'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Đây được coi là tín hiệu tích cực, giúp công nhân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội được tiếp cận nhà ở và ổn định cuộc sống.
Hoàn thành 371 dự án nhà ở xã hội
Số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, đến nay, toàn quốc hoàn thành 371 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 191.300 căn, tổng diện tích 9,6 triệu m2.
Riêng giai đoạn 2021-2025, cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội, với quy mô gần 403.000 căn, trong đó đã hoàn thành 70 dự án với gần 35.600 căn, khởi công xây dựng 127 dự án với gần 107.900 căn và chấp thuận chủ trương đầu tư 298 dự án với 259.400 căn.
Bộ Xây dựng cho hay, sau khi triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, 27 tỉnh đã công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình này, với nhu cầu vốn 28.000 tỷ đồng. Một số dự án tại các địa phương đã được giải ngân gói tín dụng này. Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng hạn, chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 428.000 căn hộ.
Hiện, cả nước có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động làm việc trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Công nhân lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất nhu cầu về nhà ở càng lớn. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trưởng ban Ban quản lý Dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Văn Nghĩa thông tin: Theo khảo sát của tổ chức công đoàn, 60% số công nhân lao động đang phải thuê tại các khu nhà trọ do người dân tự xây, thường chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn. Tiền thuê nhà từ khoảng 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đ/tháng…
“Với thu nhập trung bình 6 - 9 triệu đông/người/tháng, hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà. Họ đang mong chờ có thể mua căn hộ trả góp tại các dự án nhà ở xã hội giá rẻ hoặc trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp, để được thuê những căn hộ phù hợp với khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt…’’, ông Lê Văn Nghĩa chia sẻ.
Còn vướng mắc nhưng phải nỗ lực triển khai
Những năm qua, chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành đã tập trung triển khai Đề án nhà ở xã hội đạt hiệu quả cao nhất, song, theo cơ quan chức năng, việc phát triển nhà ở xã hội còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; như: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua - bán, việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải trải qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình…
Để khắc phục những tồn tại lâu nay, thực hiện đúng mục tiêu đặt ra tới năm 2030, giúp người lao động có điều kiện tiếp cận chỗ ở tốt hơn, “an cư lạc nghiệp”, yên tâm công tác, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng các bộ ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính cho dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc chủ động hơn của Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Giải pháp để thực hiện Đề án trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, kịp thời đảm bảo nhu cầu tín dụng để giải ngân gói ưu đãi.
Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; hướng dẫn địa phương rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây lại chung cư. Thủ tục triển khai các dự án nhà ở xã hội sẽ được đẩy nhanh hơn. Đặc biệt, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp triển khai.
Với vai trò của mình, trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ khảo sát nhu cầu về nhà ở của 36 địa phương đã giới thiệu vị trí đất để Tổng Liên đoàn xem xét đầu tư thiết chế công đoàn. Nếu nhu cầu và vị trí đất đó phù hợp thì sẽ tiến hành các bước tiếp theo như lập quy hoạch, xin chủ trương đầu tư, lập trình tự thủ tục đầu tư và triển khai công tác đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê theo đúng quy định tại Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ phối hợp với nhà đầu tư khu công nghiệp, cùng UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư triển khai phát triển dự án nhà ở xã hội cho người lao động thuê và mua theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg. "Thực hiện đồng bộ cả 2 hình thức đầu tư sẽ giúp sớm tăng quỹ nhà nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người lao động'', ông Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Luật Nhà ở 2023 vừa được Quốc hội thông qua đã chính thức quy định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, bằng nguồn tài chính công đoàn. Đây được coi là món quà thiết thực đối với tổ chức công đoàn và người lao động trong cả nước. Chính sách này phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong đó có quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. |
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.