ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Thị trường nước là một cuộc chiến lớn, có lợi ích nhóm, hầu hết liên quan đến quan chức'

Ngọc Lưu - 05/11/2019 11:11 (GMT+7)

(VNF) - "Đang có một cuộc chiến về thị trường nước, đây là cuộc chiến lớn, đang có sự bừng tỉnh về lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm. Có nhiều trường hợp phát hiện lợi ích nhóm quá lớn, hầu hết đều liên quan đến quan chức", đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.

VNF
ĐBQH, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng (ở giữa)

Tại tọa đàm "Quản lý thị trường nước sạch - nhìn từ vụ nước nhiễm dầu” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 4/11, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Không nên khắt khe trong việc nhà nước độc quyền cung cấp nước sạch. Khái niệm quản lý là khái niệm phải được làm rõ, nội hàm phải hết sức cẩn thận, quan trọng là toàn bộ hệ thống kiểm soát nhà nước có kiểm soát nổi hay không, chứ không phải nhà nước không kiểm soát được thì không cung cấp dịch vụ công".

Theo ông Nhưỡng, Việt Nam đã có nhiều dịch vụ công đã được đưa ra tư nhân hóa, xã hội hóa, điều quan trọng là quyền kiểm soát của nhà nước phải rất chặt chẽ, bởi chỉ cần một lần cung cấp nước ảnh hưởng xấu đến người dân thì doanh nghiệp lập tức phá sản ngay.

"Hiện theo tôi, đang có một cuộc chiến về thị trường nước, đây là cuộc chiến lớn, đang có sự bừng tỉnh về lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm. Có nhiều trường hợp phát hiện lợi ích nhóm quá lớn, hầu hết đều liên quan đến quan chức, dẫn đến chỗ làm triệt nguồn cung cấp của họ bằng 2 cách. Một là dừng hợp đồng mua bán nước và bắt chia sẻ với doanh nghiệp khác. Hai là chặn đầu vào, không cho bán nước thô mà không bán nước thô thì doanh nghiệp lấy cái gì để sản xuất?", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tiết lộ.

Do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải nghiên cứu, phải có sự giám sát chặt chẽ tránh tình trạng lợi ích nhóm, bởi nó không chỉ làm hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đấy là điều rất tệ hại trong nền kinh tế thị trường.

Liên quan đến việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư để cung cấp dịch vụ công, trong đó có nước sạch, ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, cho rằng nước sạch là loại hình hàng hóa độc quyền của nhà nước. Nhà nước có thể chủ động thực thi nhiệm vụ đó hoặc hoặc có thể ủy quyền cho các chủ thể khác để tham gia.

Theo ông Huy, vai trò của kinh tế tư nhân trong thời gian vừa qua được làm rõ là động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, cung cấp dịch vụ công là loại hàng hóa rất đặc biệt, thiết yếu như nước sạch thì nhà nước cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm chất lượng của hàng hóa sao cho ổn định về giá cả, chất lượng.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho biết trên thế giới, hiện đã có cả mô hình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân hoặc mô hình tư nhân cung cấp hoàn toàn. Tuy nhiên những mô hình hỗn hợp thì tư nhân cung cấp không nhiều.

Ông Đồng cho biết có 3 công đoạn liên quan đến nước sạch, gồm: sản xuất ra nước và bán buôn; truyền tải nước; bán lẻ cho người dùng. Trong bối cảnh của Việt Nam, ông Đồng cho rằng nên cho phép tư nhân tham gia vào giai đoạn đầu tiên về sản xuất, còn 2 giai đoạn sau nhà nước cần độc quyền bởi vì nó sẽ liên quan về chất lượng, tối ưu hóa chi phí về hạ tầng, cũng giống như điện, nếu các doanh nghiệp tư nhân đều tham gia vào thì sẽ không hiệu quả.

Xem thêm >>> 'Nhà máy nước chưa đủ điều kiện vẫn vận hành là sai phạm hết sức nghiêm trọng'

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.