NHNN: Doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm, cá tra chưa được hưởng tín dụng ưu đãi

Yến Thanh - 26/04/2016 12:57 (GMT+7)

(VNF) - Ý kiến trả lời chính thức của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến đề xuất mới đây của đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nuôi tôm, cá tra.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn do Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến ký, trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng), Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Sóc Trăng về vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra.

Theo đó, NHNN cho biết việc bổ sung doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra vào đối tượng được hưởng chính sách  tín dụng theo Quyết định số 540/QĐ-TTg một mặt "có thể tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp khác cũng yêu cầu bổ sung đối tượng hưởng chính sách, mặt khác cũng có thể tạo cớ cho các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam khởi kiện và điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá".

Đồng thời, đối với mặt hàng chủ lực này, các nước nhập khẩu đang dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật thương mại để hạn chế nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Từ những lý do trên NHNN và Bộ Công thương sau khi bàn bạc đã nhất trí, chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng.

Theo giải thích của Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra đang được hưởng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra theo quy định của Nghị định và Thông tư nêu trên.

Cũng trong văn bản nêu trên, Phó Thống đốc NHNN cho biết, theo Nghị định 55, ba ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra hiện đang được áp dụng là: (i) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời được vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh; (ii) được khoanh nợ không tính lãi đối ới dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa là 2 năm trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng; (iii) được khoanh nợ không tính lãi tối đa 3 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện vai trò đầu mối sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.

Trong trường hợp sau khi thực hiện các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ mà vẫn khó khăn trong trả nợ, doanh nghiệp sẽ được xóa nợ theo mức độ thiệt hại cụ thể.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.