Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp vận tải đường thủy'

Chí Bình - 14/10/2021 19:47 (GMT+7)

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, muốn cụ thể hoá quy hoạch đường thủy nội địa cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn, giảm thu phí hạ tầng cảng biển.

VNF
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Ngày 14/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistic vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển.

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tính đến tháng 9/2021, toàn quốc có 298 cảng, trong đó có 192 cảng hàng hóa, 9 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng; 6.899 bến thủy nội địa, trong đó bến đã được cấp phép hoạt động là 5.449 bến, bến không phép là 1.450 bến; 2.526 bến khách ngang sông, trong đó bến có phép 2.058 (đạt 85%).

Cả nước hiện có 235.000 phương tiện thủy nội địa với tổng trọng tải khoảng 19,6 triệu tấn, tổng sức chở là hơn 515.000 người, tổng công suất hơn 15,4 triệu sức ngựa, độ tuổi bình quân 14 năm.

Cả nước cũng có 2.739 phương tiện mang cấp VR-SB trong đó có 1.244 phương tiện chở hàng có tổng trọng tải hơn 2,8 triệu tấn; 487 phương tiện chở khách với tổng sức chở gần 29.000 hành khách và 1.028 phương tiện khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2018 cả nước có hơn 1.700 doanh nghiệp vận tải đường thủy với hơn 43.000 lao động và số vốn sản xuất kinh doanh là gần 12.000 tỷ đồng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy vậy, vận tải thuỷ nội địa hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, tồn tại các điểm nghẽn và các cầu có tĩnh không thấp; cự ly vận chuyển trung bình của các tuyến đường thủy nội địa ngắn hơn so với đường bộ, kết nối giữa vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thuận lợi.

Bên cạnh đó, cảng, bến thủy nội địa có quy mô hạn chế, trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, trình độ cơ giới hóa thấp, được bảo trì kém và kết nối với đường bộ yếu. Số lượng bến thủy nội địa quá nhiều, quy mô nhỏ, tổ chức khai thác thiếu chuyên nghiệp nên gây nhiều khó khăn cho quản lý chuyên ngành và tác động xấu đến môi trường...

Vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa còn tồn tại bất cập trong việc đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, như quy chuẩn kỹ thuật hiện hành chỉ quy định mạn khô của phương tiện đến 80m, định mức phao tròn cứu sinh đến phương tiện 50m, nhưng thực tế nhiều phương tiện VR-SB có kích thước lớn hơn...

Tại hội nghị, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Hải Nam, Cảng TNĐ Hồng Vân (Công ty Cổ phần Đầu tư TMDV quốc tế Interserco) đã trình bày mô hình hoạt động tại doanh nghiệp mình đồng thời cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh vận tải thủy là kết cấu hạ tầng luồng tuyến, cảng, bến thủy còn nhiều hạn chế, thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển.

Các hiệp hội như Hiệp hội đại lý môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cũng đề xuất nhiều giải pháp góp phần khai thác thế mạnh tiềm năng logistics vận tải thủy của quốc gia, góp phần giảm chi phí vận tải, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Vụ Vận tải và Cục Đường thủy nội địa rà soát, tổng hợp lại toàn bộ những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị… Yêu cầu thống kê lại những kiến nghị thuộc thẩm quyền thì tập trung giải quyết ngay.

Bộ trưởng lưu ý các đơn vị chuyên môn của Bộ cần xác định rõ vùng tập trung để phát triển đường thủy nội địa. Đầu tiên là cụm cảng phía bắc, trong 3 tuyến đường thủy quốc gia thì tuyến từ Việt Trì đến cảng Hải Phòng là quan trọng nhất nhưng hiện nay đang khai thác hạn chế nên cần chú trọng vào xây dựng hạ tầng cảng biển, cảng thủy khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Khẳng định vận tải thuỷ nội địa khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phát triển tốt nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các cảng cần bổ sung thiết bị, bổ sung cảng thuỷ nội địa.

Cục Đường thủy nội địa cũng được giao đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi xây dựng cảng thuỷ, xây dựng các tuyến đường bộ kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp với các cảng biển… đa dạng hoá hệ thống cảng, tạo tiềm lực mạnh để phát triển vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển khu vực phía Nam.

Nhấn mạnh muốn cụ thể hoá quy hoạch đường thủy nội địa cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn, giảm thu phí hạ tầng cảng biển, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa cùng phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu một loạt cơ chế, chính sách về miễn giảm thuế, tiếp cận vốn… để tạo điều kiện phát vận tải đường thuỷ nội địa, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác