Phó Thủ tướng: ‘Trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ’
Minh Tâm -
17/11/2017 10:02 (GMT+7)
(VNF) – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, đảm bảo cân đối bố trí trả nợ đầy đủ và đúng hạn là điều rất quan trọng.
Sáng 16/11 tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sau phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có báo cáo thêm về việc quản lý thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn bền vững nợ công giai đoạn từ nay tới năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay nợ công ở mức 62,6% dưới mức trần cho phép của Quốc hội (65%), trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỷ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%.
"Nhiều thành viên của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công", Phó Thủ tướng cho biết.
Thay vào đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính lập đề án cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã có riêng một Nghị quyết về vấn đề này. Từ cơ sở đó, Chính phủ trình kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại các khoản thu chi ngân sách, giảm dần bội chi.
Trước đó, trả lời chất vấn về trần nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn, nên cần tiếp tục kiểm soát. Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công không quá trần 65% và nợ nước ngoài không quá 50%.
Bộ trưởng cho biết thêm: "Nợ công vẫn ở trong giới hạn cho phép. Vừa qua, nợ công đã từng được kiểm soát chặt chẽ, bước đầu cơ cấu lại và kiểm soát tương đối có kết quả".
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu quốc hôi
Tuy nhiên, các đại biểu vẫn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả của đầu tư công. Nêu ví dụ về việc vừa qua, có 12 dự án lớn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế đầu tư không hiệu quả, gây đội vốn đầu tư, thua lỗ nghiêm trọng... đại biểu Nguyễn Quang Thuấn (Hà Nội) cho rằng, nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả lại gây thiệt hại kép, có thể làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và uy tín Quốc gia.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Quốc hội đang thảo luận thông qua Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Quan điểm để kiểm soát nợ công là chỉ tập trung các nguồn vốn vay cho các dự án quan trọng, siết chặt bảo lãnh Chính phủ với các các nguồn vốn vay, Quốc hội đã có kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm. Giải ngân vốn ODA kiên quyết tuân thủ theo nghị quyết Quốc hội đã thông qua là 300.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính công, đầu tư công.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, nợ gốc và lãi vay của Chỉnh phủ phải trả tăng nhanh, năm 2017 là 250.000 tỷ đồng (2010 là 100.000 tỷ đồng), làm thế nào để kiểm soát nợ công mà vẫn đảm bảo đầu tư phát triển?
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chính phủ đang kiểm soát để nợ công chậm lại. Để tăng cường quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã trình chủ trương về tái cơ cấu ngân sách, kế hoạch tài chính 5 năm. Trong đó, có chỉ tiêu trần nợ công, hoàn chỉnh luật nợ công sửa đổi… từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công.
"Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tập trung vào việc sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng và có tác động lan tỏa. Từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công, tiếp đến là xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và cắt giảm bội chi", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng, kiểm soát được bội chi là cực kỳ quan trọng. Một trong những giải pháp là thắt chặt bảo lãnh Chính phủ.
Bộ trưởng chỉ rõ, trong năm nay, Chính phủ không bảo lãnh thêm một dự án nào, đặc biệt là các dự án của doanh nghiệp; Chính phủ có giải ngân các dự án được bảo lãnh trước và 2 ngân hàng chính sách trong Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như trong Nghị quyết của Quốc hội là chỉ bảo lãnh cho phát hành ngang bằng với số trả nợ, không phát hành số dư tăng thêm.
"Chúng ta cũng cần đảm bảo cân đối bố trí trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Điều này rất quan trọng và trong kế hoạch chúng ta cũng đã có; tiếp đến là tăng cường thanh tra, kiểm tra, minh bạch tài chính công; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ đầu tư công; hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán.
Thời gian vừa qua, với các giải pháp này, các ngành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tài chính, các cấp cũng đã vào cuộc, dù vẫn còn những tồn tại nhưng từng bước cũng đã xử lý được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone