Phá vòng vây của EU, Nga mở đường mới chở dầu đến Trung Quốc nhanh và rẻ hơn

Mai Lý - 20/07/2023 15:12 (GMT+7)

(VNF) - Với tuyến đường mới này, Nga có thể vận chuyển dầu đến Trung Quốc với thời gian ngắn hơn cùng chi phí thấp hơn đáng kể.

VNF

Theo Bloomberg, con tàu chở dầu Primorsky Prospect, lớp Aframax của Nga đã rời cảng Ust-Luga vào ngày 11/7 và đang trên đường vận chuyển khoảng 730.000 thùng dầu Urals tới Trung Quốc. Đáng chú ý, tàu chở dầu của Nga sẽ đi qua biển Bắc Cực để đến thành phố Nhật Chiếu, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Theo kế hoạch, tàu chở dầu của Nga sẽ cập cảng vào ngày 12/8 tới đây.

Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt khiến bản đồ dòng chảy dầu mỏ toàn cầu được vẽ lại. Nga buộc phải tìm kiếm “bến đỗ” mới cho dầu thô của mình, tăng cường vận chuyển dầu tới Trung Quốc và Ấn Độ. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (Anh), gần 90% lượng dầu mỏ của Nga được xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuyến đường vận chuyển qua biển Bắc Cực

Tuy nhiên, sau khi tìm được thị trường, Nga lại phải đối mặt với một vấn đề khác. Quãng đường vận chuyển dầu tới các thị trường mới xa hơn khiến thời gian giao hàng lâu hơn và cước vận chuyển đắt đỏ hơn.

Moscow đang tìm cách biến tuyến đường biển phía Bắc (NSR) trở thành con đường vận chuyển dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Tuyến đường biển phía Bắc chạy qua biển Bắc Cực và là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Âu và Đông Á. Nhờ đó, việc sử dụng tuyến đường NSR có thể giúp Nga rút ngắn hành trình vận chuyển dầu tới 2 tuần, hoặc khoảng 30% so với tuyến đường phía Nam chạy qua Địa Trung Hải và kênh đào Suez.

Nga đang tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ

Tuy vậy việc sử dụng tuyến đường NSR để vận chuyển hàng hóa đã bị phản đối từ lâu. Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết việc sử dụng tuyến đường NSR với mục đích trên có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho môi trường khi lượng khí thải cao hơn và hệ sinh thái biển bị đe dọa.

Dẫu vậy Nga vẫn không từ bỏ tuyến đường NSR. Công ty năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga cùng với các nhà sản xuất đầu đang nghiên cứu về việc chuyển hướng các chuyến hàng dầu thô từ cảng Baltic qua Bắc Cực. Trong khi đó, Novatek – công ty sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai của Nga cũng lên kế hoạch bắt đầu vận chuyển quanh năm qua tuyến đường biển Bắc Cực vào năm 2024 tới.

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác