AirAsia chịu tổn thất nặng nề và nợ nần chồng chất, với hơn 90% số máy bay bị buộc phải hạ cánh tại thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. AirAsia India thậm chí đã bán cổ phần cho Tata Group để thu về 229,4 triệu ringgit (hơn 51 triệu USD).

Tỷ phú Fernandes cũng từng phải lên tiếng thừa nhận thương hiệu đã gặp khó khăn trong đại dịch và nhiều tháng gần đây khi AirAsia liên tục phải hủy các chuyến bay. 

Đến quý IV/2022, “bóng ma” từ đại dịch vẫn phủ bóng lên ngành hàng không. Cụ thể, các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt, đạt đỉnh 175 USD/thùng. Cùng lúc, tập đoàn của tỷ phú Fernandes cũng phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu bồi thường, hoàn lại tiền từ những khách hàng bị huỷ chuyến bay trong thời điểm Covid-19 bùng phát, ước tính số tiền có thể lên tới 2,1 tỷ USD.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh, “siêu ứng dụng” ra đời

Trong suốt khoảng thời gian AirAsia không hoạt động, ông Fernandes đã lên kế hoạch mở rộng công ty thành một đơn vị phát triển các dịch vụ du lịch. Bước đầu tiên, vị tỷ phú người Malaysia đã tiến hành đổi tên tập đoàn từ AirAsia thành Capital A vào đầu năm 2022, chứng minh rằng tập đoàn không chỉ khai thác vận hành hàng không.

Tiếp đó, doanh nghiệp cho ra mắt siêu ứng dụng AirAsia, một phần mềm tích hợp nhiều tính năng như đặt vé máy bay, phòng khách sạn… thậm chí là cả gọi đồ ăn và đặt xe di chuyển.

Ứng dụng được ông Fernandes cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 2020, phải cạnh tranh với những gã khổng lồ cùng khu vực như Grab Holdings của Singapore và GoTo Group từ Indonesia. Vị tỷ phú đang không ngừng cải thiện thêm các chức năng, tiện ích, đồng thời hợp tác cùng Google để phát triển tối đa các khả năng của ứng dụng.

Ông Fernandes tự tin rằng, AirAsia có những điểm vượt trội riêng, khác biệt so với các đối thủ khi sở hữu kho dữ liệu khổng lồ mà hãng đã thu thập được từ hàng triệu hành khách, cùng khả năng cung cấp dịch vụ xe cộ, khách sạn… xuyên quốc gia.

Ứng dụng AirAsia được ông Fernandes đặt nhiều kỳ vọng sẽ là chìa khoá giúp doanh nghiệp vững chắc trở lại sau những khủng hoảng mà ngành hàng không đem lại.

Hơn thế, Capital A cũng triển khai các công nghệ tài chính xoay quanh siêu ứng dụng, mong muốn đem lại cho khách hàng sự tiện lợi nhất. Lấy ví dụ như công nghệ tài chính BigPay của tập đoàn khẳng định, họ có thể đưa ra tỷ giá hối đoái tốt nhất phục vụ việc chuyển đổi tiền. Khách hàng sẽ không còn phải lo lắng tìm kiếm đơn vị đổi tiền tệ uy tín, giá tốt mỗi khi đi du lịch.

Bằng sự đầu tư kỳ công, ông Fernandes hy vọng hoạt động kinh doanh của AirAsia sẽ được tăng cường nhờ siêu ứng dụng của hãng, đặc biệt là các hoạt động tài chính.

Nirgunan Tiruchelvam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng và internet tại Aletheia Capital có trụ sở tại Singapore, chia sẻ: “Chưa từng có tiền lệ một hàng hàng không thành công chuyển đổi thành một tập đoàn cung cấp các dịch vụ du lịch qua ứng dụng”. Ông cho rằng, nếu Capital A triển khai hiệu quả, tập đoàn sẽ là đơn vị đầu tiên đạt được thành tựu này.

Từng bước “gỡ rối” tài chính

Mảng kinh doanh cốt lõi của Capital A – hàng không, cũng đang từng bước hoạt động trở lại sau khi các hạn chế do đại dịch Covid-19 dần được gỡ bỏ, du lịch trong khu vực cũng đang bùng nổ trở lại.

Không bỏ lỡ thời cơ, tháng 12/2022, ông Fernandes tiếp tục ra mắt hãng hàng không liên doanh AirAsia Campuchia. Đây là hàng hàng không thứ 5 của tập đoàn này tại khu vực Đông Nam Á, dự kiến lịch bay chính thức sẽ vào cuối năm nay sau khi được phê duyệt.

Không chỉ đặt mục tiêu tại Campuchia, mà nguyện vọng hàng đầu của ông chủ AirAsia là tập trung phát triển nhiều tại Malaysia và các quốc gia lân cận: “Chúng tôi đang từng bước ghi đậm dấu ấn của mình tại Đông Nam Á”.

Chưa dừng lại, tỷ phú Fernandes cũng nhìn thấy tiềm năng to lớn từ sự kết hợp giữa siêu ứng dụng của AirAsia và Teleport, công ty vận chuyển hàng hoá thuộc Capital A.

Đơn vị này trong năm 2022 đã chuyển thành công 8 triệu bưu kiện nhờ kết hợp với siêu ứng dụng mà tập đoàn đã ra mắt, ông Fernandes kỳ vọng vào năm 2024, con số này sẽ tăng lên thành 94 triệu bưu kiện.

Để đối phó với sự bùng nổ của thương mại điện tử toàn cầu, tập đoàn sẽ dần dần bổ sung ba máy bay vận tải Airbus A321 vào đội bay của mình bắt đầu từ quý I/2023. 

“Những chuyên cơ chở hàng thân hẹp này sẽ củng cố mạng lưới vận chuyển hàng hóa của Teleport, giải quyết nhu cầu của thị trường Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dễ dàng kết nối các đơn vị sản xuất, xuất khẩu và thương mại điện tử”, ông Fernandes mong đợi.

Sau khi huy động được 50 triệu USD vốn từ các nhà đầu tư vào tháng 12, Teleport đang rục rịch mở rộng mạng lưới giao hàng xuyên biên giới khắp Đông Nam Á, nhằm thiết lập một trung tâm hậu cần ở Campuchia ngay khi AirAsia Campuchia được cấp phép bay.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, tỷ phú Fernandes đã đạt được thoả thuận tái cấu trúc, từng bước thiết lập nền tảng tài chính cho doanh nghiệp vững chắc hơn.

Theo đó, AirAsia X, đơn vị bay đường dài cùng hệ sinh thái với AirAsia, cũng đã xoá bỏ khoản nợ lên tới 33 tỷ ringgit (khoảng 7,8 tỷ USD) và thành công tạo ra một khoản dự phòng sau khi AirAsia nhận được khoản tái cấp vốn từ các cổ đông hiện hữu.

Nhà phân tích Samuel Yin của Maybank nhìn nhận: “AirAsia có thể trở mình nhanh chóng là nhờ họ đã đưa ra quyết định đúng đắn khi vẫn duy trì hoạt động trong thời kỳ đại dịch”.

Theo Forbes
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.