‘Quả bom’ mới của Trung Quốc làm rung chuyển thị trường nhôm toàn cầu
(VNF) - Thông báo của Trung Quốc về việc sẽ chấm dứt hoàn thuế xuất khẩu với các sản phẩm nhôm bán thành phẩm đã gây náo loạn thị trường vào cuối tuần trước và có thể gây ra những hậu quả lâu dài nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng nhôm toàn cầu.
Giá nhôm tại Thượng Hải giảm và giá tại London tăng khi các thương nhân tính đến khả năng mất mát hàng năm lên tới hơn 5 triệu tấn sản phẩm của Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Đó là kịch bản xấu nhất và thực tế có thể không quá bi thảm, tùy thuộc vào cách các nhà chế biến nhôm của Trung Quốc ứng phó với việc mất đi nguồn thu nhập quan trọng.
Dòng chảy tài chính bị ảnh hưởng
Việc Bộ Tài chính Trung Quốc bãi bỏ hoàn thuế VAT 13% có hiệu lực từ ngày 1/12 cũng áp dụng cho việc xuất khẩu các sản phẩm đồng.
Lượng hàng xuất khẩu sản phẩm đồng của Trung Quốc không hề nhỏ, vào khoảng 700.000 tấn mỗi năm nhưng khối lượng nhôm lại ở quy mô khác.
Tổng lượng xuất khẩu các sản phẩm bán thành phẩm như thanh, tấm và ống nhôm của quốc gia này đạt tới con số khổng lồ 5,2 triệu tấn vào năm 2023. Con số này sẽ còn cao hơn nữa trong năm nay. Lượng hàng xuất đi đã tăng 17% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay.
Hầu như toàn bộ số hàng hóa đó đều đủ điều kiện được hoàn thuế VAT, đóng vai trò như một phao cứu sinh về mặt tài chính cho nhiều nhà sản xuất sản phẩm nhỏ hơn trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Sẽ có một đợt xuất khẩu ồ ạt trước thời hạn ngày 1/12 và những nhà chế biến gần như chắc chắn sẽ tìm cách chuyển một phần chi phí tăng cho người mua quốc tế.
Phản ứng của thị trường là mở ra một cơ hội đầu tư tài chính nhằm tạo điều kiện cho dòng sản phẩm nhôm liên tục chảy từ đông sang tây.
Kết quả có khả năng xảy ra nhất là khối lượng xuất khẩu giảm mạnh vào năm tới, sau đó là một số ổn định khi các nhà xuất khẩu điều chỉnh theo thực tế tài chính mới. Đây là những gì đã xảy ra với xuất khẩu thép mạ kẽm sau khi chính quyền xóa bỏ hoàn thuế đối với thép tấm và thép lá vào năm 2020.
Tuy nhiên, phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng hoạt động của các nhà chế biến Trung Quốc mà không cần đến sự hỗ trợ của thuế VAT.
Theo công ty nghiên cứu AZ Global, ngành chế biến nhôm trung gian của Trung Quốc đang phải chịu tình trạng dư thừa công suất, với tỷ lệ sử dụng thường dưới 65% và thậm chí thấp tới 40% ở một số ngành.
Xoa dịu căng thẳng quốc tế
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại chấm dứt hoàn thuế xuất khẩu nhôm? Và tại sao lại là bây giờ? Quyết định này dường như xuất phát từ những cân nhắc trong và ngoài nước.
Hoạt động xuất khẩu sản phẩm nhôm của Trung Quốc từ lâu đã là vấn đề căng thẳng với các đối tác thương mại phương Tây, những bên cáo buộc nước này trợ cấp không công bằng và gây tổn hại đến hoạt động thương mại.
Việc xóa bỏ thuế thúc đẩy xuất khẩu có thể là một nhượng bộ mang tính phòng ngừa vào thời điểm căng thẳng ngoại giao đang gia tăng.
Trung Quốc đang đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về việc khối này áp dụng mức thuế lên tới 45% đối với xe điện xuất khẩu của Trung Quốc, trong bối cảnh cả hai bên đều mong muốn tránh một cuộc chiến thương mại quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, viễn cảnh về một chính quyền mới của Mỹ hứa hẹn sẽ gây ra nhiều rắc rối về thuế quan hơn cho Trung Quốc khi ông Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 60% đối với tất cả các sản phẩm Trung Quốc vào Mỹ.
Điều đáng chú ý là thông báo cuối tuần trước cũng bao gồm việc cắt giảm hoàn thuế VAT cho cả pin và pin quang điện, hai nguồn chính gây căng thẳng thương mại quốc tế.
Sự tái cân bằng trong nước
Việc giảm xuất khẩu các sản phẩm nhôm cũng có thể giải quyết được căng thẳng cơ bản trong chuỗi cung ứng nội địa của Trung Quốc.
Chính phủ đã áp đặt mức trần công suất 45 triệu tấn cho ngành luyện kim trong nước. Sản lượng kim loại nguyên sinh quốc gia hiện đang ở mức 43,5 triệu tấn/năm, cho thấy tiềm năng tăng trưởng không nhiều.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cần nhiều nhôm hơn, một kim loại có liên quan chặt chẽ đến cuộc cách mạng năng lượng sạch dưới dạng bao bì cho tấm pin mặt trời và thân xe điện.
Nhu cầu tăng và sản lượng không đổi cho thấy sự cân bằng thị trường trong nước sẽ ngày càng thắt chặt khi vẫn còn 5 triệu tấn sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài.
Khuyến khích ngành sản xuất vật liệu này ở lại trong nước là một cách đảm bảo khả năng tự cung tự cấp trong những năm tới, một mục tiêu quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trên toàn bộ lĩnh vực hàng hóa.
Theo các chuyên gia, tác động ngắn hạn của việc xóa bỏ hoàn thuế có thể không tệ như thị trường lo ngại, nhưng nó đánh dấu một bước tiến lớn nữa trong quá trình phân chia thị trường vốn cho đến gần đây vẫn là thị trường toàn cầu hóa.
Mỹ đã dựng lên các rào cản thương mại ngày càng cao đối với nhôm Trung Quốc, gần đây nhất là dưới hình thức thuế nhập khẩu 25%. Canada cũng đã làm như vậy trong khi các lô hàng của Mexico đến Mỹ hiện phải có bằng chứng chứng minh rằng chúng không được chế tạo từ kim loại Trung Quốc.
EU đã áp thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nhôm của Trung Quốc và một rào cản lớn hơn đang xuất hiện dưới hình thức Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu.
Động thái hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc chỉ làm tăng thêm nhận thức rằng thị trường nhôm toàn cầu đang phân chia thành các thị trường khu vực riêng biệt được xác định bởi các rào cản thương mại.
Các nhà máy luyện kim phương Tây, nhiều trong số đó đã đóng cửa do giá thấp, và các nhà sản xuất sản phẩm có thể là những người chiến thắng cuối cùng khi xuất khẩu từ Trung Quốc giảm.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến đâu còn tùy thuộc vào mức độ tác động của những thay đổi trong luật thuế của Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc.
Ông Trump đắc cử, Trung Quốc trang bị ‘vũ khí’ cho cuộc chiến thương mại tiềm tàng
- Giá rẻ tới mức ‘vô lý’, Temu vướng loạt rào cản ở Đông Nam Á 18/11/2024 01:30
- Kinh tế Nga ‘vật lộn’ với nhiều thách thức, đồng rúp giảm xuống mức thấp mới 18/11/2024 09:49
- Nga phản công: Cấm xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ 17/11/2024 10:30
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.