Giá rẻ tới mức ‘vô lý’, Temu vướng loạt rào cản ở Đông Nam Á
(VNF) - Sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đã tăng trưởng bùng nổ trên thị trường quốc tế nhờ vào các dòng sản phẩm bắt mắt và thường có giá rẻ một cách “vô lý”, nhưng những chiến thuật giảm giá đó đã gặp phải nhiều rào cản ngày càng tăng khi công ty này tìm cách chinh phục các thị trường mới ở Đông Nam Á.
Vướng rào cản tại Đông Nam Á
Indonesia đã ra lệnh gỡ Temu khỏi các cửa hàng ứng dụng vào tháng 10, một động thái mà họ cho biết sẽ bảo vệ các thương gia nhỏ hơn của nước này.
Bộ Công Thương Việt Nam đầu tháng 11 cũng phát cảnh báo nóng đối với người tiêu dùng về các nguy cơ rủi ro khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam (hoạt động chui), trong đó có Temu, Shein và 1688.
Theo Simon Torring, đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Cube, làn sóng sản phẩm giá rẻ do Trung Quốc sản xuất (thường có mức thuế nhập khẩu tối thiểu) đã gây thiệt hại cho các nhà cung cấp và nhà sản xuất địa phương, những người không thể cạnh tranh được với tốc độ, chất lượng hoặc giá cả với các sản phẩm cung cấp trực tuyến.
Ông cho biết: “Temu đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi cơ quan quản lý, họ hiện đang lo lắng về việc liệu có nên thay đổi các quy định nhập khẩu xuyên biên giới hay không”.
Ông Poom Chotikavan, giám đốc điều hành tại Taksa Toys ở Thái Lan, đã phải vật lộn để tìm một nhà sản xuất địa phương để sản xuất đồ chơi trẻ em vì rất nhiều nhà cung cấp đã phá sản.
Gần 2.000 nhà máy Thái Lan trên mọi ngành công nghiệp đã đóng cửa và hơn 50.000 công nhân mất việc làm trong năm tài chính vừa qua, theo Reuters, một phần là do chi phí cao hơn và sự cạnh tranh lớn hơn từ Trung Quốc.
Ông Chotikavan cho biết: “Việc tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng đến thế nên doanh số của các công ty trên đã bị xóa sổ”.
“Làm sao họ có thể tồn tại trong bối cảnh này, nơi khách hàng của họ chỉ có thể liên hệ với các nhà máy Trung Quốc?”, ông chia sẻ thêm.
Phiên bản tương đương của Temu tại Trung Quốc, Pinduoduo, đã hoạt động từ năm 2015, với nền tảng toàn cầu ra mắt tại Mỹ vào năm 2022 và mở rộng ra thị trường châu Âu vào năm sau. Temu đã mở rộng sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á, bắt đầu với Philippines và Malaysia vào năm 2023, sau đó là Thái Lan, Brunei và Việt Nam trong năm nay.
Chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng từ tầng lớp trung lưu đang phát triển ở Đông Nam Á đã biến khu vực này thành thị trường lý tưởng, với doanh số mua sắm trực tuyến đạt gần 160 tỷ USD vào năm 2024, theo phân tích của Bain & Co được công bố vào tháng 11.
Theo Jianggan Li, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works, sự bùng nổ đó đến đúng thời điểm để Temu theo đuổi tăng trưởng trên thị trường quốc tế, khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại khiến khách hàng trong nước cắt giảm mua hàng trên Pinduoduo.
Ông cho biết: “Ở Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng đang trì trệ so với những năm 2010 nhưng vẫn rất cạnh tranh, do đó, các công ty cần tìm những hướng đi khác để phát triển như thị trường nước ngoài”.
Nhưng sự suy thoái cũng khiến các nhà máy Trung Quốc có công suất dự phòng, thúc đẩy các nhà cung cấp chính của Temu bán với khối lượng lớn và chi phí thấp, đồng thời thúc đẩy thị trường khi họ tiến vào thị trường này.
"Thật kinh ngạc khi thấy nó rẻ đến thế"
Giống như ở các thị trường phương Tây, Temu kết hợp những mặt hàng giá rẻ này với mức giảm giá lớn và chiến dịch quảng cáo ngày càng rầm rộ, đồng thời thu hút người mua sắm thông qua trải nghiệm trò chơi với vòng quay trúng thưởng và đồng hồ đếm ngược.
Sản phẩm đã tiếp cận được hàng trăm nghìn khách hàng, bao gồm cả ông Chotikavan, người đã mua giá đỡ iPhone MagSafe cho ô tô của mình trên Temu với giá 3 USD, rẻ hơn 1/7 so với giá thông thường.
“Các sản phẩm đang ngày càng rẻ hơn, nhưng chất lượng khá tốt. Thật kinh ngạc khi thấy nó rẻ đến thế”, ông Chotikavan cảm thán.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Đông Nam Á. Những chiếc túi rơm đan có giá 3 USD trên Temu được bán bởi những người bán hàng địa phương ở Indonesia với giá gấp sáu lần. Những chiếc áo khoác được bán ở các chợ Việt Nam với giá 15 USD cũng có trên Temu với cùng mức giá và được miễn phí vận chuyển.
Trong khi người tiêu dùng được hưởng lợi khi có nhiều hàng hóa giá rẻ, các doanh nghiệp địa phương lại muốn chính phủ hành động.
Indonesia đã có lập trường cứng rắn nhất, tăng thuế và cấm thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội vào năm 2023, buộc TikTok Shop phải mua lại một đối thủ cạnh tranh địa phương đang gặp khó khăn để tiếp tục hoạt động.
Trong khi lệnh cấm sẽ bảo vệ các nhà sản xuất địa phương và thuế cao hơn sẽ tăng thêm vào ngân khố của chính phủ, Temu vẫn tìm cách xâm nhập thị trường bất chấp các rào cản, ông Torring cho biết, chỉ ra rằng nền tảng này liên tục nộp đơn xin vào Indonesia mặc dù liên tục bị từ chối.
"Temu dường như đang báo hiệu cho các thị trường khác: 'Nếu dễ, chúng tôi sẽ đến. Nếu khó, chúng tôi vẫn sẽ đến”, ông Torring nói.
“Nhiệm vụ của họ là chiếm lấy thế giới", ông nhấn mạnh thêm.
Hai nhà bán lẻ thời trang Trung Quốc đấu nhau ở Mỹ: Temu đâm đơn kiện Shein
- Nga phản công: Cấm xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ 17/11/2024 10:30
- TT Putin hội đàm với Thủ tướng Đức, phá vỡ ‘băng giá’ với phương Tây 16/11/2024 08:45
- Vàng không còn 'lấp lánh' sau chiến thắng của ông Trump 16/11/2024 08:15
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.