Tiêu điểm

Phát triển đôi bờ sông Hàn: Cú hích nâng tầm Đà Nẵng

(VNF) - Không chỉ nổi tiếng là “Thành phố biển”, Đà Nẵng còn được biết đến với tên gọi “Thành phố sông Hàn”. Dòng sông Hàn như “dải lụa xanh biếc vắt ngang” góp phần quan trọng vào sự phát triển không ngừng nghỉ của Đà Nẵng.

Phát triển đôi bờ sông Hàn: Cú hích nâng tầm Đà Nẵng

Ảnh minh hoạ

“Trái tim” của thành phố

Từ một đô thị quay lưng ra biển, ra sông, từ 1/1/1997, sau ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo thời đó đã có chủ trương hướng biển và “kéo dài” dòng sông. Vì vậy, hàng loạt cây cầu với những lối kiến trúc độc đáo nối 2 bờ sông Hàn tiến thẳng ra biển đã được xây dựng. Nhiều nhà chồ lụp xụp ven sông được di dời giải tỏa với khối lượng lớn. Thay vào đó là những khu dân cư, các khu trung tâm thương mại sầm uất, các tòa nhà phức hợp đa năng, các công viên, khu vui chơi dịch vụ giải trí… được hình thành 2 bên bờ sông Hàn.

Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các kiện quan trọng của thành phố, đồng thời cũng là tâm điểm thu hút khách du lịch. Bức tranh đô thị Đà Nẵng đã có sự thay đổi mạnh mẽ sau khi hơn 25 năm xây dựng. Ngày nay, Đà Nẵng đã là một đô thị hiện đại với trung tâm được mở rộng từ bờ Tây sang bờ Đông sông Hàn.

Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nhận định sông Hàn không chỉ là một dòng sông mà còn là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng, cho con người Đà Nẵng và những ai yêu Đà Nẵng. Nếu không có dòng sông Hàn thì không có đường Bạch Đằng đẹp như ngày hôm nay, không có đường Trần Hưng Đạo ở bên kia sông, song song với đường Bạch Đằng. Nếu sông có sông Hàn thì không có những cây cầu như: Sông Hàn, Thuận Phước, Trần Thị Lý, cầu Rồng... Và không thể biến quận ba “nước xanh như tàu lá” nay cũng không khác gì bên này - “phố xá thênh thang”.

“Có một điều rất rõ ràng, nếu không biết khai thác sông Hàn, Đà Nẵng sẽ phát triển chậm như thời kỳ trước năm 1975. Lãnh đạo thành phố đã hiểu được giá trị dòng sông Hàn, biết phát huy thế mạnh, khai thác những tiềm năng của nó để đưa Đà Nẵng đi lên”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nhiều thủ đô, thành phố trên thế giới có những dòng sông tạo thành ấn tượng không thể quên cho thành phố đó. Ví dụ như sông Seine của Paris (Pháp), sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), sông Nile của Ai Cập hay sông Danube chảy qua nhiều thủ đô của các nước Đông Âu…

Đà Nẵng từ xa xưa đã có dòng sông Hàn. Tổ tiên người Đà Nẵng dù là người Chăm hay người Việt sau này đều coi dòng sông Hàn như là báu vật của nhiên nhiên ban tặng cho con người vùng đất này. Trải qua thăng trầm lịch sử, dòng sông Hàn lại càng trở nên gắn bó với con người, với sự phát triển của Đà Nẵng. “Với vị trí và cảnh quan của mình, dòng sông Hàn sẽ còn đưa thành phố phát triển hơn nữa, phồn vinh hơn nữa khi khu vực này được quy hoạch bài bản và quản lý tốt những giá trị mà dòng sông này mang lại”, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quy hoạch TP. Đà Nẵng, cũng cho biết ngay từ khi được công nhận là đô thị loại 1, chủ trương của chính quyền thành phố là kéo dài dòng sông Hàn, hướng luồng sinh khí từ Tây sang Đông. Để phát triển kinh tế, du lịch về phía Đông sông Hàn, nhiều cây cầu đã hình thành vươn thẳng ra biển.

