'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tiếp tục những phân tích ở bài trước, PGS.TS Trần Đình Thiên đã chia sẻ về cách thức Việt Nam đối diện với bối cảnh mới:
Xem bài trước: PGS.TS Trần Đình Thiên: ‘Covid-19 sẽ tạo ra khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghiêm trọng bậc nhất’
- Theo ông, bước đi của Việt Nam trong tình hình mới là gì?
Tôi cho rằng lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã nhận diện đúng các xu hướng của thế giới, các tác động, những điều kiện để nương theo. Một số điểm quan trọng là toàn cầu hóa, liên kết khu vực, công nghệ.
Về toàn cầu hóa, tôi cho rằng đây vẫn là xu hướng không thay đổi và ngày càng mạnh mẽ. Có thể có những biểu hiện nào đó của xu thế gia tăng bảo hộ hay sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn của chủ nghĩa dân tộc, nhưng xu hướng toàn cầu hóa vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, với cách thức khác và nội dung mới. Việc Việt Nam nhập cuộc vào xu hướng này là đúng, chỉ có điều là phải lượng sức mình tốt hơn và hành động hội nhập thực chất hơn.
Ta phải nhận diện rõ vấn đề: toàn cầu hóa đang diễn ra theo kiểu nào? Trước đây các nước nghiêng mạnh về phía hội nhập đa phương, nhưng có vẻ giờ Trung Quốc và nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang nghiêng hơn về phía song phương. Họ không bỏ toàn cầu hóa, chỉ có điều thay đổi cách thức, lấy “mình” làm trung tâm, kéo hết về mình và dựa mạnh vào liên kết tay đôi.
Các nước, các doanh nghiệp, muốn mở cửa, hội nhập, cạnh tranh hiệu quả cần quan tâm đến sự thay đổi này, nhất là khi nó được chủ trương bởi hai cường quốc kinh tế hàng đầu. Trong liên kết nhóm/khối/khu vực, ta cần phải xem lại để điều chỉnh cách chơi. Không thể cứ khăng khăng cách cũ mà phải mềm dẻo hơn trong chiến lược đối tác.
Về nội dung, quá trình toàn cầu hóa cũng đang có những thay đổi sâu sắc. Tôi cho rằng toàn cầu hóa hiện nay ngày càng ít dựa trên nền tảng cũ là hàng hóa – vật thể và lao động chân tay. Rõ ràng toàn cầu hóa ngày càng là toàn cầu hóa dựa vào công nghệ cao, vào kinh tế số, vào liên kết chuỗi và liên kết mạng. Cốt lõi của nó là lao động trí tuệ, là của cải số. Nghĩa là toàn cầu hóa đang có nội dung và cấu trúc mới.
Về công nghệ thì bài học châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore) đã cho thấy một nước đi sau có thể vươn lên hàng đầu nhờ công nghệ, nhờ nương theo nước mạnh.
Những bài học cho Việt Nam rất rõ: phải tiếp cận công nghệ hiện đại, tạo lập liên minh, bám sát các tập đoàn công nghệ lớn chứ không chỉ chú trọng đối tác – quốc gia; phải lành mạnh hóa thị trường để doanh nghiệp trong nước lớn lên, có thực lực hợp tác, cạnh tranh quốc tế. Thị trường của ta giờ còn méo mó vì nhà nước can thiệp nhiều quá.
Việt Nam phải giúp các doanh nghiệp nội địa lớn lên, nhất là khối doanh nghiệp của tư nhân. Mình kì thị doanh nghiệp tư nhân lâu quá, đặc biệt là đối với các tập đoàn, doanh nghiệp của tư nhân lớn.
Một môi trường méo mó thì doanh nghiệp lớn lên trong đó cũng chỉ có thể lớn lên nhờ méo mó, dễ phạm luật, vì thế, càng dễ bị ghét bỏ. Chính phủ phải tạo môi trường tốt cho họ, chứ không phải cố duy trì lâu cơ chế xin – cho, phân biệt đối xử, kiểm soát ngặt nghèo bằng cả rừng quy định và thủ tục. Đó chỉ có thể là môi trường kiếm chác dành cho những kẻ nắm quyền lực hành chính. Nó làm xói mòn tinh thần chủ động, sáng tạo, cản trở các doanh nghiệp vươn lên. Có thể có một số doanh nghiệp tư nhân tận dụng “tốt” môi trường đó – khai thác sự lỏng lẻo, sơ hở của cơ chế - để “kiếm” nhiều và lớn nhanh. Nhưng đổi lại, họ khó tạo hình ảnh tốt trong khi rủi ro họ đối mặt là rất lớn.
Tôi nhấn mạnh đến 2 chiến lược quan trọng, 2 chiến lược “trục” của Việt Nam: chiến lược khoa họa công nghệ và chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp.
Khoa học công nghệ phải là trục của chiến lược phát triển kinh tế, chứ không phải là ngành được xếp vào ngạch văn hóa xã hội như hiện nay.
Còn về phát triển lực lượng doanh nghiệp, có thể nói lâu nay ta chỉ quan tâm phát triển số lượng doanh nghiệp. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá thành tích phát triển doanh nghiệp là số lượng doanh nghiệp thành lập. Ít ai, kể cả Chính phủ, quan tâm đến chất lượng và sức mạnh liên kết của doanh nghiệp với tư cách là một lực lượng.
Thực tế cho thấy rằng số doanh nghiệp lập ra nhiều thì số giải thể, đóng cửa cũng nhiều. Mà đóng cửa nhiều nghĩa là số doanh nghiệp lớn lên thực sự chẳng còn bao nhiêu. Mà phải nhớ rằng đóng cửa một doanh nghiệp đã thành lập là một sự tốn kém không nhỏ nguồn lực xã hội.
Ta phải phát triển một cấu trúc doanh nghiệp tốt, trong đó, các doanh nghiệp có thể liên kết, nương tựa vào nhau để lớn lên, không để tình cảnh mạnh ai nấy chạy như bây giờ.
- Ông có thể chia sẻ những hoạt động của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trong thời gian gần đây?
Thời gian qua, Tổ tư vấn đã hoạt động tích cực. Thủ tướng giao nhiều việc hơn, những việc mang tính thách thức hơn. Nhất là trong đợt chống dịch covid hiện nay, Tổ Tư vấn được Thủ tướng đề nghị giúp trả lời những việc thật sự cấp bách, đúng tầm vĩ mô. Tổ cũng chủ động nêu và tìm câu trả lời cho các vấn đề nóng bỏng mà nền kinh tế đang đối mặt. Chúng tôi luôn giữ sự trung thực và khách quan trong các nhận định, thông tin để Thủ tướng suy xét.
Chúng tôi khuyến nghị Thủ tướng bên cạnh chú trọng chống dịch, coi “chống dịch như chống giặc”, còn phải chú ý giải quyết đồng thời các vấn đề lớn, nóng bỏng khác - như giải ngân đầu tư công, tháo gỡ nút thắt ở các trung tâm tăng trưởng lớn, thúc đẩy tăng trưởng ở Hà Nội và TP. HCM, giải quyết vấn đề hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm sao vừa chống dịch, vừa không để dân vùng hạn mặn có cảm giác bị Chính phủ “bỏ quên” trong mùa dịch…
Chống dịch không đơn giản chỉ là “chống dịch để bảo vệ con người”. Chống dịch còn là để bảo vệ tăng trưởng. Về dài hạn, không bảo vệ được tăng trưởng là gay go. Đứt chuỗi sản xuất, doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng, không những Chính phủ mất nguồn thu mà còn gây bất ổn xã hội. Người lao động mất việc làm, nghĩa là mất thu nhập, đời sống bị đe dọa, nhất là của đông đảo những người lao động nghèo. Nguy cơ lớn, rất lớn sau khi dịch đi qua, thậm chí đã xuất hiện ngay từ bây giờ, chính là ở chỗ đứt chuỗi việc làm và thu nhập. Đó là áp lực thật sự ghê gớm đang đặt ra trước một ngân sách còn yếu của chúng ta.
Chống dịch chính là bảo vệ tăng trưởng phải được hiểu trong một tầm nhìn như vậy. Câu nói của Thủ tướng “hi sinh lợi ích kinh tế để chống dịch” cũng hàm nghĩa “để bảo vệ kinh tế” được hiểu theo tinh thần như vậy.
Hiện tại Thủ tướng đang quan tâm đến nền kinh tế hậu Covid-19. Chúng tôi cũng đặt vấn đề dự báo triển vọng dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, tìm kiếm giải pháp ứng phó, tận dụng thời cơ như thế nào để đề xuất lên Thủ tướng. Hy vọng rằng đó là những ý kiến giúp ích cho việc ra quyết định đúng của Thủ tướng, của Chính phủ trong thời gian tới.
- GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, tình hình trước mắt vẫn chưa thể cải thiện. Nguy cơ vỡ mục tiêu tăng trưởng là hiện hữu. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có động thái hạ mục tiêu tăng trưởng, vì sao vậy?
Việc cho đến nay Chính phủ vẫn chưa tuyên bố hạ mục tiêu tăng trưởng không có nghĩa là Chính phủ không nhận thức đúng tình hình thực tế, vẫn cố chấp theo đuổi “chủ nghĩa thành tích”.
Chính phủ biết rõ nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn cỡ nào và những khó khăn đó có thể tác động đến tăng trưởng đến mức nào. Từ vài tháng nay, Chính phủ đã chỉ thị cho các bộ, ngành xây dựng và đưa ra các kịch bản tăng trưởng, cả kịch bản chung cho nền kinh tế, cả kịch bản riêng từng ngành, từng lĩnh vực. đặt ra mục tiêu tăng trưởng là để biết thực lực của nền kinh tế quốc dân, không phải là để cố chấp thành tích.
Thông qua các kịch bản đó – dự báo tăng trưởng theo xu hướng kém đi, Chính phủ hiểu rằng đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội phê duyệt năm nay là rất khó, thậm chí, đến hôm nay có thể khẳng định là hầu như không đạt được. Nhưng Chính phủ vẫn chưa tuyên bố hạ mục tiêu tăng trưởng.
Tôi nghĩ Chính phủ sẽ nêu vấn đề này ra tại kỳ họp Quốc hội để thảo luận, song không tập trung vào việc đề xuất Quốc hội “chọ hạ chỉ tiêu tăng trưởng”.
Lý do thật đơn giản: Chính phủ không muốn chạy theo “thành tích” không thực chất – bởi vì đề nghị Quốc hội cho phép hạ mục tiêu để cuối năm vẫn đạt được mục tiêu (đã được hạ thấp) để kể thành tích – đó đích thực là thứ “chủ nghĩa thành tích” mà chúng ta vẫn thường lên án.
Giữ lại chỉ tiêu cũ, để cuối năm, so với kết quả thực tế, để biết thực lực của nền kinh tế, biết năng lực điều hành thực tế của Chính phủ, có lẽ đó mới là cái Chính phủ cần theo.
Trên thực tế, Thủ tướng và Chính phủ vẫn cập nhật tình hình, đánh giá sát khó khăn, giao các Bộ lên kịch bản để lường tính phân bổ nguồn lực phù hợp chứ không hề khăng khăng “phải đạt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá”.
Tôi cho rằng một trong những bài học quan trọng mà Chính phủ đã học được là không cố chấp mục tiêu tăng trưởng, không đổ tiền để đạt được mục tiêu, nhưng giữ mục tiêu để biết sức mình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.