Ống hút gạo đạt quán quân cuộc thi 'Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo'

Bảo Duy - 16/10/2022 20:47 (GMT+7)

(VNF) - Vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 vừa được tổ chức với 30 dự án tham gia.

VNF
Ống hút gạo đạt quán quân cuộc thi 'Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo'

TP. HCM là địa phương có số lượng nhiều nhất với con 4 dự án. Các tỉnh, thành như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp đều có 2 dự án.

Phát biểu khai mạc, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC, chia sẻ: “Các bạn trẻ trên đường khởi nghiệp đã bằng hành động của mình đẩy phong trào khởi nghiệp nông nghiệp tiến lên những bước thiết thực. Thời gian qua, qua theo dõi các bài thi của vòng chung kết thể hiện 4 điểm nổi bật rất rõ. Thứ nhất là sự quan tâm đến cộng đồng, trách nhiệm xã hội, chăm sóc cho người khuyết tật, yếu thế hay đi sâu vào các giá trị văn hóa. Thứ hai là đưa vào các công nghệ mới trong quá trình sản xuất. Thứ ba là yếu tố xanh, gắn bó với thiên nhiên, phát huy giá trị của tài nguyên bản địa. Thứ tư là chú ý tới sức mạnh địa phương, quan tâm làm rõ sức mạnh địa phương.

Tôi bất ngờ là 4 điểm nổi bật này lại chính là 4 trong 10 điểm nằm trong xu hướng tiêu dùng của thế giới. Trong chia sẻ với mối quan tâm của thị trường nói chung thì rõ ràng là các bạn đã “hội nhập” rất tốt.”

“Tôi phải thành thật nói rằng điều đặc biệt của chúng ta là chương trình của chúng ta luôn mới. Lần này các bạn không chỉ thi sản phẩm, mà còn thi luôn cả marketing và bán hàng. Chương trình năm nay sẽ quan tâm đến việc xúc tiến thương mại và đẩy mạnh việc quan tâm xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm trong thực chất”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm.

Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYe), Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đồng tổ chức với 02 tôn chỉ hoạt động xuyên suốt là: tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. 

Cùng với đó, hỗ trợ nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, tự xây dựng và thực hành các tiêu chuẩn cần thiết và phù hợp để đảm bảo kinh doanh tốt, phát triển bền vững.

Chương trình cũng đã nhận được sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp hội viên Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) như Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui phúc, Công ty TNHH Lợi Lợi Dân, Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu GIBC, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, HVNCLC chuẩn hội nhập, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, Công ty Mỹ thuật Trà Quế…

Cuộc thi được phát động vào tháng 6/2022 đã thu hút được đông đảo thanh niên Việt Nam hưởng ứng tham gia. Sau hơn 3 tháng nhận bài thi, có 163 dự án đại diện cho 40 tỉnh thành đăng ký, nộp đề cương tham gia. Ở vòng sơ khảo, ban giám khảo đã chọn ra 88 dự án tốt nhất, đại diện cho 32 tỉnh, thành tham gia vòng thi Bán kết, tổ chức tại 3 khu vực là An Giang, Hà Nội và TP. HCM.

Năm nay, tổng giải thưởng hơn 1 tỷ đồng với 17 loại giải thưởng chính và hỗ trợ (bao gồm giải đặc biệt, giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích, 1 giải thưởng mang ý nghĩa cộng đồng, 3 giải làm tiêu chuẩn Local gap, 3 giải tư vấn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại).

Ngoài ra, 8 dự án được chọn tham gia khóa tập huấn tại Thái Lan vào tháng 11/2022 (hỗ trợ 50% chi phí).

Song song với vòng Chung kết, hơn 40 doanh nghiệp trẻ cũng tham gia phiên chợ Khởi nghiệp Xanh diễn ra tại Hội trường Thống Nhất.

Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo” lần 8 khép lại với giải quán quân thuộc về dự án “Các sản phẩm ống hút, bún gạo” của thí sinh Trương Thị Hồng Hà (TP. HCM). 2 giải nhì (trị giá 65 triệu đồng/giải) thuộc về các dự án “Sản xuất dược trà – khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của Đoàn Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) và “Vòng đời các sản phẩm từ cây sen” của nhóm Lương Việt Chương (Phú Yên).

Trong khi đó, 3 giải ba thuộc về “NANOSALT - muối dược liệu Việt Nam” của Trần Thị Hồng Thắm (Nghệ An), “Nâng cao giá trị nông sản Sơn La - tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa” của Bùi Phương Thanh (Sơn La) và “Dự án phát triển làng nghề giấm truyền thống Bách Cốc cổ” của Vũ Minh Ngọc (Nam Định).

Giải khuyến khích có 3 dự án đoạt giải gồm: Sổ gạo - cánh đồng sẻ chia của Bùi Ngọc Cường (Hải Phòng), “Dự án Cocohand nâng tầm giá trị hàng thủ công mỹ nghệ dừa Bến Tre” của Nguyễn Băng Nhi (Bến Tre) và “Sản xuất các sản phẩm từ quả mác mật” đến từ Lạng Sơn của Dương Hữu Điện.

Dự án nhận được giải thưởng dự án nông nghiệp phát triển bền vững là  “Dự án chế biến bún ngũ sắc” của Phan Thị Tố Mười (Bắc Kạn). Giải thưởng sáng tạo (có ý nghĩa cộng đồng) thuộc về dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lê ki ma tại Việt Nam” của Đỗ Thị Xuân Diệu (Cần Thơ).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.