Ông Lưu Bình Nhưỡng: Người đứng đầu ngành kiểm sát đang chịu sự lép vế trong sắp xếp nhân sự

Xuân Hải - 05/11/2019 14:10 (GMT+7)

(VNF) – Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng người đứng đầu ngành kiểm sát nhân dân hiện đang chịu lép vế trong sắp xếp, bố trí nhân sự cả ở trung ương và địa phương.

VNF
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng trong dãy dài các hoạt động tư pháp, nổi lên một yếu huyệt mà hiện nay có thể đang bị khuyết tật cần phải chữa trị, đó chính là vị trí, vai trò và bản lĩnh của ngành kiểm sát nhân dân.

Theo ông Nhưỡng, Hiến pháp, pháp luật giao cho Viện kiểm sát nhân dân hai chức năng tối quan trọng là: thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

“Về lý luận và thực tiễn, nhà nước đang đặt hai trọng trách như 2 trái núi lên vai ngành kiểm sát nhưng tòa án nhân dân lại mới là cơ quan nắm quyền lực tư pháp.

“Đã thế người đứng đầu ngành kiểm sát nhân dân còn chịu sự lép vế trong sắp xếp, bố trí nhân sự. Cụ thể, ở địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Chánh án Tòa án nhân dân rất khó có chân trong Ban thường vụ.

“Còn ở Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao chỉ là Ủy viên Trung ương, trong khi đó người đứng đầu hệ thống mà Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương. Do đó, việc phối hợp đã khó khăn 5-6 thì việc kiểm sát gấp bội phần”, ông Nhưỡng phân tích.

Ông Nhưỡng cho rằng “Nếu đây là một nguyên nhân làm cho Viện kiểm sát nhân dân yếu đuối thì đề nghị Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nghiên cứu cải thiện để ngành kiểm sát nhân dân có thêm điều kiện thực thi nhiệm vụ”.

Bình luận về những yếu kém trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, ông Nhưỡng nhấn mạnh “không thể không nói đến trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân và các Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, vì nếu có phẩm chất, có bản lĩnh chính trị, pháp lý vững vàng thì vẫn có thể vượt qua cửa ải khó khăn để gìn giữ và nâng cao vị thế bằng công việc, tâm lực của mình, không thể đổ lỗi cho khách quan”.

“Nếu cứ như tình trạng hiện nay, cử tri đánh giá hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao. Có thể nói vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay giảm sút nhiều so với những năm trước đây”, ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cho rằng ngành kiểm sát cần phải lưu ý 2 vấn đề:

Một, trong thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân cần tránh trở thành khớp nối trung chuyển cho oan sai, bức cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát phải truy tố đúng người, đúng tội, không dễ dãi xây dựng cáo trạng truy tố trên cơ sở các kết luận điều tra trái pháp luật, thiếu tin cậy.

Viện kiểm sát cũng cần phúc tra đầy đủ, nghiêm túc để thể hiện được quyền được công bố của nhà nước, tránh tình trạng hạ thấp chất lượng, chịu rắc rối, lép vế trong quá trình tranh tụng hoặc tha bổng cho các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Hai, trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành kiểm sát nhân dân cần quyết liệt xem xét xử lý theo thẩm quyền, kể cả sử dụng quyền điều tra để tiến hành xử lý tội phạm đối với cán bộ, nhân viên hoạt động tư pháp.

Ngành kiểm sát không nên đẩy các sai phạm đó về cho các cơ quan xử lý nội bộ theo kiểu dĩ hòa vi quý.

“Nếu chỉ cần làm tốt mấy việc đó, Viện kiểm sát nhân dân sẽ xứng đáng là khớp nối an toàn và hiệu quả của chuỗi các hoạt động tư pháp”, ông Nhưỡng nêu ý kiến.

Bình luận về ý kiến trên của ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nói rằng: “Phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng mang tính chủ quan, hồ đồ và phải nói rằng có sự xúc phạm đối với cán bộ ngành Kiểm sát”.

Ông Dũng cho hay theo nguyên tắc hiến định, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hoạt động tuân theo nguyên tắc hiến định và có sự phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan để thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo sự phân công và không thể nói rằng có sự lép vế từ giữa cơ quan này với cơ quan khác trong hệ thống tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước.

“Khi nói rằng Viện kiểm sát có biểu hiện né tránh, lép vế thì chúng tôi không đồng ý”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, để đánh giá hoạt động của ngành kiểm sát, Quốc hội đã có một cơ quan chuyên trách, đó là Ủy ban Tư pháp.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã đánh giá trong nhiều năm qua, kể cả năm nay, hoạt động của ngành kiểm sát nói chung đã có nhiều cố gắng. Và trên thực tế, những vụ án lớn, những vụ án tham nhũng kinh tế lớn được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trong đó có đóng góp của Viện kiểm sát.

“Dưới sự chỉ đạo của Đảng, các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án đã phối hợp tiến hành các biện pháp tố tụng để truy tố, xét xử thì không thể cho rằng Viện kiểm sát không thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác