Tài chính

PVD: Chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu, lợi nhuận dự kiến trở lại mốc nghìn tỷ

(VNF) - Yuanta nhận định PVD đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp này đang có những bước đi táo bạo.

PVD: Chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu, lợi nhuận dự kiến trở lại mốc nghìn tỷ

PVD: Chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu, lợi nhuận dự kiến trở lại mốc nghìn tỷ

Thị trường sôi động, PVD mạnh tay đầu tư giàn khoan

Giá cho thuê giàn khoan tự nâng trên thế giới đã có những diễn biến tích cực từ đầu năm 2023 đến nay và dự kiến tiếp tục duy trì xu hướng này trong giai đoạn 2024-2025. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, giá cho thuê giàn khoan tự nâng của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) trong năm 2023 cũng cải thiện đáng kể so với năm 2022.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024 giá cho thuê giàn khoan tự nâng trung bình sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao tương đương với quý IV/2023 (trên 100.000 USD/ngày) do các hợp đồng của PVD hầu hết là hợp đồng dài hạn. MBS cho biết, hiện tất cả giàn khoan của PVD đều đã kín lịch làm việc trong năm 2024, trong đó một số giàn khoan đã có hợp đồng thời hạn 3 năm từ đầu năm 2025 và 2 năm tuỳ chọn gia hạn, đồng nghĩa với việc đã kín lịch ít nhất đến năm 2028.

Lịch trình bận rộn của các giàn khoan cùng xu hướng thời gian dài hơn của mỗi hợp đồng khoan của PVD được MBS dự báo sẽ tiếp tục duy trì ít nhất đến hết năm 2025.

Ngoài ra, PVD còn dự kiến thuê thêm 2 giàn khoan Idemitsu và Murphy để hoạt động kể từ tháng 4/2024 và đầu tư thêm 1-2 giàn khoan mới trong năm nay. Đối với giàn khoan đầu tư mua mới, MBS cho biết chi phí dự kiến khoảng 200 triệu USD/giàn, trong đó PVD dự kiến vay khoảng 60-70% để thực hiện kế hoạch này và đang tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng cũng như đơn vị cung cấp giàn khoan nhằm đạt mục tiêu đưa giàn mới vào hoạt động trong năm 2025.

MBS đánh giá đây là kế hoạch tương đối táo bạo của PVD khi hầu hết các doanh nghiệp khoan dầu khí trên thế giới đang tập trung vào việc duy trì cơ cấu tài chính thận trọng, đồng thời xu hướng đi lên của thị trường khoan thế giới có thể không kéo dài sau năm 2026.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, PVD có lợi thế cạnh tranh quan trọng là tuổi giàn khoan trẻ. Thông tin từ ODS Petrodata cho biết, hiện thế giới có 499 giàn khoan đang hoạt động vào quý IV/2023, trong đó 376 giàn khoan đã có công việc ổn định. Trong số 123 giàn khoan đang nhàn rỗi, 62 giàn khoan không được đưa ra thị trường do đã quá cũ.

Tổng cộng 163 giàn khoan (chiếm 33% tổng số giàn khoan trên thế giới) đã hoạt động được hơn 30 năm, dẫn đến những lo ngại đáng kể về vấn đề an toàn. Trong khi đó, Yuanta cho biết tuổi thọ trung bình các giàn khoan của PVD chỉ mới 13 tuổi.

Chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu 

MBS cho biết, bên cạnh việc cho thuê giàn khoan ở thị trường quốc tế, PVD cũng dự kiến tham gia khoan và cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan cho một số dự án lớn trong nước như Lô B, Lạc Đà Vàng, Cá Voi Xanh, Sao Vàng Đại Nguyệt và Kèn Bầu ngay sau khi các dự án này giải quyết được các vướng mắc về pháp lý và có quyết định đầu tư cuối cùng (FID).

Riêng đối với chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, PVD sẽ tham gia ngay sau khi có dòng khí đầu tiên, dự kiến vào năm 2026-2027. MBS cho rằng khối lượng công việc khá lớn bao gồm hơn 900 giếng khai thác được kỳ vọng sẽ đem lại cho PVD cơ hội lớn để tăng trưởng lợi nhuận.

Theo đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho PVD kể từ năm 2025. Đây cũng là hoạt động có biên lợi nhuận gộp tương đối cao và ổn định của PVD. MBS cho rằng nếu có thể trúng thầu các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước, PVD có thể gia tăng biên lợi nhuận gộp và tạo ra bước tiến đáng kể trong lợi nhuận.

MBS kỳ vọng doanh thu mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan có thể đạt lần lượt 1.699 tỷ đồng (tăng 7,9% so với cùng kỳ) và 1.785 tỷ đồng (tăng 5,1%), biên lợi nhuận gộp có thể đạt lần lượt 29% và 30% trong giai đoạn 2024-2025.

Công ty chứng khoán này dự phóng lợi nhuận ròng năm 2024 - 2025 của PVD sẽ lần lượt đạt 967 tỷ đồng (tăng 66,9% so với mức thực hiện cùng kỳ) và 1.234 tỷ đồng (tăng 27,6% so với dự phóng năm 2024). Như vậy, lợi nhuận của PVD được kỳ vọng quay trở lại thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2011-2015, khi lãi thu về đều ghi nhận mức trên nghìn tỷ đồng sau nhiều năm ghi nhận lợi nhuận trồi sụt từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, thậm chí đã có năm kinh doanh thua lỗ.

Có phần đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định PVD đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới và kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới. “Chúng tôi có niềm tin chắc chắn rằng câu chuyện xoay chuyển tình thế của PVD đang trở thành hiện thực”, chuyên gia của Yuanta cho biết sau khi tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư của PVD.

Tin mới lên