Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể 'doạ' điều chuyển lãnh đạo các PMU để chậm giải ngân vốn

Trí Anh - 05/11/2019 08:03 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể thừa nhận: "trong 10 tháng đầu năm 2019, ngành giao thông giải ngân chậm, hiện còn gần 17.000 tỷ đồng chưa giải ngân. Đặc biệt, việc bố trí giải ngân cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam còn tồn đọng lớn"

VNF

Lãng phí "đọng vốn" tại các PMU

Báo cáo từ Bộ GTVT cho thấy, đến hết tháng 10/2019, Bộ GTVT giải ngân được 9.405 tỷ đồng, tương đương 35,7% kế hoạch giải ngân (26.322 tỷ đồng). So với dự kiến giải ngân đã xây dựng, kết quả giải ngân đạt thấp hơn dự kiến 5.731 tỷ đồng.

Đặc biệt, nguồn vốn cần giải ngân còn "đọng" tại các Ban quản lý dự án (PMU) là rất lớn, khoảng 16.917 tỷ đồng. Ví dụ như PMU Thăng Long (còn 1.848 tỷ đồng), PMU7 (còn 1.850 tỷ đồng), PMU6  (1.355 tỷ đồng), PMU Đường sắt (1.130 tỷ đồng), Tổng công ty Cửu Long (902 tỷ đồng), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (1.090 tỷ đồng), Tổng cục Đường bộ VN (985 tỷ đồng),…

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT cho biết: nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân chậm do hầu hết các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa thực hiện được công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng; các dự án đường bộ cấp bách sử dụng vốn ngân sách 15.000 tỷ đồng, dự án ODA sử dụng vốn dư (dự án cầu yếu giai đoạn 2, kênh nối Đáy - Ninh Cơ dự án WB6) chưa xong thủ tục đấu thầu xây lắp hoặc chưa ứng hợp đồng,…

Bổ xung thêm về chậm giải ngân có liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định: “Bộ GTVT đã chuyển cho 14 tỉnh thực hiện công tác GPMB cho cao tốc Bắc -Nam khoảng 4.000 tỷ đồng. Đến nay, chỉ có tỉnh Bình Thuận đã giải ngân được khoảng 800 tỷ đồng và đang có nhu cầu xin thêm, còn lại các tỉnh khác giải ngân vẫn chậm”

Bộ trưởng cũng cho hay, nguồn vốn tồn đọng thứ 2 là chưa giải ngân tại 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018.

“Năm 2019, Bộ GTVT đăng ký gần 3.000 tỷ đồng cho 10 dự án đường bộ cấp bách, hiện mới khởi công được dự án QL30, còn lại các dự án đang chuẩn bị khởi công như QL57, QL53, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp,… số vốn còn lại khoảng 7.000 tỷ đồng nằm tại các dự án đang triển khai thi công”, Bộ trưởng nói.

Chậm giải ngân sẽ điều chuyển dàn lãnh đạo các PMU

Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng, nhưng số lượng giải ngân lên tới 17.000 tỷ đồng, vì thế, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các PMU cần đẩy nhanh giải ngân cho các dự án trọng điểm.

"Đặc biệt, với 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phải nhanh chóng giải ngân trong công tác đền bù GPMB nốt 4.000 tỷ đồng"

Bộ trưởng cho hay, "đối với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam gồm, Cam Lộ - La Sơn đã khởi công, dự án Cao Bồ - Mai Sơn vừa chọn xong nhà thầu và dự án cầu Mỹ Thuận 2, tất cả đều đang chuẩn bị khởi công xây dựng từ nay đến cuối năm 2019".

"Theo Luật Đấu thầu khi chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu và nhà thầu thực hiện bảo lãnh hợp đồng, chủ đầu tư được phép cho tạm ứng 20% giá trị gói thầu cho nhà thầu. Do đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA 7 và Sở GTVT Ninh Bình phải tập trung rà soát lại công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng để tạm ứng cho các nhà thầu, khi đó 3 dự án này sẽ giải ngân được một khoản vốn lớn”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, "với 10.000 tỷ đồng đã giao cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam và 10 dự án giao thông đường bộ quan trọng, cấp bách, cần sớm giải ngân từ nay đến cuối năm, đặc biệt là phải giải ngân hết 7.000 tỷ đồng cho các dự án cao tốc".

Liên quan đến 14 dự án giao thông cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 10 dự án đường bộ  hiện đã khởi công dự án nâng cấp QL30, các dự án còn lại như: QL57, QL53, Quản Lộ - Phụng Hiệp,… cũng đang chuẩn bị khởi công xây dựng.

“Khi chúng ta khởi công 10 dự án này, chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu 20% là giải ngân ngay được 1.600 tỷ đồng. Còn lại 4 dự án đường sắt cấp bách (khoảng 7.000 tỷ đồng), trong tuần tới Bộ GTVT xong toàn bộ dự án đầu tư để triển khai xây dựng”, Bộ trưởng nói.

Để tăng tốc giải ngân cho các dự án, Bộ trưởng cũng yêu cầu các PMU phải giải ngân đạt từ 95% kế hoạch trở lên, lãnh đạo ban mới được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với những ban đạt dưới 95% , toàn bộ ban giám đốc của ban quản lý dự án đó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và Bộ GTVT sẽ xem xét điều chuyển cán bộ”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Cùng chuyên mục
Tin khác