PGS.TS Trần Đình Thiên: ‘Covid-19 sẽ tạo ra khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghiêm trọng bậc nhất’

Xuân Hải - 06/04/2020 01:26 (GMT+7)

(VNF) – “Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, tác động của nó chỉ mang tính cục bộ. Nhưng khi dịch lan sang châu Âu rồi châu Mỹ thì kinh tế thế giới sốc cả cung lẫn cầu, với tốc độ lan tỏa nhanh, cho nên sức tàn phá rất mạnh, rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ đây sẽ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bậc nhất’, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

VNF
PGS.TS Trần Đình Thiên

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch này cũng đang cho thấy mức độ tàn phá nghiêm trọng của nó đối với nền kinh tế thế giới.

Đã có nhiều dự cảm lo lắng và thực tế cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy một cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang kéo đến. Đâu là lối thoát và kinh tế thế giới sẽ ra sao sau đại dịch là những câu hỏi vẫn còn để ngỏ.

VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, về chủ đề này.

- Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế của nhiều quốc gia, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông nghĩ đây là cuộc khủng hoảng ngắn hạn hay dài hạn?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ đây là một tai họa, gây ra khủng hoảng kéo dài chứ không phải một sự cố thông thường có thể kết thúc nhanh.

Dù rằng tự thân đại dịch Covid đã đủ gây ra suy thoái kinh tế, nhưng cần nhìn nhận rằng đại dịch chỉ là một phần của câu chuyện. Những bất ổn của kinh tế thế giới đã diễn ra từ vài năm nay. Đại dịch lần này là một cú đấm bồi, một yếu tố cộng hưởng nhưng có sức mạnh khôn lường, khiến tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trầm trọng và kéo dài hơn.

Một vấn đề của kinh tế thế giới trước đại dịch Covid có gốc rễ từ thương chiến Mỹ - Trung. Cuộc chiến này làm xáo trộn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, buộc Trung Quốc – đại công xưởng của thế giới - phải thay đổi cấu trúc phát triển. Nhưng khi Trung Quốc chưa kịp thay đổi, kinh tế thế giới đang bất ổn thì đại dịch ập đến. Trung Quốc là đại công xưởng, là đầu vào và đầu ra của thế giới, vì vậy khi Trung Quốc gặp chuyện, vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Nhưng không chỉ riêng Trung Quốc gặp chuyện. Đại dịch giờ đã lan ra toàn cầu và tạo ra sốc cả cung lẫn cầu. Kinh tế thế giới được cấu trúc bằng các chuỗi sản xuất mà những điểm nút quan trọng nhất là Trung Quốc, EU và Mỹ. Giờ cả 3 điểm nút đều “đứt” thì tình hình chắc chắn là rất nghiêm trọng, không thể chốc lát mà vượt qua được.

Dẫu chưa dự đoán được hết nhưng có thể nói cuộc khủng hoảng lần này gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chúng ta đều thấy một điều là các dự báo đều tuân thủ một xu thế: dự báo sau đều vẽ ra bức tranh ảm đạm hơn dự báo trước. Xu hướng thực tế đúng là như vậy.

- Để giải quyết khủng hoảng, các nước trên thế giới đều thực hiện các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ, nhưng dường như các giải pháp này không thực sự hiệu quả?

Nhiều cuộc khủng hoảng trước đây là khủng hoảng tài chính – tiền tệ. Chúng khác với lần này – khi nền kinh tế thế giới được cấu trúc theo chuỗi và bị Covid-19 làm đứt hầu như tất cả các chuỗi, đứt cả cung lẫn cầu, trên phạm vi toàn thế giới. Vì thế, cuộc khủng hoảng lần này rất khác, đặc biệt nghiêm trọng.

Khi các chuỗi cung ứng bị đứt, cầu bị giảm sút và bị “chặn” thì dù Chính phủ và hệ thống tài chính – ngân hàng có ra sức giải cứu bằng cách bơm tiền hay bằng hàng loạt biện pháp hỗ trợ tiền tệ, cũng khó có thể giải quyết được vấn đề như mọi lần và như mong đợi.

Tất nhiên, việc bơm tiền sẽ giúp được một số doanh nghiệp nối lại chuỗi sản xuất, hỗ trợ họ giải quyết phần nào khó khăn tài chính. Nhưng vấn đề là đa số doanh nghiệp không hẳn đã gặp khó khăn tài chính. Hoạt động sản xuất và cung ứng bị chặt đứt cả nguồn cung và nguồn cầu thì khi đó, tiền có bơm vào cũng không giúp gì được.

Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp các giải pháp tài chính. Những giải pháp này thực sự có ý nghĩa đối với không ít doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang khó khăn mà nửa đêm bị “thuế thúc nợ dồn”, không có doanh thu mà vẫn cứ phải è cổ nộp thuế, trả lãi, bị chuyển nhóm nợ thì tình hình sẽ rất tồi tệ.

Giãn nợ, giảm thuế, hạ thấp lãi vay, cơ cấu lại nợ, cho vay hỗ trợ thanh khoản… là những biện pháp giúp cho doanh nghiệp kéo dài sự sống, không lâm vào phá sản, chờ cơ hội khôi phục. Dĩ nhiên, việc bơm tiền phải tính cẩn thận chứ cứ hô hào bơm tiền, bơm tiền dễ, để tạo cơ hội kiếm chác thì nền kinh tế sẽ bị méo mó.

- Như ông phân tích thì có thể thấy dường như các giải pháp hiện thời là quá cũ cho một cuộc khủng hoảng quá mới?

Đúng là một cuộc khủng hoảng mới về thực chất, từ nguyên nhân, cơ cấu cho đến cơ chế lan truyền và hậu quả. Nhưng không vì thế mà kết luận vội vàng rằng các giải pháp hiện thời là quá cũ, hàm nghĩa vô tác dụng.

Giải pháp cũ vẫn còn nhiều giá trị, nhưng chỉ trông đợi vào cách cũ thì không đủ và không ổn. Bản chất trò chơi đã thay đổi nhiều. Việc sốc cả cung lẫn cầu là tình trạng rất hiếm khi xảy ra. Dòng tiền không trực tiếp giúp vá được lỗ thủng hay hàn gắn được chuỗi sản xuất bị đứt. Mối liên thông quốc tế của khủng hoảng cũng đã khác lắm rồi.

Ngày trước xử lý khủng hoảng tài chính, Chính phủ bơm tiền là có thể thông được ngay. Nhưng giờ nền kinh tế không thiếu tiền, thậm chí thừa tiền, bơm tiền vào có khi phản tác dụng.

Trong cuộc khủng hoảng này, phải trông chờ vào, hay đúng hơn, phải tập trung cao độ để khôi phục các chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng vì vậy mà không thể trông đợi vào một cuộc phục hồi mang tính “đồng khởi” toàn cầu được. Quá trình phục hồi sẽ diễn ra dần dần, tuy với gia tốc tăng lên nhưng sẽ kéo dài. Chính sự kéo dài này sẽ gây thêm khó khăn cho những nền kinh tế có độ phụ thuộc quốc tế cao – như Việt Nam chẳng hạn, cho những doanh nghiệp yếu kém, những người thu nhập thấp – những tất cả những chủ thể có sức chống chịu yếu. Đây là điều phải tính đến.

Các Chính phủ, các doanh nghiệp phải biết phân phối sức lực, nguồn lực cho một cuộc phục hồi trường kỳ, khó khăn chứ không phải dốc sức để giành thắng lợi ngắn hạn. Càng nghèo càng phải tính dài!

- Như vậy là cứ phải chờ hết dịch?

Nhiều giải pháp hiện thời chưa phát huy tác dụng ngay lập tức. Đừng trông đợi vào phép màu khi khó khăn mang tính toàn cầu và đỉnh tồi tệ vẫn còn ở phía trước. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cứ “ôm cây đợi thỏ”. Ta vẫn phải tích cực chặn dịch, bảo vệ và hỗ trợ tăng trưởng. Covid không nhân nhượng những kẻ có “tầm nhìn chờ đợi”.

Chính phủ Việt Nam xác định rất trúng: chống dịch xong sớm thì sản xuất được khôi phục sớm, nền kinh tế sẽ thoát sớm khỏi điểm sinh tử để hồi phục dần.

Chỉ có điều khó khăn là nếu một mình Việt Nam thoát dịch thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Nền kinh tế Việt Nam có độ liên thuộc quá lớn vào thị trường thế giới. Nghĩa là Việt Nam phải tính các bước đi phục hồi của kinh tế thế giới, nương theo nó để nắm bắt cơ hội, để tìm cách bứt phá trước.

Đối với thế giới, có lẽ chưa lúc nào chân lý “phải cùng nhau” lại sáng rõ như lúc này. Để thoát nạn, cả thế giới phải hành động cùng nhau, cùng chung sức dập dịch, khi đó cung - cầu mới khôi phục, các chuỗi sản xuất mới hồi sinh, các giải pháp kích thích kinh tế mới phát huy tác dụng. Còn nếu lúc này ai đó chỉ lo ăn mảnh, lừa dối đối tác, tập trung kiếm chác, tuy có thể được lợi ít nhiều nhưng chắc chắn khi bão tố qua đi, sẽ trở thành kẻ “độc hành” bị loài người xua đuổi.

- Ông cho rằng kinh tế thế giới sẽ biến đổi thế nào sau đại dịch?

Như đã nói, không phải đến đại dịch Covid-19 thế giới mới thay đổi. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự đảo lộn tương quan sức mạnh trên phạm vi toàn cầu, thế giới đã thay đổi căn bản cấu trúc và logic phát triển.

Covid-19 thúc đẩy thêm xu hướng đó, rất mạnh, bằng cách làm bộc lộ rõ những điểm yếu cốt tử của phương thức loài người sinh sống; bằng cách buộc loài người phải huy động và phát triển những năng lực cao nhất của mình để giành thắng lợi trong cuộc đấu.

Quả thật, bằng cách buộc cả loài người phải “tự cấm vận”, Covid-19 cho thấy bao nhiêu điều bất hợp lý, bao nhiêu thứ lãng phí đang tồn tại trong đời sống của chúng ta. Trong khi đó, cách dẹp bỏ chúng thật sự đơn giản, không cần tốn quá nhiều cuộc họp, nhiều nỗ lực và của cải một cách vô ích, kiểu như chúng ta vẫn phải làm lâu nay để “tinh giản biên chế”.

Covid-19 cũng chứng tỏ rằng cách thiết kế các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu như hiện nay thực sự quá rủi ro: rủi ro do chiến tranh thương mại gây ra tích hợp với rủi ro dịch bệnh, chưa nói đến rủi ro do virus gây ra. Chưa có một cấu trúc thể chế nào đủ năng lực, quyền lực và trách nhiệm đứng ra giải quyết vấn đề.

Rủi ro là câu chuyện toàn cầu, ngày càng là vấn đề toàn cầu. Nhưng hiện giờ, phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là “nước nào lo thân nước đó”, lo cho mình mạnh lên, vĩ đại trở lại. Rõ ràng, bài toán phát triển hiện đại không thể giải theo cách đó.

Xin được nhắc lại: thế giới đang thay đổi căn bản về cấu trúc và logic phát triển. Cục diện phát triển trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng mặt. Trung Quốc đã từng trỗi dậy phi thường. 5 năm trước, Trung Quốc đặt khát vọng dẫn đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ chủ chốt vào năm 2015. Nhưng giờ đây, chưa ai nói được nền kinh tế Trung Quốc sẽ là gì sau đại dịch Covid-19, cộng với cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động..

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội cho tất cả các nước nhảy vào kỷ nguyên kinh tế số - công nghệ cao. Với thuộc tính chủ đạo của thời đại là tốc độ cao, mọi điều đều có thể diễn ra, rất nhanh và rất bất thường. Cả dịch Covid-19 cũng vậy.

Hậu Covid, chắc chắn loài người sẽ chuyển sang một quỹ đạo phát triển hoàn toàn khác. Những điểm then chốt của quỹ đạo đó căn bản chưa bộc lộ, còn rất nhiều việc phải thảo luận, phải dự báo, không thể đoán mò và đoán bừa.

Chỉ có một điểm khá rõ ràng, có thể định hình: các hình thái liên minh và xung đột đang thay đổi. Hãy đừng chỉ quan tâm tới xung đột kiểu cũ mà hãy chú ý hơn tới hình thái xung đột mới.

- Những biến số và ẩn số…?

Ông Henry Kissinger vừa phát biểu rằng đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi vĩnh viễn trật tự thế giới. Có lẽ nhiều người đồng ý với ý kiến này.

Thế giới đang rất “động”, toàn biến số lớn và vì là biến số nên cũng là ẩn số.

Trong khoảng chưa đầy nửa thế kỷ qua, Liên xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, Chiến tranh lạnh chấm dứt, Trung Quốc trỗi dậy làm đảo lộn trật tự thế giới, Tây Âu liên kết thành Liên minh châu Âu... Thế giới có xu hướng “đơn cực hóa” với Mỹ đóng vai lãnh đạo. Fukuyama viết cuốn sách “Sự kết thúc của lịch sử?” với dấu chấm hỏi.

Còn bây giờ thì EU đang loạng choạng hậu Brexit và cú đổ bộ ào ạt của dòng người tỵ nạn từ châu Phi – Trung Đông.

Trung Quốc – sau cú trỗi dậy thần tốc kéo dài 30 năm, trở thành một thế lực toàn cầu, giờ đây đang phải chống chọi với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt và cơn bão Covid-19, trong tình thế “thập diện mai phục” mà chưa biết tương lai phục hồi sẽ ra sao.