Tuy nhiên, sự phát triển đô thị ở 2 bên bờ sông Hàn hôm nay chưa mang đến các yếu tố kết nối các trục cảnh quan ven sông, ven biển, hình thái kiến trúc các công trình còn đơn lẻ, các khu vực công cộng bị gián đoạn dọc theo bờ sông và các khu liền kề. Trong quá trình phát triển nóng, các khu vực hiện hữu tại trung tâm không còn nhiều quỹ đất để phát triển mới, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp nhịp độ đô thị hóa và định hướng phát triển theo quy hoạch chung. “Song chúng ta cũng phải thừa nhận dòng sông Hàn bây giờ khi đêm về ánh sáng lung linh, dòng người nhộn nhịp và cũng khẳng định rằng đây là một trong những thành quả xây dựng đáng ghi nhận trên đường phát triển của thành phố Đà Nẵng” ông Loan nói.

Tiếp tục “thay áo”

Xác định vai trò quan trọng của khu vực sông Hàn, mới đây Đà Nẵng đã phê duyệt Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông thành phố. Theo đó, phân khu ven sông Hàn và bờ Đông gồm một phần các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà (ngoại trừ bán đảo Sơn Trà) và Ngũ Hành Sơn. Tính chất của phân khu đô thị này được xác định là khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng; trung tâm hành chính - chính trị; cửa ngõ du lịch ven sông, ven biển; trung tâm hội nghị quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính; trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao khu vực miền Trung; trung tâm văn hóa - thể thao và y tế. Tổng dân số toàn phân khu đến năm 2030 khoảng 484.000 người.

Chính quyền TP. Đà Nẵng cũng quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào việc phát triển “Dòng sông ánh sáng” chiếu sáng đôi bờ sông Hàn và những cây cầu ở Đà Nẵng. Đây là đồ án chiếu sáng mỹ thuật theo chủ đề, kết hợp các hoạt động lễ hội, văn hóa tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trong đó, tâm điểm lan tỏa trục ánh sáng mỹ thuật dọc dài trên toàn tuyến sông Hàn chính là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Theo ông Nguyễn Cửu Loan, sau khi Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông được phê duyệt thông qua, sẽ thấy được một đô thị Đà Nẵng hiện đại, có bản sắc và mang nhiều tầm vóc.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cái hay của sông Hàn là ở chỗ là dòng sông song song với biển tạo ra những dải không gian nước theo hướng Bắc – Nam. Khi phát triển đô thị, đây là một không gian rất tốt. Không gian cảnh quan trong bán kính đi bộ có thể ra biển hoặc ra sông, có không gian rất thuận lợi cho việc xây dựng đô thị xanh. “Tuy nhiên trên thực tế Đà Nẵng chưa tận dụng tốt tiềm năng này, hiện giờ diện tích không gian xanh của Đà Nẵng khá ít. Đáng lẽ thành phố phải có nhiều hơn cho không gian xanh. Cái thứ 2 là cần tạo không gian xanh theo hướng Đông Tây, giúp gió đi vào đô thị làm mát đô thị. Cái này Đà Nẵng cần phải khắc phục bổ sung”, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng 2 bên bờ sông Hàn có thể phát triển cao ốc nhưng nên lưu ý phát triển những trục đại lộ xanh, thẳng góc với ven biển và ven sông. Tránh xu hướng làm bức tường cao ốc 2 bên sông sẽ giới hạn không gian. Thay vào đó là bám theo đại lộ xanh hướng Đông Tây. Quy hoạch phân khu ven sông Hàn cũng vậy, cần tổ chức thêm những đại lộ xanh, quảng trường xanh hướng về phía biển để làm sao cho người dân có thể đi xe đạp không chỉ ven sông mà còn có thể chạy ra biển.

Tin mới lên