Phía sau hành trình làm xe tự hành 'Made in Vietnam'

Lê Ngà - 21/11/2021 17:08 (GMT+7)

(VNF) - Gần đây, Tập đoàn Phenikaa (Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A) đã giới thiệu xe tự hành thông minh cấp độ 4 “made in Vietnam” do chính đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia của công ty này nghiên cứu, phát triển.

VNF
Ông Lê Anh Sơn, Viện phó Viện nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (Prati), CEO Công ty Cổ phần Phenikaa X

Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Sơn, Viện phó Viện nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (Prati), CEO Công ty Cổ phần Phenikaa X, về quá trình lên ý tưởng, nghiên cứu, ra đời chiếc xe đặc biệt này.

- Xe tự hành “made in Viet Nam” đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Phenikaa phát triển đã trải qua quá trình phát triển như thế nào?

Ông Lê Anh Sơn: Quá trình nghiên cứu khá lâu nhưng trước đó chỉ là nghiên cứu riêng lẻ của các thành viên vì đam mê và để tích luỹ kinh nghiệm. Từ khi chính thức lên ý tưởng, chúng tôi mới tập hợp các anh em làm khoa học ở các nước để thành lập đội chuyên nghiên cứu về giải pháp tự hành. Từ khi nghiên cứu chính thức đến khi có “prototype” (xe nguyên mẫu) đầu tiên mất khoảng 6 tháng, từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020.

- 6 tháng là khá nhanh, quá trình nghiên cứu có vẻ dễ dàng?

Thực tế quá trình nghiên cứu và phát triển đến khi hoàn thiện gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, các thành phần cấu tạo nên xe điện như pin, động cơ chưa được công ty nào tại Việt Nam phát triển nên mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, chọn lựa.

Thứ hai, các cảm biến hầu hết được sản xuất tại các nước phát triển như Nhật và Mỹ, đúng vào giai đoạn Covid-19 hoành hành nên cũng mất rất nhiều thời gian để nhập về Việt Nam.

Thứ ba, các công nghiệp phụ trợ cho xe tự hành như bản đồ số, hệ thống vệ tinh… không có ở Việt Nam nên chúng tôi phải làm mọi thứ từ đầu.

- Xe tự hành đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe về an toàn, vậy chiếc xe tự hành do Tập đoàn Phenikaa phát triển có đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc tế không?

Có rất nhiều tiêu chuẩn về an toàn được đặt ra cho xe tự hành (nhất là xe tự hành hoàn toàn – từ cấp 4 trở lên), ví dụ tiêu chuẩn của Hiệp hội xe ô tô Mỹ, hay các tiêu chuẩn về ISO. Phenikaa cũng xác định rõ các tiêu chuẩn này và luôn thực hiện theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc tế.

- Hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ đang tiến hành nghiên cứu xe tự hành, vậy xe của Phenikaa có lợi thế cạnh tranh gì?

Rất nhiều hãng lớn đang “đổ tiền” vào nghiên cứu xe tự hành, nhất là xe tự hành hoàn toàn, vì đó là phương tiện được coi là tương lai của giao thông. Song, cần thấy rằng, giao thông tại Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á hoàn toàn khác biệt với việc sử dụng nhiều xe máy – loại phương tiện di chuyển rất linh hoạt, không đoán định được quỹ đạo.

Chính vì thế, nếu vượt qua được thách thức là để xe tự hành hoàn toàn đi lại được ở Việt Nam thì gần như xe đã có thể đạt đến cấp độ 5 (có thể tự hành mọi nơi trên thế giới). Thêm vào đó, sản phẩm xe tự hành thuộc hàng đắt đỏ.

Với việc phát triển công nghệ lõi riêng, hy vọng có thể tối ưu hoá hoạt động của các cảm biến, chúng tôi kỳ vọng sẽ mang đến một giải pháp tối ưu không những về hoạt động mà còn về giá thành để có thể đưa giải pháp này đến nhiều người sử dụng hơn.

- Ô tô càng hiện đại, được trang bị nhiều tính năng công nghệ thì chi phí sửa chữa, bảo dưỡng càng tốn kém. Với xe tự hành của Phenikaa thì sao?

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, việc bảo dưỡng các phương tiện, nhất là các phương tiện sử dụng điện, sẽ đỡ tốn kém hơn các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong do các thành phần cấu tạo của xe điện ít hơn. Xe điện chủ yếu bảo dưỡng pin và động cơ.

Đối với mẫu xe tự hành của Phenikaa, chúng tôi đang nghiên cứu và tính toán các chi phí mà khách hàng có thể phải trả trong quá trình sử dụng. Chúng tôi hi vọng sẽ có con số này sớm và hi vọng chi phí sửa chữa, bảo dưỡng ở mức có thể chấp nhận được đối với người tiêu dùng.

- Mẫu xe tự hành được Tập đoàn hướng đến nhóm đối tượng nào, mục đích sử dụng như thế nào?

Xe tự hành của Phenikaa được định hướng trở thành xe dành cho các khu biệt lập như Smart City, sân golf, sân bay… để kết nối các khu biệt lập này với hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Loại xe này không có người lái, vì vậy việc vận chuyển người trong các khu vực được thực hiện theo một chương trình lập sẵn, theo một cung đường đã được đặt ra hoặc sử dụng giống như các taxi không người lái.

- Tính từ thời điểm ra mắt đến nay, đã có bao nhiêu đơn vị đặt mua mẫu xe tự hành này và số lượng bao nhiêu?

Sau khi ra mắt mẫu xe tự hành vào tháng 3/2021, chúng tôi đang thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, thực hiện các thử nghiệm và sẽ sản xuất ra các prototype khác để tiến hành nghiên cứu.

Trung bình, một dòng xe muốn ra thị trường mất khoảng 3 - 5 năm thử nghiệm. Xe tự hành của Phenikaa cũng phải trải qua thời gian thử nghiệm tương tự để hoàn thiện. Chính vì thế, chúng tôi chưa nhận đặt hàng chính thức của bên nào.

- Trong năm 2022, nhóm nghiên cứu và Tập đoàn Phenikaa có những dự định gì?

Chúng tôi đang phát triển tiếp phiên bản số 2 của xe tự hành, phiên bản hoàn thiện hơn với nhiều chức năng trong năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thực hiện việc kiểm nghiệm thực tế sử dụng (PoC) tại một số khu đô thị (thành phố thông minh) để hiểu rõ hơn về nhu cầu cũng như tiếp tục cải tiến các chức năng phù hợp với việc sử dụng của người Việt Nam. Qua đó, chúng tôi hi vọng có thể đưa được một sản phẩm thực sự hoàn thiện đến tay người tiêu dùng.

Cùng chuyên mục
Tin khác