Thẩm phán đua nhau xin nghỉ việc, Tòa không đủ tiền để trả thôi việc một lần

Xuân Hải - 05/11/2019 13:26 (GMT+7)

(VNF) – Thiếu hụt thư ký, thẩm phán đua nhau xin nghỉ việc trong khi tòa không đủ kinh phí trả thôi việc một lần… đó là tình trạng đang diễn ra tại tòa án nhân dân TP. HCM.

VNF
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về tình hình ngành tòa án năm 2019, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy – Phó chánh án tòa án nhân dân TP. HCM, cho biết hiện nay tòa án thành phố đã giảm biên chế khoảng 10% - gần đạt mức quy định.

Tuy nhiên, đối nghịch với giảm nhân sự tòa án, số lượng vụ án lại tăng lên hàng năm, mỗi năm hơn 10 vụ. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi thẩm phán cấp quận phải giải quyết mỗi tháng trên 10 vụ án.

Việc giảm biên chế nhưng vẫn phải bổ nhiệm thẩm phán đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thư ký trầm trọng.

“Hiện nay, thư ký tòa án TP. HCM phải giúp việc cho 3 thẩm phán. Các phiên họp đưa người đi cai nghiện, thẩm phán này phải làm thư ký thẩm phán kia khi không là chủ tọa”, bà Thúy nói.

Theo bà Thúy, chế độ đãi ngộ tiền lương cho cán bộ tòa án hiện không phù hợp, không đủ để trang trải cuộc sống. Tòa án TP. HCM đã nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán và thư ký do quá tải trách nhiệm và áp lực công việc tòa.

Đối mặt tình trạng này, tòa án TP. HCM cũng không đủ nguồn lực để giải quyết triệt để.

“Tòa thành phố chỉ cho thư ký nghỉ việc còn thẩm phán thì chỉ cho nghỉ trong trường hợp bệnh nặng. Các trường hợp khác thì tòa động viên và giải quyết cho nghỉ lần lượt vì cũng không có kinh phí đủ để trả thôi việc một lần. Những người này thường làm việc một cách cầm chừng, gây ảnh hưởng không tốt đến công việc chung của tòa án”, bà Thúy cho hay.

Vị Phó chánh án tòa TP. HCM thông tin thêm rằng tuần vừa rồi có một Chánh án quận xin nghỉ việc và đây là lần thứ hai Chánh án này xin nghỉ việc.

“Tình trạng này tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội là áp lực quá lớn thì thẩm phán cũng đã xin nghỉ việc rất nhiều”, bà nói.

Đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa - đoàn Hà Nội

"Theo định mức xét xử để tính định biên mỗi thẩm phán xử lý từ 4 đến 5 vụ/tháng. Nhưng thực tế mỗi thẩm phán phải giải quyết từ 9 đến 10 vụ/tháng, có nhiều tòa án mỗi thẩm phán phải giải quyết hơn 10 vụ/tháng.

Hơn nữa, có rất nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Có nhiều vụ án phải nghiên cứu hồ sơ, tổ chức xét xử vài ngàn hồ sơ, tài liệu cân nặng hàng tạ với hàng nghìn bút lục cùng với số lượng người tham gia tố tụng trong vụ án lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.

Như vậy, mặc dù thẩm quyền được mở rộng và số lượng các loại vụ việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, yêu cầu chất lượng phải nâng cao hơn nữa nhưng biên chế phải giảm. Điều này khiến mỗi cán bộ, công chức viên chức tòa án nhân dân đã gắng quá sức rồi nhưng vẫn phải không ngừng cố gắng.

Do đó, tôi tha thiết đề nghị có sự cân nhắc thấu đáo về chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành tòa án nhân dân. Trước mắt, đề nghị Quốc hội cân nhắc việc giao chỉ tiêu xét xử được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội kỳ họp này".

Cùng chuyên mục
Tin khác