Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Hồi tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” (NOE). Theo đó, Chính phủ sẽ cộng quy mô của NOE vào GDP, bắt đầu từ năm 2020.
Tại hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết theo cách tính GDP mới (cộng NOE), thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam đạt khoảng 3.000 USD/người/năm tăng gần 400 USD so với cách tính áp dụng thời gian dài vừa qua.
Thông tin ông Nguyễn Bích Lâm công bố đã gây chú ý đối với dư luận xã hội, bởi qua đây, những hệ quả của việc cộng NOE vào GDP đã được hé lộ. VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) về vấn đề này.
- Ông có bình luận gì về con số GDP đầu người mà đại diện Tổng cục Thống kê công bố?
PGS.TS Phạm Thế Anh: GDP bình quân đầu người theo cách tính mới tăng từ 2.590 lên 3.000 đôla (tức tăng khoảng 15,8%). Với dân số hiện nay vào khoảng 96 triệu người thì quy mô GDP của cả nền kinh tế tăng từ 249 tỷ USD lên 289 tỷ USD (tăng 40 tỷ USD).
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ vượt được vài bậc trên bảng xếp hạng thu nhập của Ngân hàng Thế giới. Xét về hình ảnh trên trường quốc tế thì có sự cải thiện đôi chút nhưng không nhiều.
Nợ công sẽ giảm từ 58,4% GDP hiện nay xuống còn khoảng 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 46,0% GDP hiện nay xuống còn dưới 40%. Nếu phương pháp tính GDP mới được thế giới công nhận và tin cậy thì xếp hạng tín nhiệm của quốc gia có thể được nâng lên.
Thứ nữa là giảm thâm hụt ngân sách/GDP cũng giảm đi. Nếu Quốc hội duy trì hạn mức thâm hụt 3,6% GDP như hiện nay thì Chính phủ sẽ được phép vay thêm 3,6% x 40 = 1,44 tỷ USD để chi tiêu trong năm 2019. Các năm sau cũng tăng thêm theo quy mô GDP được điều chỉnh.
Quy mô của khu vực công như quy mô của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công... tính theo tỷ lệ với GDP sẽ giảm xuống.
- Có vẻ như việc điều chỉnh GDP mang lại hiệu ứng tích cực cho Chính phủ?
Đó chỉ là các thống kê trên sổ sách thôi, còn bản chất kinh tế của Việt Nam vẫn thế. Trước đây mỗi người dân có 3 bát cơm để ăn thì giờ vẫn chỉ có 3 bát cơm.
- Các phân tích của ông cho thấy thay đổi cách tính GDP sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ chỉ tiêu neo vào GDP như: nợ công, thâm hụt ngân sách, tổng thu ngân sách, đầu tư công, cung tiền, tín dụng, nợ xấu… Và đây dường như là một rủi ro?
Nó sẽ là rủi ro nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới. Ví dụ, Quốc hội duyệt cho Chính phủ được thâm hụt ngân sách bằng 3,6% GDP, nếu quy mô GDP tăng lên mà Quốc hội không thay đổi chỉ tiêu 3,6% thì Chính phủ sẽ được “rộng tay” trong việc chi tiêu hơn. Tương tự như nợ công, trần nợ công là 65% GDP, nếu GDP thay đổi mà chỉ tiêu không thay đổi thì Chính phủ sẽ được vay nợ nhiều hơn.
Vấn đề đặt ra là khi điều chỉnh quy mô GDP thì các chỉ tiêu và các ngưỡng an toàn của chỉ tiêu có được điều chỉnh theo hay không. Nếu không, người ta sẽ rất lo ngại.
Lấy thêm một ví dụ là thu thuế, Chính phủ nói thu thuế chỉ bằng 21% – 22% GDP, giờ điều chỉnh GDP thì tỷ lệ thu thuế/GDP giảm xuống, Chính phủ mà vin vào đó đòi tăng thu thuế thì rất đáng lo ngại.
- Nói chuyện thu thuế, ông có cho rằng Chính phủ sẽ tăng được nguồn thu khi thống kê NOE và cộng nó vào GDP không?
Việc thống kê NOE và việc thu thuế có mối liên hệ không chặt chẽ. Quy mô của NOE mà Chính phủ tính chỉ là ước tính, mang tính quy đổi. Đơn cử như Chính phủ thống kê dịch vụ nhà tự có tự ở hay dịch vụ cắt tóc vỉa hè vào GDP chẳng hạn, Chính phủ có thống kê vì đó là hoạt động tạo ra thu nhập hoặc tương đương như việc tạo ra thu nhập, nhưng để thu thuế những hoạt động đó thì gần như là bất khả thi.
- Có một băn khoăn là việc cộng NOE vào GDP liệu có tạo ra sự nhảy vọt về số liệu tăng trưởng?
Cái này chắc sẽ có sự điều chỉnh, con số tăng trưởng GDP sẽ không bị ảnh hưởng. Ví như năm 2019 tính GDP theo cách mới thì Chính phủ cũng sẽ quy đổi GDP của những năm trước theo phương pháp mới. Vì thế con số tăng trưởng sẽ không nhảy vọt lên mười mấy hay hai mấy phần trăm được.
- Ông có thể chỉ ra một tác động mang tính tích cực thực sự của việc điều chỉnh GDP?
Trước mắt tôi chưa nhìn thấy tác động tích cực thực sự nào của việc điều chỉnh này, nó chỉ cải thiện về mặt hình thức chứ bản chất của nền kinh tế không có gì thay đổi.
Các chỉ tiêu kinh tế neo vào GDP sẽ có sự cải thiện về mặt hình thức. Bên cạnh tỷ lệ nợ công, thâm hụt ngân sách, thu thuế, quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước… tính theo GDP giảm đi, còn có các chỉ tiêu khác như thặng dư tài khoản vãng lai/GDP, can thiệp mua vào ngoại tệ/GDP (những tiêu chí mà chính phủ Mỹ đang xem xét quy kết một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không) hay tín dụng/GDP, nợ xấu/GDP cũng có sự cải thiện nhất định.
Tuy nhiên, rất khó có thể khẳng định sự cải thiện về mặt hình thức này giúp chúng ta tránh được những rủi ro về trừng phạt thương mại hoặc có được sự cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Điều này còn phụ thuộc vào cách tính của GDP của chúng ta có được thế giới chấp nhận và tin tưởng hay không, và những toan tính thực sự đằng sau các chính sách bất thường hiện nay của ông Donald Trump là gì.
- Các phân tích trên của ông về việc điều chỉnh GDP đều đứng ở góc độ Chính phủ, vậy còn với người dân, ông có cho rằng việc điều chỉnh GDP có mang nhiều ý nghĩa?
Đối với người dân thì việc điều chỉnh GDP chả có ý nghĩa gì. Người dân đang có gì thì vẫn có như vậy, giờ người dân chỉ thêm cái lo lắng là Chính phủ có dùng GDP mới để tăng vay nợ hay thu thuế thêm hay không thôi. Họ chỉ có thêm mối lo chứ cơm áo gạo tiền thì vẫn thế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.