Dịch Covid-19 đẩy cả loài người – không riêng nước nào – vào thế thủ, làm đứt tất cả các chuỗi liên kết mà con người dày công tạo lập trên phạm vi toàn cầu, gây hoảng loạn chưa từng thấy.

Covid-19, một cách đầy thách thức, đang gây đe dọa nhất đối với những nước phát triển nhất chứ không phải là những nước yếu kém. Nước Mỹ lo bị “vỡ trận”. Trung Quốc, Tây Âu cũng vậy. Càng phát triển cao, dường như hệ thống phòng thủ càng có điểm yếu chí tử.

Đó là chưa tính đến ẩn số “kinh tế số”. “Hậu Covid” chắc chắn sẽ là thời đại kinh tế số lên ngôi. Điều này được chiếc điện thoại thông minh - cứu tinh cửa biết bao người trong thời “covid cấm vận” – khẳng định.

Nhưng kinh tế số sẽ tích hợp thế nào với nền kinh tế thực, nó sẽ gây ra những đảo lộn gì – là những điều hiện vẫn còn rất “tù mù”. Cuộc sống mỗi người – hành vi, lối sống, các chuẩn mực giá trị... sẽ thay đổi căn bản. Nhưng thay đổi như thế nào đây?

- Ông đã nói đến nhận xét đại dịch làm thay đổi trật tự thế giới. Có một điều là trong ứng phó với đại dịch lần này, nước Mỹ không có nhiều góp sức cho toàn cầu, trong khi đó Trung Quốc lại liên tục thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm quốc tế. Điều này làm dấy lên những nhận định rằng nước Mỹ đang đánh mất vai trò lãnh đạo. Ông có bình luận gì về nhận định này?

Đại dịch bùng phát rất nhanh, các nước đều lo truy tìm nguồn gốc dịch bệnh và cách chữa trị. Đến giờ chưa ông nào có đủ “võ” để nói hay. Tôi thấy Mỹ hành động cơ bản là bình thường. Có thể hơi chủ quan, chậm chạp và bị bất ngờ với Trung Quốc. Nhưng nói Mỹ đánh mất vai trò lãnh đạo thì chưa phải, quy kết Mỹ phải chịu trách nhiệm quốc tế này nọ e là quá vội vã.

Trung Quốc tuyên bố đã khống chế được dịch, bây giờ giúp đỡ các nước chống dịch. Như vậy là đúng thôi. Và nếu đúng như vậy thì họ sẽ phục dựng lại hình ảnh tốt trên trường quốc tế.

Nhưng mặt khác, cần phải thấy rằng việc Trung Quốc cung cấp khẩu trang, máy trợ thở cho các nước đang bị dịch nặng cũng xuất phát từ năng lực của Trung Quốc. Họ đang là đại công xưởng của thế giới, có năng lực sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ. Các nước Tây Âu, Bắc Mỹ vượt qua trình độ “gia công may” từ lâu rồi, làm gì có máy khâu mà sản xuất khẩu trang. Lúc này, Trung Quốc lại đang ở vị trí cường quốc “may mặc”, họ nên thể hiện trách nhiệm của mình chứ không phải là lạm dụng vị thế “độc quyền” để bắt chẹt, gây áp lực và kiếm lợi cho mình.

Còn nước Mỹ, có thể hình ảnh và vị thế bị giảm sút phần nào do thái độ chủ quan và cách hành động thiếu sự phối hợp quốc gia khi chiến đấu với dịch Covid-19. Nhưng nói nước Mỹ đang đánh mất vai trò lãnh đạo thế giới thì có lẽ là hơi sớm. Đối đầu với kẻ thù như dịch Covid-19, nền dân chủ Mỹ bộc lộ ra điểm yếu, nhưng họ chẳng dại từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng ông Donald Trump, khi rút Mỹ ra khỏi TPP, đàm phán lại các hiệp định, hiệp ước với các đồng minh lâu đời như Canada, Mexico hay cả EU, là đi ngược xu hướng toàn cầu hóa, làm suy yếu nước Mỹ, đánh mất vai trò lãnh đạo của Mỹ, nhưng có lẽ ông Donald Trump làm như vậy là đúng.

Thực tế, ông Trump không bỏ toàn cầu hóa, chỉ là ông muốn toàn cầu hóa theo kiểu khác. Ông đang làm cho nước Mỹ mạnh lên, nhưng theo cách khác cách mà các tổng thống đời trước vẫn làm.

Tôi nghĩ ông Trump đang làm đúng. Mỗi thời một cách làm, đâu nhất thiết phải giữ nguyên những nguyên tắc cũ, cứ phải làm theo cách cũ…

(còn tiếp)

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.