Phục hồi sản xuất kinh doanh: Doanh nghiệp 'đói' vốn

Ngọc Mai - 16/10/2021 07:30 (GMT+7)

Làn sóng Covid-19 thứ 4 kéo dài khiến doanh nghiệp cạn kiệt sức lực, kiệt quệ tài chính, đứt gãy dòng tiền.

VNF
Phục hồi sản xuất kinh doanh: Doanh nghiệp 'đói' vốn

Việc Chính phủ và các tỉnh, thành quyết tâm nới lỏng giãn cách, tăng cường phục hồi sản xuất kinh doanh sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sớm phục hồi. Tuy nhiên, họ cần ngân hàng bơm thêm “ôxy tín dụng” để tạo thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất.

Cần vốn vay lãi suất thấp

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bùng phát mạnh, ảnh hưởng đến các lĩnh vực đã khiến hàng loạt chi phí tăng vọt như cước vận tải, vật tư, bao bì, thức ăn chăn nuôi, kho đông lạnh… khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh phí chồng phí.

Bên cạnh đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp tiếp tục phải gánh thêm một khoản chi phí lớn cho việc xét nghiệm. Trong khi đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp hạn chế, nhiều đơn hàng không thực hiện được khiến doanh thu của công ty giảm mạnh.

“Hoạt động của công ty phải lấy từ nguồn lợi nhuận tích lũy của doanh nghiệp, nhưng nay cũng bị bào mòn hết. Lúc này, doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất để trả các đơn hàng cho đối tác để giữ khách hàng nên rất cần nguồn vốn lãi suất thấp. Còn nếu vay với lãi suất vẫn 7 - 8%/năm sẽ rất khó cho doanh nghiệp”, ông Lĩnh cho hay.

Theo ông Lĩnh, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng thời gian qua không có nguồn vốn để vực dậy, nên vẫn đang tiếp tục đóng cửa. Do vậy, nếu muốn doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn này, Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách tài khóa, tiền tệ mạnh mẽ hơn trước, còn nếu chỉ hỗ trợ lắt nhắt, không có nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, qua thời gian giãn cách xã hội, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức khá cao nên thiếu dòng tiền để phục hồi sản xuất. Giờ đây, doanh nghiệp đang có nhu cầu thu mua lúa gạo để chế biến, xuất khẩu, song do “đói” vốn nên đành bó tay.

Theo ông Bình, bất cập của ngành lúa gạo hiện giờ là việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Do vậy, khi sản xuất lúa xong, nông dân không tìm được đầu ra, dẫn tới giá lúa giảm. “Mọi khó khăn này, tôi cho rằng chỉ nằm ở nguồn vốn. Bao năm chúng ta cứ nói đến hình thành những cánh đồng mẫu lớn. Chúng tôi cũng muốn làm lắm nhưng không có tiền để thực hiện. Nếu doanh nghiệp được vay một nguồn vốn lãi suất thấp vào lúc này, tôi tin rằng, mọi khó khăn của nông dân sẽ được tháo gỡ”, ông Bình cho hay.

Trông đợi thêm từ gói hỗ trợ

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh cho biết, bản thân doanh nghiệp sản xuất vào thời điểm này không cần vay vốn để mở rộng sản xuất mà cần vốn để đáo hạn khoản nợ cũ. Hiện tại, nguồn tiền về của doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi khách hàng không có tiền trả mà hằng tháng vẫn phải gắng gượng trả lãi ngân hàng. Các khách sạn, nhà hàng được khoanh nợ còn doanh nghiệp sản xuất vẫn trông đợi các gói hỗ trợ.

“Doanh nghiệp đang vay ngân hàng 10 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn 6,5%/năm, dài hạn 8,5%/năm. Việc trả lãi ngân hàng cũng gây áp lực rất lớn lên doanh nghiệp. Bây giờ, tiền doanh nghiệp thu hồi được ít dần. Cụ thể, với hàng giao trong tháng 8, 9 khách hàng chưa trả. Nếu tháng 11, 12 tới, khách hàng không trả, doanh nghiệp không có khả năng trả ngân hàng nữa. Nguyện vọng doanh nghiệp lúc này là được giãn nợ, khoanh nợ chứ không dám vay thêm, bởi không bán được hàng”, ông Quốc Anh nói.

Theo ông Quốc Anh, hiện tại, công ty gặp khó khăn khi một số công nhân về quê nhưng không tất toán được bảo hiểm vì nợ tiền. “Cụ thể, doanh nghiệp đóng tiền bảo hiểm cho công nhân đến tháng 7 còn tháng 8, 9 chưa đóng nên doanh nghiệp bảo hiểm không cho giải quyết hồ sơ lao động. Trong khi đó, dòng tiền về doanh nghiệp chậm nên không biết làm sao xoay xở”, ông Quốc Anh nói.

Ông Quốc Anh cho biết thêm, vay ngân hàng đóng bảo hiểm không được, bởi hiện nay mới có quy định cho vay mở rộng sản xuất và trả lương. Đây cũng là một khoản đóng lớn của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM lưu ý: “Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp. Do doanh nghiệp chưa bán được hàng, dẫn đến thiếu dòng tiền, vì thế doanh nghiệp có thể bị chết trên đống tài sản của chính mình”.

Theo ông Châu, cái khó do “thiếu dòng tiền” có liên quan trực tiếp đến “khó về tín dụng” vì trong lúc này lãi suất vốn vay chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hằng tháng. Thậm chí, có doanh nghiệp phải đi “vay nóng” để trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu”.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác