'Ông lớn' thuỷ sản tính lập vùng nuôi và chế biến tôm, thu về 240 triệu USD/năm

Thanh Hương - 28/11/2023 00:46 (GMT+7)

(VNF) - Công ty TNHH Thông Thuận vừa được tỉnh Bình Định phê duyệt đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm theo mô hình công nghệ cao

VNF
Hé mở về Công ty Thông Thuận làm dự án nuôi tôm công nghệ cao hơn 1.177 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đăng ký thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Theo đó, nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án là Công ty TNHH Thông Thuận, địa chỉ tại thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.177 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 50 năm và nhà đầu tư được trả tiền thuê đất 1 lần. Dự kiến, quý II/2028, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án vận hành và đi vào hoạt động.

Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đăng ký thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm được thực hiện tại xã Mỹ Thành có diện tích đất sử dụng gần 219ha. Trong đó, khu vực xây dựng khu sản xuất, chế biến tôm với diện tích gần 198ha.

Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy chế biến tôm công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị xuất khẩu 200 - 240 triệu USD/năm; nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100 ngàn tấn/năm; khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt 7.000 tấn nguyên liệu tôm/năm; khu sản xuất tôm giống thẻ chân trắng với công suất 2 tỷ con giống/năm...

Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết công ăn việc làm khoảng 2.500 người.

Công ty TNHH Thông Thuận có trụ sở chính tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Người đại diện theo pháp luật là ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc.

Công ty TNHH Thông Thuận được thành lập vào tháng 11/8/1999 với lĩnh vực chính là sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm và chế biến xuất khẩu tôm.

Tiền thân của Công ty TNHH Thông Thuận là một cơ sở sản xuất tôm giống hình thành từ năm 1990, do ông Trương Hữu Thông gây dựng nên tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Công ty có 7 khu sản xuất tôm giống, với hơn 100 nhà nuôi tôm giống. Ngoài ra, Công ty TNHH Thông Thuận còn có các xí nghiệp tôm thương phẩm với số lượng farm nuôi lớn, trải dài khắp 4 tỉnh Khánh hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang. Đạt được các chứng chỉ Global GAP, ACC với sản lượng từ 10.000 tấn đến 12.000 tấn/ năm.

Bên cạnh đó, Thông Thuận cũng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. Công ty có hai nhà máy hoạt động với các đầu ra đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Cụ thể, chi nhánh Công ty TNHH MTV Thông Thuận – Kiên Giang hoạt động mạnh trong lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm, với sản lượng hơn 4.500 tấn/ năm. Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận – Ninh Thuận hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu, hàng năm cung cấp ra thị trường sản lượng hơn 3.000 tấn thành phẩm/ năm. Doanh số 20 triệu USD/ năm.

Tiếp đó là Công ty TNHH Thông Thuận – Cam Ranh hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Doanh số đạt trên 30 triệu USD/năm.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thông Thuận cũng đầu tư dự án khu sản xuất tôm giống Thông Thuận – Hà Tĩnh. Dự án này có tổng kinh phí đầu tư 70 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 8,1ha, mục tiêu sản xuất 3 – 3,5 tỷ tôm thẻ chân trắng giống/năm.

Vào tháng 4/2021, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) có quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Thông Thuận, Chi nhánh Ninh Thuận số tiền hơn 1,1 tỷ đồng vì có nhiều sai phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Công ty Thông Thuận đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5m³/ngày; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600m³/ngày đến dưới 800m³/ngày. Cụ thể: thông số nitơ trong nước thải vượt 5,67 lần, amoniac vượt trên 1,5 lần, photpho vượt 194,2 lần, dầu mỡ khoáng vượt 16,3 lần...

Xem thêm: Bình Định: Dự án nuôi tôm công nghệ 1.200 tỷ đồng gọi vốn

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.